Căng băng rôn - cực chẳng đã
Câu chuyện tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng diễn ra tại không ít dự án. Nhiều vụ tranh chấp do không tìm được cách giải quyết, đã đẩy căng thẳng lên cao, và phản ứng thường được nhiều khách hàng áp dụng là căng băng rôn phản đối.
Mới đây nhất, khách hàng mua nhà tại dự án Sky Central 176 Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) đã căng băng rôn trên ôtô diễu hành trên nhiều con phố của Hà Nội sau nhiều tháng không giải quyết được bất đồng với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng HUD1.
Mâu thuẫn bắt nguồn từ việc khách hàng cho rằng tiến độ dự án chậm so với cam kết, nhưng chủ đầu tư không có lời giải thích rõ ràng, tiếp đó còn có nhiều động thái gây sức ép khi bàn giao nhà, thậm chí dọa thanh lý hợp đồng với những khách hàng phản đối.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một khách hàng tại dự án này cho biết, việc căng băng rôn gây mất mỹ quan đô thị, nhưng với cư dân là việc cực chẳng đã, vì chỉ muốn kêu gọi chủ đầu tư nhanh chóng giải quyết kiến nghị, cũng như có thái độ tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của cư dân một cách đàng hoàng hơn.
“Chúng chỉ gỡ xuống khi hai bên tìm được tiếng nói chung”, bà Hồng Anh, một khách hàng tại dự án này cho biết.
Trong tháng 6/2020, giữa cái nắng lên tới hơn 40 độ C, hàng chục cư dân Chung cư Thống Nhất Complex (Thanh Xuân, Hà Nội) căng băng rôn trước mặt tòa nhà phản đối về việc chủ đầu tư là Công ty TNHH Thống Nhất Bắc Việt cắt nước giữa cao điểm đợt nắng nóng với lý do một số cư dân bức xúc cho rằng chủ đầu tư khai khống diện tích.
“Trong hợp đồng mua bán mà chúng tôi ký với chủ đầu tư có nội dung là, nếu sự sai lệch của diện tích dưới 1% thì coi như tính theo của chủ đầu tư, nhưng ở đây hầu hết là trên 1%, nên cư dân muốn đối thoại rõ ràng giữa các bên về vấn đề này. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại né tránh và từ chối đối thoại. Chúng tôi chỉ muốn gặp gỡ, trao đổi nhằm giải quyết cái gốc của vấn đề đó là tranh chấp diện tích. Vì chủ đầu tư không cử người có trách nhiệm gặp cư dân, chúng tôi bức xúc và buộc phải treo băng rôn”, ông Đỗ Quốc Việt, chủ căn hộ B1408 cho biết.
Còn nhớ, hồi đầu năm nay, cư dân Athena (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng có nhiều động thái phản đối Công ty TNHH Phát triển đô thị và Xây dựng 379 vì không trả sổ hồng căn hộ sau nhiều lần hứa hẹn. Theo nhiều hộ dân sống tại chung cư, dù đã thanh toán toàn bộ chi phí mua nhà cách đây gần 2 năm, nhưng đến thời điểm hiện tại, họ vẫn nhận được sổ hồng như đã cam kết.
Đại diện chủ đầu tư có gặp gỡ và hứa hẹn sẽ cấp sổ hồng trong thời gian sớm nhất, nhưng sau hơn 1 năm chờ đợi, sự việc vẫn chưa được giải quyết.
“Năm 2018, chủ đầu tư đưa ra các thủ tục để làm sổ hồng và chúng tôi hoàn thành gần 2 năm nay. Tuy nhiên, họ tìm đủ lý do để trì hoãn việc cấp giấy tờ sở hữu nhà cho chúng tôi”, cư dân sống tại Chung cư Athena cho biết.
Cần gạt "cái tôi" sang một bên
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, đến nay có khoảng 13,5% dân số Hà Nội đang sinh sống ở chung cư. Thành phố có gần 2.600 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, trong đó có gần 1.580 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư. Trong đó, số lượng tranh chấp diễn ra với hàng trăm vụ việc khác nhau, bao gồm từ cả chung cư bình dân tới cả chung cư cao cấp với đủ loại mâu thuẫn. Từ việc chậm tiến độ bàn giao nhà, chậm bàn giao phí bảo trì, sở hữu chung, sở hữu riêng, đến chậm thành lập ban quản trị, chậm làm sổ đỏ…
Trước vấn nạn tranh chấp tại các dự án chung cư kéo dài, phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã ký Quyết định 980/QĐ-BXD ngày 18/11/2019 ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2020.
