Bức ảnh ông Park Hang Seo do anh Tuấn chụp bị sử dụng trái phép trên các banner quảng cáo.

Bức ảnh ông Park Hang Seo do anh Tuấn chụp bị sử dụng trái phép trên các banner quảng cáo.

Tranh chấp bản quyền báo chí, chuyện chưa dứt

(ĐTCK) Một công ty truyền hình buộc phải lựa chọn cách giải quyết bằng khởi kiện một tờ báo có lượng độc giả lớn về sở hữu trí tuệ cho thấy những tranh chấp trong lĩnh vực này luôn rất phức tạp và cam go.

Copy, cắt xén, sử dụng… tràn lan

Ngày 24/12/2018, Báo Đầu tư chứng khoán nhận được đơn thư phản ánh của anh Nguyễn Anh T., phóng viên tờ báo chuyên trang thể thao về việc bị xâm phạm bản quyền tác quyền ảnh. Anh T. kể lại, khoảng đầu tháng 12, anh phát hiện trên mạng xã hội chia sẻ rộng rãi nhiều bức ảnh có hình ông Park Hang Seo, huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nam Việt Nam trên banner lớn treo trên đường phố với slogan “Xứng đáng là công dân Việt Nam”.

Theo lời anh T., thời điểm đó, người dân cả nước, báo chí và mạng xã hội dõi theo đội tuyển bóng đá và ông Park vô cùng cuồng nhiệt và mạnh mẽ. Bức ảnh trên khá giống bức ảnh anh từng chụp ông Park Hang Seo nhưng khi đó, anh không để ý. Tối ngày 20/12/2018, khi đi trên phố, anh T. tình cờ nhìn thấy tấm biển quảng cáo lớn (khoảng 30m2) treo trên phố Trần Đăng Ninh kéo dài (quận Cầu Giấy, Hà Nội) giống với bức ảnh anh từng xem trên mạng xã hội Facebook. Anh T. đã chụp lại bức ảnh trên, về nhà đối chiếu với bức ảnh anh đã chụp và phát hiện hai bức ảnh trùng khớp 100%.

Anh T. cho biết, bức ảnh trên anh chụp khi kết thúc trận thi đấu bóng đá giữa Việt Nam và Bahrain tại Asiad (Indonesia) ngày 23/8/2018. Thời điểm chụp ảnh có khoảng 10 phóng viên. Anh T.  khẳng định mình là người duy nhất dùng ống tele còn những phóng viên khác dùng ống lens góc rộng và smartphone.

Do đó, anh T. khẳng định không có tranh chấp về tác giả ảnh trong vụ việc này. Tìm hiểu thêm, anh T. phát hiện có tới 6 tấm biển quảng cáo khác nhau được dựng xung quanh các trục đường lớn ở Hà Nội, trên các banner có logo kèm theo slogan về kinh doanh của các công ty. Những tấm quảng cáo này được treo từ ngày 4/12/2018-20/12/2018.

Đến ngày 22/12/2018, anh T. phát hiện các tấm biển quảng cáo trên đã được tháo dỡ. Sau gần 1 tháng từ khi sự việc xảy ra, anh T. đã nhận phản hồi chính thức từ các bên liên quan về vi phạm bản quyền bức ảnh của anh.

Đại diện giám đốc công ty trên thừa nhận, công ty đã sai khi sử dụng bức ảnh chưa xin phép tác giả. Công ty cho biết, nhân viên thiết kế là người mới vào công ty đã copy bức ảnh trên mạng internet.  Công ty rất thiện chí làm việc với tác giả và hai bên đã tìm được tiếng nói chung về khoản tiền bồi thường.

Trường hợp trên là một vụ việc đơn lẻ nhưng không hiếm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí. Những vi phạm về bản quyền diễn ra nhan nhản dưới các hình thức khác nhau như tự ý sao chép nội dung, tin, bài viết, ảnh, clip... mà không xin phép tác giả hay cơ quan chủ quản hoặc các đơn vị truyền thông thản nhiên sử dụng hình ảnh báo chí vào mục đích quảng cáo, tiếp thị sản phẩm mà không trích dẫn nguồn. Vài năm trước, tờ báo A. chuyên về lĩnh vực kinh tế rất khổ sở vì bị một tờ báo điện tưs liên tục sao chép, trích dẫn tin, bài viết mà không có công văn xin phép chính thức.

Thậm chí, mới đây một công ty truyền hình buộc phải lựa chọn cách giải quyết bằng con đường khởi kiện một tờ báo có lượng độc giả lớn về tranh chấp sở hữu trí tuệ ra Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Tòa án đã thụ lý vụ án. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, hai bên đã hòa giải và thống nhất phương án giải quyết nên tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ việc. 

Cần cuộc chơi sòng phẳng

Không nhiều vụ việc vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí được đưa ra công luận xem xét, xử lý. Vì sao có tình trạng trên?

