Doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến ván đề sở hữu trí tuệ khi gia nhập TPP. Đồ họa: Ngọc Tuấn

Doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến ván đề sở hữu trí tuệ khi gia nhập TPP. Đồ họa: Ngọc Tuấn

Tranh chấp sở hữu trí tuệ có thể gia tăng khi gia nhập TPP

(ĐTCK) Quy định về đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) rộng hơn pháp luật Việt Nam hiện hành, đồng thời mức độ xử lý hành vi vi phạm cũng nặng hơn.
 

Bảo hộ cả mùi hương, âm thanh

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ, quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Hiệp định TPP về cơ bản dựa trên quy định của Hiệp định TRIPS (Sở hữu trí tuệ) trong WTO. Tuy nhiên, đối tượng được bảo hộ tại TPP được mở rộng hơn và có những đối tượng mà ta chưa từng nghĩ tới như âm thanh và mùi hương. TPP cũng quy định bảo hộ độc quyền với dữ liệu thử nghiệm sản phẩm.

Về bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, đây được xem là vấn đề khó khăn nhất trong đàm phán TPP về sở hữu trí tuệ. Cụ thể, trong lĩnh vực sinh dược, ban đầu, Hoa Kỳ đề nghị thời gian bảo hộ dữ liệu thử nghiệm là 12 năm, nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều nước.

Cuối cùng, đàm phán chỉ được kết thúc vào phút cuối với quyết định, các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada sẽ rút thời gian bảo hộ xuống còn 8 năm, còn các nước khác đã sử dụng quy định 5 năm thì được duy trì quy định này, nhưng khuyến khích sử dụng một số biện pháp khác để đạt được hiệu quả tương đương.

Với quy định khắt khe hơn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các chuyên gia e ngại, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ có thể tăng lên khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng. 

Sẽ có chế tài xử lý hình sự với vi phạm sở hữu trí tuệ 

Không chỉ mở rộng các đối tượng được bảo hộ, trong công tác thực thi, yêu cầu của TPP cũng được nâng lên mức cao hơn. Đơn cử, đối với nhãn hiệu và quyền tác giả, ông Lâm cho biết, với TPP, Việt Nam phải cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số. Bên cạnh đó, những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như làm giả nhãn hiệu, sao lậu quyền tác giả hay quyền liên quan ở quy mô thương mại thì bắt buộc phải xử lý hình sự.

“TPP cũng khuyến cáo các nước cố gắng xây dựng một hệ thống pháp luật dân sự để xử lý các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ, thay vì sử dụng các biện pháp hành chính”, ông Lâm cho biết.

Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi sử dụng môi trường số để chào bán sản phẩm, quảng cáo, rất nhiều tình huống cố tình sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp khác, hoặc chào bán mặt hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ông Lâm khẳng định, với quy định của TPP, nếu doanh nghiệp không từ bỏ những hoạt động nói trên thì có thể bị xử lý hình sự.

Ở cương vị lãnh đạo một doanh nghiệp có hơn 200 chứng nhận sở hữu trí tuệ và từng là nạn nhân của những vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco cho rằng, Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, hiểu biết về pháp luật chưa đầy đủ và còn nặng về tư tưởng kinh doanh kiểu “chộp giật” nên hay bắt chước sản phẩm nước ngoài.

Các doanh nghiệp muốn hội nhập và phát triển bền vững thì phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và đặc biệt quan tâm tới các quy định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tránh gặp phải các rắc rối liên quan. 

Cần nâng cao năng lực của cơ quan bảo hộ

Cùng với việc sửa đổi luật pháp theo hướng phù hợp với các điều khoản cam kết trong TPP, năng lực thực thi của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng là vấn đề các chuyên gia lưu ý. Hàng năm, lượng đơn đăng ký bảo hộ của cá nhân và doanh nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ tăng từ 10 -15%. Điều này tạo ra thách thức lớn với hiện trạng nguồn lực của đơn vị này.

Phó Cục trưởng Lê Ngọc Lâm thừa nhận, có đến 5 cơ quan khác nhau ở các bộ ngành khác nhau tại Việt Nam đang tham gia vào hoạt động thực thi nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ sở hữu, tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của lượng đơn đăng ký bảo hộ tăng lên hàng năm, Nhà nước cần đầu tư thêm về hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn lực cho Cục Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, Việt Nam cần thiết lập ít nhất một tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ để thực hiện được các vụ việc xử lý bằng biện pháp dân sự.

Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xác lập, thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo tiêu chuẩn TPP, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc áp dụng những quy định của TPP về sở hữu trí tuệ có lộ trình thực thi. Tùy thuộc vào các nghĩa vụ khác nhau, “độ trễ” thực thi có thể từ 3 đến 5 năm hoặc thậm chí 15 năm sau khi TPP có hiệu lực.

Tin bài liên quan