Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phép doanh nghiệp loại trừ việc bồi thường khi khách hàng có sự gian dối.

Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phép doanh nghiệp loại trừ việc bồi thường khi khách hàng có sự gian dối.

Tranh chấp bảo hiểm, chuyện năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2021, dịch Covid-19 khiến nhiều vụ tranh chấp bảo hiểm phải tạm ngừng giải quyết, nhưng vẫn “nóng” với vụ tranh chấp liên quan đến hành vi mua 19 hợp đồng bảo hiểm của một khách hàng ở Hải Phòng.

Dấu hiệu gian dối, trục lợi hàng chục tỷ đồng

Lần đầu tiên, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) với vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên đã tố giác người mua bảo hiểm lên Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) do nhận thấy khách hàng đó có dấu hiệu gian dối trong kê khai mua bảo hiểm, nhằm trục lợi số tiền khoảng 20 tỷ đồng.

IAV cho biết, có bằng chứng cho thấy khách hàng tên K “có dấu” đã biết mình bị ung thư tuyến giáp trước khi mua 19 hợp đồng bảo hiểm trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020 (trước đó, khách hàng này lấy tên là K “không dấu” đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và nhận được kết quả chẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp).

Theo đại diện ủy quyền của khách hàng, khi đi kiểm tra sức khỏe nhanh, khách hàng được các bác sĩ thông báo “nghi ngờ bị ung thư tuyến giáp, yêu cầu kiểm tra tầm soát ung thư”, chứ chưa khẳng định là “bị ung thư”.

Thực tế, khi được chẩn đoán có khả năng bị ung thư, tâm lý thông thường là tuyệt vọng và chỉ có 2 cách giải quyết: hoặc phải điều trị, hoặc chấp nhận chết, mà điều trị thì chi phí lớn, nên việc mua bảo hiểm là một giải pháp.

Mặt khác, hợp đồng bảo hiểm là một dạng tài sản hình thành trong tương lai và pháp luật không cấm khách hàng mua nhiều hợp đồng bảo hiểm.

Đại diện khách hàng lập luận, theo Quyết định số 3879/QĐ-BYT ngày 30/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, để xác định một bệnh nhân chắc chắn bị ung thư thì phải căn cứ vào xét nghiệm giải phẫu bệnh, phải được một hội đồng chẩn đoán bệnh của bệnh viện kết luận, chứ không chỉ đơn thuần là kết luận của một vài bác sĩ hay các chỉ số xét nghiệm đặc thù, kể cả làm thủ thuật xét nghiệm tế bào.

Bản thân khách hàng chưa từng làm xét nghiệm giải phẫu bệnh cho đến cuối tháng 3/2020, nên dù có đi khám trước đó thì cũng chỉ là người “có nghi vấn bệnh ung thư”.

Các thông tin mà khách hàng nhận từ bác sĩ hay bệnh viện chỉ là dạng thông tin nghi vấn, không thể là thông tin “chắc chắn đã biết bệnh ung thư” như cáo buộc của IAV.

Sau khi nhận được tin báo, tố giác về tội phạm của IAV, Liberty, Prudential, Aviva, MB Ageas, FWD, Generali, Dai-ichi, VBI, Cathay, đến ngày 11/10/2021, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra theo đơn tố cáo.

Trong năm 2021, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên ghi nhận từ các luật sư, chuyên gia pháp lý trong ngành bảo hiểm, nhiều vụ tranh chấp, khởi kiện ra tòa đã bị tạm dừng thụ lý, giải quyết. Gần đây, trên thị trường xảy ra hơn 10 vụ tranh chấp nhỏ, có giá trị tranh chấp từ 15 - 21 triệu đồng do một công ty dịch vụ pháp lý được ủy quyền bởi khách hàng đã khiếu nại cùng lúc một công ty bảo hiểm phi nhân thọ có trụ sở chính tại Hà Nội, là công ty con của một ngân hàng. Vụ tranh chấp này liên quan đến hỗ trợ chi phí nằm viện.

Thiếu quy định về phòng ngừa gian lận bảo hiểm

Theo Bộ Tài chính, những năm qua, hành vi gian lận bảo hiểm có dấu hiệu gia tăng, gây thiệt hại về vật chất, uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Cơ quan này đang trong quá trình hoàn thiện các quy định về bảo đảm an toàn, hạn chế tổn thất, phòng ngừa gian lận bảo hiểm, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp.

Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm đã được quy định tại Điều 213, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Khoản 49, Điều 1, Luật số 12/2017/QH14 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gian lận bảo hiểm tại Điều 1, Nghị định 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện không có quy định về phòng ngừa gian lận bảo hiểm, cũng không có quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm không có quy định về phòng ngừa gian lận bảo hiểm. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định này tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cũng chưa có quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp. Các vụ việc tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự, phần lớn thông qua hệ thống tòa án các cấp.

Hệ thống toà án rơi vào tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử sơ thẩm, làm tăng việc vụ việc xét xử phúc thẩm, kéo dài thời gian xử lý, tăng số vụ tồn đọng, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, bổ sung các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp theo nhiều hình thức khác nhau như thương lượng, hòa giải, trọng tài bảo hiểm và tòa án là cần thiết, giúp các bên tham gia quan hệ kinh doanh bảo hiểm có nhiều sự lựa chọn để giải quyết tốt nhất các tranh chấp.

Trong đó, khuyến khích các bên tham gia quan hệ kinh doanh bảo hiểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Đây là một cơ chế giải quyết tranh chấp trung lập, mang tính chuyên môn cao, mềm dẻo, nhanh chóng, thuận lợi cho các bên, đảm bảo bí mật và là cơ chế giải quyết tranh chấp dứt điểm.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bảo hiểm đã phát triển vượt bậc so với giai đoạn đầu, cần hoàn thiện quy định để nâng cao chất lượng thị trường và duy trì đà phát triển.

Một trong những mục tiêu là giảm thiểu các hành vi gian lận dẫn đến bất bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; có cơ chế hiệu quả, rõ ràng, minh bạch trong việc giải quyết tranh chấp.

Cụ thể, bổ sung quy định về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, các biện pháp ngăn ngừa gian lận như đề phòng hạn chế tổn thất, quản trị rủi ro, các biện pháp xử lý gian lận trong trường hợp chưa đến mức phải xử lý hình sự, đồng thời quy định về hình thức và các bước giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Bổ sung các quy định như trên sẽ hạn chế được các vụ tranh chấp xảy ra giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm có nguyên nhân từ hành vi gian lận bảo hiểm, góp phần ổn định trật tự xã hội, Nhà nước tiết kiệm được chi phí cho việc giải quyết các tranh chấp.

“Ngân sách nhà nước sẽ tăng nhờ việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam do môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch, giảm thiểu được các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm”, Bộ Tài chính nhận định.

Tin bài liên quan