Theo đó, năm 2020, Thanh tra Bộ Xây dựng tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì tại hàng loạt dự án chung cư ở Hà Nội và TP.HCM. Tiếp theo sau đó, ngày 19/5/2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Quyết định số 407 thành lập đoàn thanh tra công tác quản lý nhà nước về việc quản lý sử dụng nhà chung cư.
Theo đó, đoàn sẽ tập trung kiểm tra trong quý III/2020 tại các quận như: Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Nam Từ liêm, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì. Tiếp đó là chương trình thanh kiểm tra tại các huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mê Linh, Đan Phượng, Quốc Oai.
Mục tiêu của đợt kiểm tra này sẽ làm rõ những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ, xác định nguyên nhân trách nhiệm, nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Theo bà N.H.G (cư dân một chung cư đang xảy ra tranh chấp tại Hoàng Mai, Hà Nội), việc cơ quan chính quyền quyết định rà soát lại các tranh chấp của chung cư là điều đáng mừng, cho thấy tiếng nói của người mua nhà đã không còn bị yếu thế hơn so với các chủ đầu tư như trước đây.
Thực tế, cực chẳng đã nhiều người mua nhà phải bỏ công, bỏ việc, lên tiếng đi khiếu nại, cầu cứu khi "tổ ấm" của mình trước nguy cơ bị "đe dọa". Chứ khi mua nhà chắc hẳn chẳng có ai mong muốn sẽ phải đứng dưới mưa nắng mà kêu cứu.
“Cư dân biểu thị sự bất bình, suy cho đến cùng cũng chỉ mong sao chính quyền vào cuộc sớm hơn, vụ việc sớm được giải quyết hợp tình hợp lý”, bà G. chia sẻ và cho biết thêm, tuy nhiên, mỗi người mua nhà mong muốn cơ quan chức năng cụ thể hóa bằng hành động cụ thể chứ không chỉ rà soát rồi kết quả thanh tra lại để đấy để mặc chủ đầu tư tiếp tục vi phạm hoặc chỉ bị xử lý với mức phạt rất nhẹ, không đủ tính răn đe cho các chủ đầu tư khác.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, việc rà soát lại các tranh chấp ở nhiều chung cư tại Hà Nội là điều cần thiết. Tuy nhiên, có thể cư dân vẫn không kỳ vọng quá nhiều vào kết quả của các cuộc thanh tra, bởi chưa kể số lượng dự án thanh tra có thể rất lớn và thực tế chưa thấy nhiều chủ đầu tư bị xử phạt “nặng” vì vi phạm cam kết với khách hàng.
Tốc độ phát triển quá nhanh của nhà chung cư đang khiến Hà Nội phải đối mặt với những khó khăn phát sinh trong quá trình quản lý, điều hành. Hệ thống văn bản pháp luật chưa đủ sức điều tiết, trong khi chất lượng dịch vụ ở nhiều chung cư còn thấp. Điều này dẫn đến hàng loạt xung đột, mâu thuẫn, thậm chí kiện tụng xảy ra tại các khu chung cư từ bình dân đến cao cấp, nhưng các cơ quan quản lý không tìm được cách giải quyết triệt để. Muốn hóa giải mâu thuẫn chỉ khi khách hàng và chủ đầu tư chấp nhật gạt “cái tôi” của mình sang một bên, mỗi bên nhường nhau một ít.
Thực tế, với các chủ đầu tư, để triển khai một dự án, họ cũng bỏ công, bỏ sức và dồn rất nhiều tâm huyết và cũng không mong muốn dự án của mình có những “hạt sạn” mâu thuẫn với các khách hàng. Tuy vậy, khi tranh chấp xảy ra, không nhiều chủ đầu tư chấp nhận gạt “cái tôi” của mình sang một bên để đàm phán một cách minh bạch, chủ động với cư dân, đặc biệt là những chủ đầu tư dạng tay ngang, triển khai 1 - 2 dự án là cuốn gói.
Nếu chủ đầu tư không có cách ứng xử đúng cách thì có có thể giải quyết được mâu thuẫn với khách hàng. Dù cơ quan chức năng vào cuộc và chứng minh chủ đầu tư đúng, thì khi đó uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp cũng đã bị sứt mẻ ít nhiều.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com