Saigontel và VTC không tìm được tiếng nói chung về những vướng mắc trong bản hợp đồng góp vốn
Năm 2008, Saigontel và VTC ký thỏa thuận thành lập CTCP VSM, để sản xuất các chương trình truyền hình và khai thác các dịch vụ truyền thông. Việc hợp tác giữa hai công ty được nâng lên tầm cao mới vào năm 2011, khi hai bên thống nhất góp vốn thành lập CTCP Truyền thông Sắc màu Sài Gòn, tiền thân là CTCP VSM. Công ty có vốn điều lệ 160 tỷ đồng, trong đó, Saigontel là cổ đông đa số, với 51% cổ phần, VTC góp 29,8% cổ phần và Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) góp 19,2% cổ phần. Phía VTC góp vốn bằng quyền kinh doanh và khai thác kênh truyền hình VTC6, lợi thế kinh doanh và kinh nghiệm truyền hình; 2 công ty còn lại góp vốn bằng tiền.
Trong quá trình hợp tác, giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn về quyền lợi. Năm 2012, phía VTC yêu cầu CTCP Sắc màu Sài Gòn thanh toán doanh thu khoán 10 tỷ đồng. Trong khi đó, ngày 10/12/2012, Saigontel đã có công văn gửi VTC về việc VTC vi phạm nghĩa vụ hợp đồng góp vốn, khi nhận đủ số tiền 3,9 triệu USD để đầu tư thiết bị kỹ thuật phục vụ việc phát sóng truyền hình analog, song lại chưa triển khai đầu tư đầy đủ. Bên cạnh đó, kênh truyền hình VTC6 không được cấp phép phát sóng analog, khiến hoạt động của CTCP Sắc màu Sài Gòn không mấy hiệu quả.
Theo Saigontel, số tiền mà Công ty đã đầu tư cho kênh truyền hình VTC6 đến nay đã lên tới hơn 80 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa thu lại được. Tại Công văn, Saigontel yêu cầu VTC phải chịu phạt 8% tổng giá trị hợp đồng, ngoài ra, để bồi thường các thiệt hại của Saigontel, VTC phải hoàn trả số tiền 3,9 triệu USD cùng tiền lãi ngân hàng, lãi phạt 2,36 triệu USD”.
Phía VTC thừa nhận đã nhận đủ số tiền 3,9 triệu USD và đã mua sắm và lắp đặt hệ thống thiết bị phát sóng. VTC khẳng định, những thiết bị này là tài sản của CTCP Truyền thông Sắc màu Sài Gòn và sẽ chuyển giao hồ sơ mua sắm cho công ty này. Đối với việc kênh VTC6 không được phép phát sóng truyền hình analog, VTC giải thích, do nhiều yếu tố khách quan, nên kênh này không được cấp phép phát sóng analog như đã thỏa thuận với Saigontel. VTC đề nghị hai bên lập các tổ làm việc để xem xét xử lý các vấn đề tồn đọng.
Ngày 11/1/2013, hai bên đã họp nhưng không thống nhất được phương án xử lý. VTC yêu cầu Saigontel phải thanh toán khoản doanh thu khoán 10 tỷ đồng năm 2012, còn Saigontel lại muốn cấn trừ khoản tiền VTC còn nợ để thanh toán tiền dịch vụ. Sau buổi họp, VTC đã cắt sóng một phần kênh VTC6. Đáp trả lại, ngày 18/1/2013, Saigontel có đơn thư gửi các cơ quan chức năng “Đề nghị xem xét xử lý việc VTC vi phạm hợp đồng hợp tác kinh doanh”.
Trong đơn thư này, Saigontel nêu, do VTC không thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng nên Saigontel phải chịu nhiều thiệt hại và ước tính số tiền này là hơn 220 tỷ đồng, bao gồm khoản tiền 3,9 triệu USD, nếu tính lãi ngân hàng, họ chịu thiệt thêm khoảng 2,36 triệu USD và khoản đầu tư 80 tỷ đồng vào hoạt động của CTCP Sắc màu Sài Gòn chưa thu hồi lại được.
Trước những tố cáo của Saigontel, ngày 22/1/2013, VTC đã dừng toàn bộ nội dung phát sóng của CTCP Truyền thông Sắc màu Sài Gòn trên kênh truyền hình VTC6. VTC thông báo: Đài sẽ không chịu trách nhiệm nội dung các chương trình của CTCP Truyền thông Sắc màu Sài Gòn hiện đang truyền dẫn phát sóng trên hạ tầng phát sóng khác. Lý do được VTC đưa ra là Saigontel đã chậm thanh toán khoản doanh thu khoán cho Đài trên kênh VTC6 và Đài không thể tiếp tục cho nợ.
Hiện Saigontel vẫn giữ quan điểm của mình và đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, điều tra vụ việc nói trên, buộc VTC phải trả lại tiền và tài sản mà Saigontel cho rằng công ty này đã có hành vi chiếm đoạt và bồi thường thiệt hại phát sinh.
Tranh chấp về kinh doanh ngày càng phức tạp
Ngày 1/2, TAND TP Hà Nội đã tổng kết công tác hội thẩm năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2013. Theo TAND TP. Hà Nội, năm 2012, các tranh chấp dân sự, lao động, kinh doanh thương mại và khiếu kiện hành chính ngày càng tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp. Trong năm qua, cơ quan này đã thụ lý, sơ thẩm, phúc thẩm 2.968 vụ, đã giải quyết được 2.645 vụ.
Trong đó, án kinh doanh thương mại đã thụ lý 256 vụ, giải quyết được 180 vụ, đạt tỷ lệ 70%. Cụ thể, đã xét xử 50 vụ, đình chỉ 41 vụ, chuyển hồ sơ 44 vụ và công nhận thỏa thuận của các đương sự 45 vụ. Trong các vụ hủy án, sửa án, có 3 vụ hủy án do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử, 11 vụ sửa án do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử.
Vẫn theo TAND TP. Hà Nội, các tranh chấp kinh doanh thương mại trên địa bàn đều rất phức tạp, chủ yếu liên quan đến nhà ở, quyền sử dụng đất, tranh chấp về kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. |