Trong vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Công ty cổ phần Đầu tư PV2 và một ngân hàng mới đây, sự nhập nhằng giữa vụ án dân sự, hình sự dẫn đến hậu quả là trong thời gian dài vụ việc không được xử lý dứt điểm.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2011, PV2 và Công ty cổ phần Đầu tư Vietsan ký kết 2 hợp đồng mua bán thép với giá trị lần lượt là 21,5 tỷ đồng và 20,5 tỷ đồng. Để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán, chi nhánh của ngân hàng này đã phát hành 2 chứng thư bảo lãnh cho Vietsan, với giá trị bảo lãnh bằng với giá trị hợp đồng và thời hạn bảo lãnh là 105 ngày.
Quá trình thực hiện hợp đồng, PV2 đã giao đủ hàng cho Vietsan, nhưng công ty này còn nợ lại 18,8 tỷ đồng tiền hàng. Năm 2012, PV2 khởi kiện ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với số tiền gốc và lãi là 24,7 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ nhất đều chấp nhận nội dung khởi kiện của PV2, buộc ngân hàng phải thanh toán số tiền trên. Theo bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật năm 2013, ngay sau đó, ngân hàng đã nộp tiền thi hành án khoản tiền hơn 27 tỷ đồng (cộng tiền lãi phát sinh đến thời điểm thi hành án).
Tuy nhiên, cùng thời điểm năm 2012, cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nguyên Giám đốc chi nhánh ngân hàng và một số cán bộ khác sai phạm. Cơ quan điều tra đã rà soát lại các chứng thư bảo lãnh do ông vị giám đốc này ký kết.
Ngân hàng cho rằng, 2 chứng thư bảo lãnh không được thực hiện đúng theo quy định về phát hành bảo lãnh của ngân hàng, cũng như Ngân hàng Nhà nước như không có hồ sơ lưu, không được hạch toán, không thu phí, phát hành bảo lãnh vượt thẩm quyền... Do đó, Vietsan phải có trách nhiệm thanh toán số tiền còn lại cho PV2. Ngân hàng cũng đề nghị tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để chờ kết quả giải quyết hình sự đối với vị giám đốc chi nhánh trên.
Mặc dù các đề nghị trên không được chấp nhận, một mặt ngân hàng vẫn nộp tiền thi hành án, mặt khác tiếp tục gửi đơn khiếu nại.
Năm 2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm, quyết định hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại với lý do là chi nhánh phát hành 2 chứng thư bảo lãnh sai quy định. Trong trường hợp vụ án hình sự chưa được giải quyết, tòa án cần tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Trong khi đó, theo bản án sơ thẩm Vụ án Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng, 14 hợp đồng mua bán hàng hóa trên cơ sở bảo lãnh của chi nhánh này bị vô hiệu. Đồng nghĩa là ngân hàng không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Song 2 hợp đồng giữa PV2 và Vietsan không được đề cập trong cáo trạng. Điều này có thể hiểu rằng, 2 hợp đồng này không có dấu hiệu hình sự.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vào ngày 17/6/2016, nguyên đơn là PV2 bất ngờ rút toàn bộ đơn khởi kiện. Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, nhưng không thông báo cho bị đơn là ngân hàng.
Ngân hàng cho rằng, quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không đề cập đến việc xử lý số tiền 27 tỷ đồng.
Ngân hàng đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để bị đơn thu hồi số tiền hơn 27 tỷ đồng bị khấu trừ theo quyết định thi hành án. Ngày 26/6/2017, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp nhận đơn kháng án của ngân hàng, chuyển vụ án để cấp sơ thẩm xét xử lại.
Như vậy, sau một thời gian dài (gần 6 năm), tranh chấp giữa các bên vẫn chưa có phán quyết cuối cùng, kéo theo đó là việc xác định trách nhiệm để thu hồi tiền của các bên gặp rất nhiều khó khăn.