Ảnh Internet
Một trong những vụ tranh chấp con dấu gây chú ý thời gian qua là CTCP Đầu tư Trung Nguyên khởi kiện đòi bà Lê Hoàng Diệp Thảo (cổ đông nắm giữ 30% vốn doanh nghiệp này) phải trả lại con dấu.
Tranh chấp khởi phát từ năm 2015 và đến năm 2019, bản án phúc thẩm mới được thi hành.
Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp muốn hoạt động phải xin phép khắc dấu và phải được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý cho khắc dấu và cấp giấy đăng ký mẫu dấu.
Khi nội bộ doanh nghiệp xảy ra tranh chấp, thường diễn ra tình trạng một bên chiếm giữ con dấu khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, bởi không có con dấu thì văn bản phát hành không được đối tác, cơ quan quản lý thừa nhận.
Để giải quyết tranh chấp thường phải nhờ đến tòa án và việc xét xử qua 2 cấp (sơ thẩm, phúc thẩm) có thể khiến vụ việc kéo dài, đó là chưa kể tới quá trình thi hành án.
Luật Doanh nghiệp 2014 đã có nhiều sửa đổi, trong đó dành cho doanh nghiệp quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp.
Theo đó, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp xảy ra tranh chấp, việc thay đổi mẫu con dấu và đăng ký lại với cơ quan quản lý nhiều khi rất khó khăn...
Trong trường hợp con dấu bị chiếm giữ, doanh nghiệp có thể quyết định thay đổi mẫu con dấu và thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng theo quy định của Luật và Điều lệ công ty. Khi đó, một cá nhân khó có thể cản trở việc thay đổi mẫu con dấu của công ty.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế tranh chấp vẫn diễn ra, mà mới đây nhất là trường hợp Công ty TNHH Petrosetco-SSG được Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM giải quyết.
Cụ thể, năm 2010, Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco, mã PET) và CTCP Tập đoàn SSG (SSG) góp vốn thành lập Công ty Petrosetco-SSG, trong đó PET góp 51% vốn và SSG góp 49% vốn.
Công ty này được thành lập để thực hiện dự án Petrosetco-SSG Tower tại Thanh Đa, TP.HCM.
Theo Điều lệ của Petrosetco-SSG, ông Bùi Anh Dũng là người đại diện vốn góp của PET, đồng thời đảm nhận chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty.
Năm 2017, PET có văn bản thông báo cử bà Bùi Thị Minh Chiên làm người đại diện vốn góp, nhưng không giữ chức danh Chủ tịch.
Theo trình bày của bà Ung Thị Hoài Hà, Giám đốc Công ty Petrosetco-SSG, tuy không phải là Chủ tịch Công ty, nhưng bà Chiên thường dùng danh nghĩa này yêu cầu bàn giao con dấu với lý do cần đóng dấu gấp một số giấy tờ liên quan đến người lao động.
Bà Hà đã đồng ý cho bà Chiên mượn tạm con dấu. Nhân viên giữ dấu ký biên bản bàn giao.
Sau đó, bà Chiên không giao lại con dấu. Việc này gây nhiều khó khăn cho Petrosetco-SSG, bởi doanh nghiệp hàng ngày cần phải đóng dấu nhiều văn bản, giấy tờ.
Petrosetco-SSG vẫn đang hoạt động và theo quy định, Giám đốc Công ty là người giữ con dấu. Do đó, nguyên đơn yêu cầu PET trao trả con dấu.
Phía PET thừa nhận đang giữ con dấu, song không đồng ý trao trả với lý do là PET nắm giữ chi phối (51% vốn) và đã có yêu cầu giải thể Petrosetco-SSG.
Việc giữ con dấu nhằm mục đích tránh phát sinh nghĩa vụ tài chính cho 2 bên. Petrosetco vẫn có trách nhiệm đóng dấu các văn bản mà 2 bên thống nhất trong thời gian chờ giải thể.
Ở cấp phúc thẩm, PET cho biết, Tổng công ty không giữ con dấu, bà Chiên đã bàn giao con dấu cho bà Hà Thị Kim Lan, nhân viên của Petrosetco-SSG.
Theo quy định pháp luật, bà Ung Thị Hoài Hà - Giám đốc Petrosetco-SSG, là người có trách nhiệm bảo quản an toàn con dấu của Công ty.
Theo biên bản bàn giao thì con dấu đã được bàn giao cho bà Bùi Thị Minh Chiên, người đại diện 51% vốn góp tại Petrosetco-SSG.
Theo đó, tòa án xác định, việc PET giao con dấu cho ai quản lý là công việc nội bộ và phải có trách nhiệm thu hồi để bàn giao lại cho Petrosetco-SSG.
Có thể thấy, trong trường hợp này, việc áp dụng quy định về thay đổi mẫu con dấu và đăng ký lại với cơ quan quản lý là rất khó khăn khi xét đến cán cân quyền lực giữa hai bên thành viên góp vốn.
Quy định của pháp luật hiện hành vẫn buộc doanh nghiệp phải có con dấu, phải đóng dấu trong nhiều trường hợp.
Thói quen sử dụng con dấu cũng khiến các bên liên quan yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng con dấu. Nếu có một bên chiếm giữ con dấu, doanh nghiệp tất yếu chịu ảnh hưởng.