Những ý kiến trái chiều
Theo ông Lộc, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam đang dần tiềm cận với quốc tế, nên bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm cháy nổ đối với mọi tài sản, mà chỉ nên bắt buộc đối với các tài sản của nhà nước.
“Bắt buộc mua bảo hiểm đối với các tài sản của nhà nước là để không phải dùng ngân sách nhà nước để khôi phục, bù đắp khi rủi ro xảy ra”, ông Lộc nói và nhìn nhận, tài sản của cá nhân thì người đó phải tự chịu trách nhiệm. Tương tự, tài sản của doanh nghiệp được gắn liền với trách nhiệm của người được giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản đó. Việc mua hay không là tự nguyện, không ép buộc.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, vì cháy nổ tài sản có nguy cơ gây thiệt hại sức khoẻ, tính mạng, cũng như tài sản của người khác, nên việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) là rất cần thiết.
Đồng quan điểm, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA cho hay, nên bắt buộc mua bảo hiểm TNDS đối với các hoạt động kinh doanh, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề thông dụng như kinh doanh nhà hàng, karaoke, nhà thầu xây dựng...
Trong khi đó, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, Ths. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng bộ môn Bảo hiểm, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết, câu chuyện về bảo hiểm TNDS từng là chủ đề gây tranh cãi trước đây.
“Về lý thuyết, chế độ bảo hiểm bắt buộc chỉ bảo hiểm bắt buộc đối với TNDS của người gây cháy (nghĩa là bảo vệ tài sản của nạn nhân), nhưng lúc đó Luật Bảo hiểm lại không quy định điều này, mà lại bắt buộc mua bảo hiểm tài sản. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, ở thời điểm hiện tại, các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại (WTO, AEC…) đều có thỏa thuận liên quan đến bảo hiểm bắt buộc, nên cần xem xét việc loại bỏ bớt quy định, nhất là khi quy định hiện tại đang mang lại kết quả tốt cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Doanh nghiệp nói gì?
Chưa biết đề xuất trên liệu có đi vào thực tế hay không, nhưng đã vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nhất là các hãng có doanh thu đáng kể từ mảng này. Bởi theo các doanh nghiệp, tài sản của tư nhân thì cũng là của cải của xã hội. Để đảm bảo khắc phục rủi ro thì cần duy trì quy định hiện hành.
Ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc PJICO cho biết, ở nước ngoài, bảo hiểm cháy nổ được áp dụng cho mọi đối tượng, xuất phát từ lý do rủi ro cháy nổ có thể xảy ra đối với bất kỳ đối tượng nào, tác động không chỉ với một cá nhân, mà còn có thể gây ảnh hưởng tới cả cộng đồng, xã hội.
“Trong bối cảnh ý thức tham gia bảo hiểm của người dân chưa cao, tình trạng cháy nổ diễn biến ngày một phức tạp… khiến các hãng bảo hiểm phải chịu bồi thường lớn. Từ thực tế này, tôi cho rằng, cần tiếp tục bắt buộc mua bảo hiểm cháy nổ đối với mọi đối tượng, thậm chí còn phải bắt buộc mua bảo hiểm đối với loại hình rủi ro thiên tai”, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt nói.
Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu phí từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trên toàn thị trường đạt 1.067 tỷ đồng. Trong đó, Bảo hiểm Bảo Việt dẫn đầu doanh thu của mảng này với 188,4 tỷ đồng, tiếp đó là Bảo Minh với 185 tỷ đồng, UIC 96 tỷ đồng, BIC 83 tỷ đồng, PJICO 78,4 tỷ đồng, MSIG 77,9 tỷ đồng… Trong khi đó, chi phí bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt khoảng 300 tỷ đồng.
Được biết, chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thực hiện theo quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cũng đã được 10 năm.
Tại hội nghị tổng kết về thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Nghị định 130/2006/NĐ-CP và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP của Chính phủ được tổ chức vào trung tuần tháng 10 vừa qua, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thẳn thắn thừa nhận, những văn bản hướng dẫn về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hiện chưa đồng bộ do các văn bản về phòng cháy, chữa cháy có sự thay đổi. Một số quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP không còn phù hợp với quy định hiện hành và thực tiễn triển khai chế độ bảo hiểm bắt buộc.
“Bởi vậy, những khó khăn, vướng mắc, cũng như các giải pháp tháo gỡ nhằm hoàn thiện chính sách về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cần được các thành viên thị trường hướng đến”, ông Khánh nói.