Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tranh cãi giao dịch ký vượt thẩm quyền tại CTCP Xây dựng Thủy lợi 1

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới đây, TAND tỉnh Bắc Ninh xem xét phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa CTCP Xây dựng Hitech và CTCP Xây dựng Thủy lợi 1.

Hồ sơ thể hiện, công trình thủy điện An Khê – Kanak do Tập đoàn Điện lực làm chủ đầu tư, tổng thầu xây lắp là Tổng công ty Cơ điện xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi, hiện là Tổng công ty Cơ điện xây dựng - Agrimeco còn Công ty Thủy Lợi 1 là nhà thầu. Xí nghiệp Thủy lợi 14 là chi nhánh, đơn vị phụ thuộc của Công ty Thủy Lợi 1.

Năm 2007, Xí nghiệp Thủy lợi 14 ký hợp đồng với Hitech. Theo đó, Công ty Hitech thi công phần khoan đá nổ mìn, đào xúc, vận chuyển, san đầm từ mỏ đá số 1 để đắp đập dâng công trình. Giá trị hợp đồng tạm tính là 42 tỷ đồng.

Hitech đã thi công và được nghiệm thu giá trị 26,3 tỷ đồng. Xí nghiệp Thủy lợi 14 đã thanh toán 22,5 tỷ đồng, còn nợ 3,8 tỷ đồng. Do đối tác không tiếp tục trả tiền nên Công ty Hitech đã khởi kiện ra tòa án. Vào năm 2021, tòa án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Hitech, buộc Công ty thủy lợi 1 phải trả khoản nợ còn thiếu là hơn 5,1 tỷ đồng gồm gốc và lãi.

Sau bản án trên, Công ty Thủy lợi 1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đại diện công ty cho rằng, sau năm 2016, giữa các bên không có xác nhận nợ nên khoản nợ của Hitech không được kiểm toán thành mục nợ riêng.

Tại tòa, Công ty Thủy lợi 1 đã có văn bản xác nhận của đơn vị Kiểm toán với nội dung bóc tách các khoản nợ của Công ty Thủy lợi 1 thời điểm năm 2016, 2019. Công ty cho rằng chỉ còn nợ Hitech hơn 2,2 tỷ đồng.

Ký hợp đồng vượt thẩm quyền?

Quá trình tố tụng phúc thẩm cho thấy, theo giấy ủy quyền ngày 20/5/2007 của Giám đốc điều hành Công ty Thủy lợi 1 thì Xí nghiệp Thủy lợi 14 được quyền quản lý và tổ chức thi công kênh xả, móng nhà máy và các hạng mục công trình khác được giao của công trình thủy điện An Khê - Kanak.

Như vậy, Công ty Thủy lợi 1 không có nội dung ủy quyền cho phép đại diện Xí nghiệp Thủy lợi 14 được phép ký hợp đồng giao thầu. Việc đại diện Xí nghiệp Thủy lợi 14 ký hợp đồng kinh tế và các phụ lục hợp đồng là vượt quá phạm vi ủy quyền.

Tòa án phúc thẩm cho rằng, sau khi Xí nghiệp Thủy lợi 14 thực hiện hợp đồng trên thì Công ty Thủy lợi 1 đã biết và vẫn chuyển khoản thanh toán cho Hitech. Cựu Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Công ty Thủy Lợi 1 thừa nhận được đại diện Xí nghiệp 14 báo cáo về hợp đồng này.

Theo Điều 143 Bộ luật Dân sự 2015, những giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện mà người đại diện biết thì vẫn phát sinh quyền, nghĩa vụ của người đại diện đối với phần giao dịch vượt quá.

Ngoài ra, ngày 11/10/2019, EVN có công văn thanh lý hợp đồng với các nhà thầu và hoàn thành việc quyết toán dự án trên vào năm 2017. Thủy điện An Khê - Kanak cũng được đưa vào sử dụng.

Căn cứ vào bảng tổng hợp giá trị thanh quyết toán, biên bản xác nhận khối lượng xây lắp hoàn thành, hóa đơn GTGT, lệnh chuyển tiền thì Hitech được thanh toán 26,3 tỷ đồng, số tiền Công ty Thủy lợi 1 chưa thanh toán là 3,7 tỷ đồng.

Với chứng cứ là công văn của đơn vị kiểm toán (Công ty TNHH kiểm toán và thẩm định giá Việt Nam) xác định khoản nợ là 2,2 tỷ đồng tòa án không chấp nhận vì cho rằng, hồ sơ báo cáo tài chính không thể hiện rõ các khoản công nợ giữa Công ty Thủy Lợi 1 và Hitech.

Do đó, tòa phúc thẩm quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc Công ty Thủy lợi 1 phải thanh toán cho Hitech hơn 5,1 tỷ đồng.

Tin bài liên quan