Lý giải điều này, luật sư Lê Quang Vinh (Công ty luật hợp danh Bross và cộng sự) chia sẻ, quyền sở hữu trí tuệ được chia thành 2 nhánh rất khác nhau gồm nhánh thứ nhất là quyền sở hữu công nghiệp với đối tượng là sáng tạo kỹ thuật, đặc trưng là sáng chế. Nhánh thứ hai là bản quyền tác giả và quyền liên quan.

Với quyền sở hữu công nghiệp, muốn có quyền đối với sáng chế khoa học, tác giả phải đăng ký và cơ quan nhà nước cấp văn bằng bảo hộ. Phạm vi quyền phụ thuộc vào chính văn bằng bảo hộ được cấp phép đó. Điều này tương đối rõ ràng.

Tuy nhiên đối với quyền tác giả lại phức tạp hơn rất nhiều bởi cơ chế xác lập quyền tự động, không cần phải đăng ký.

“Kể cả một người có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì giấy đó chỉ có giá trị tạm thời về mặt chứng cứ còn bản thân giấy chứng nhận đó có thể bị hủy vì không được bất kỳ cơ quan nhà nước nào xét nghiệm có đúng là của tác giả đó không. Chính cơ chế xác lập quyền dẫn đến những tình huống tranh chấp phát sinh là ai là người đầu tiên tạo ra nó và ai là người độc lập tạo ra nó.

Giả sử như 2 tác phẩm giống nhau nhưng nếu người sau sáng tạo ra tác phẩm đó một cách độc lập thì người sau không bị coi là xâm phạm bản quyền của người có trước. Điều này khác hẳn với sở hữu công nghiệp là tác giả được cấp văn bằng là được bảo hộ”, luật sư giải thích.

Theo luật sư, vấn đề trở nên phức tạp hơn còn bởi liên quan đến những tranh chấp về tác phẩm có yếu tố phái sinh hay câu chuyện cắt ghép, chỉnh sửa.

“Thực tế để giải quyết vấn đề trên cần có hệ thống luật phải rất chặt chẽ, đủ rõ ràng, minh bạch và không hiểu sai ý của nhà làm luật nhằm đủ khả năng giải quyết một tranh chấp cụ thể. Hệ thống xét xử cũng phải vận hành đúng chức năng. Yếu tố con người thực thi cụ thể cũng phải có hiểu biết chuyên sâu. Tuy nhiên, hầu như cả 3 vấn đề trên ở Việt Nam đều chưa tốt. Vì vậy, chủ thể quyền (tức tác giả) còn e ngại đưa vụ việc ra tòa án vì mất rất nhiều thời gian, công sức”, ông Vinh nhấn mạnh.

Luật sư giải thích thêm, trong quyền tác giả có 2 nhóm quyền; trong đó quyền nhân thân gắn liền với tác giả và không chuyển giao cho người khác gồm: quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh và quan trọng nhất là quyền không cho phép ai đó cắt ghép, chỉnh sửa, bôi nhọ tác phẩm của mình.

Còn đối với quyền kinh tế, trường hợp một nhà báo làm thuê cho tờ báo thì quyền tài sản thuộc về cơ quan chủ quản; gồm các quyền như cho phép ai đó phô tô, sao chép bài báo, hình ảnh; quyền làm tác phẩm phái sinh như sử dụng bức ảnh làm minh họa hoặc chế tác tác phẩm điêu khắc và quyền phổ biến công khai ra công chúng như đăng tải trên báo chí, mạng xã hội…

Ngoài ra còn quyền định đoạt, cho thuê, chuyển nhượng tài sản. Vì vậy, đối với cá nhân nếu muốn khởi kiện một vụ việc tranh chấp sở hữu trí tuệ về quyền tác giả cần phải nắm rõ bản thân có những quyền gì để giới hạn phạm vi khởi kiện.

Nhấn mạnh về nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các tác phẩm báo chí bị sao chép một cách tràn lan, theo luật sư Lê Quang Vinh đó là do nền tảng hiểu biết xã hội. Hiện nay vẫn còn một bộ phận với tâm lý “xài chùa” các sáng tạo nghệ thuật của người khác.

“Chỉ khi xã hội hiểu rằng cuộc chơi nào cũng cần sự sòng phẳng, tương tự như câu chuyện có vay, có trả thì khi đó mới hạn chế việc sử dụng tùy tiện tác phẩm của người khác”, ông Vinh nói thêm.

Theo quy định tại Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ thì tác phẩm báo chí là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ bài viết, tin tức báo chí nào cũng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Theo hướng dẫn tại Nghị định 100/2006-NĐ-CP về quyền tác giả thì các tác phẩm báo chí mà thuộc các thể loại như: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác thì thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

Tin bài liên quan