Tranh cãi đề xuất bỏ xử phạt bảo hiểm xe máy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đang có những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất bỏ xử phạt bảo hiểm xe máy.

Tuần qua, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được nhiều ý kiến xoay quanh đề xuất bỏ xử phạt bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe máy, xe mô tô - thường được gọi tắt là bảo hiểm xe máy. Trong đó, không ít độc giả là khách hàng đã tham gia bảo hiểm xe máy cho biết, quy định xử phạt nếu không mua loại bảo hiểm này cần được xem xét bãi bỏ vì không còn phù hợp.

Trước đó, cử tri TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét bỏ xử phạt nếu chủ xe máy, mô tô không mua bảo hiểm xe. Đề xuất này được nhiều người tham gia giao thông hưởng ứng khi cho rằng đây là đề xuất thiết thực, tiết kiệm chi phí cho người tham gia giao thông.

Lý do bãi bỏ được đưa ra là bởi trong nhiều trường hợp, loại hình bảo hiểm này không phát huy tác dụng khi xảy ra tai nạn hay va chạm trên đường, việc mua bảo hiểm chỉ là “cho có” nhằm đối phó với cảnh sát giao thông khi bị kiểm tra (để không bị phạt tiền).

Anh Nguyễn Minh Trung (người dân ở phố Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ít người đi đòi tiền đền bù từ bảo hiểm khi tai nạn xảy ra do thủ tục rườm rà, bất tiện theo kiểu nhận “được vạ thì má sưng”. Báo Đầu tư Chứng khoán cũng từng phản ánh thực tế này.

Theo quy định tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe máy, xe mô tô… nếu không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng.

Ở chiều ngược lại, chuyên gia bảo hiểm xe cơ giới Phạm Văn Dũng cho rằng, không nên bỏ phạt bởi thực tế xe máy là nguồn nguy hiểm cao, rất cần phải mua bảo hiểm bắt buộc và rất cần xử lý nghiêm nếu không mua.

“Thay vì bỏ phạt, cần yêu cầu các công ty bảo hiểm thực hiện đúng vai trò của mình là bồi thường đúng và đủ theo quy định, đồng thời nên chăng hạ phí bảo hiểm cần đóng xuống còn khoảng 28.000 đồng/năm nhưng vẫn giữ nguyên quyền lợi được hưởng”, ông Dũng nói.

Đề xuất giảm phí bảo hiểm xe cũng được nhiều khách hàng hưởng ứng. Chị Bùi Thị Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) mong muốn giá bảo hiểm bắt buộc xe máy giảm xuống dưới 30.000 đồng/năm, thay vì 66.000 đồng/năm như hiện tại, như vậy dễ khiến người dân chấp nhận và tham gia hơn.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, cần tìm hiểu lý do bỏ phạt là vì thủ tục yêu cầu bồi thường phức tạp, hoặc thực tế ít trường hợp bồi thường, hay vì người dân chưa hiểu hết ý nghĩa nhân văn đằng sau tấm thẻ bảo hiểm, chứ không thể nói bỏ là bỏ ngay được.

“Nếu lý do là thủ tục yêu cầu bồi thường phức tạp thì phải điều chỉnh lại các quy định về hồ sơ, thủ tục để giảm thiểu các bước xác minh và tránh trục lợi bảo hiểm, từ đây các doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải tuân thủ. Nếu do người dân chưa hiểu hết ý nghĩa nhân văn của chính sách thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan để phổ cập kiến thức bảo hiểm, giúp người dân mua bảo hiểm thông thái, tập trung truyền thông 2 nội dung chính là ý nghĩa của loại bảo hiểm này và quyền lợi, trách nhiệm khi mua bảo hiểm của khách hàng. Nếu do thực tế ít trường hợp bồi thường thì cần chia sẻ những trường hợp cụ thể bởi trên thực tế có nhiều ca đã được bồi thường và được cơ quan truyền thông đưa tin, giúp tăng lòng tin cho người dân”, đại diện Bảo hiểm - Sài Gòn (BSH) nói, đồng thời cho biết thêm, BSH đang đồng hành cùng VECOM tổ chức cuộc thi “Sinh viên kinh doanh số” với nội dung tìm hiểu về bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, giúp thế hệ khách hàng Gen Z - công dân mới của đất nước - hiểu hơn ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm và chính sách của Nhà nước.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia bảo hiểm, nếu muốn bỏ phạt bảo hiểm xe máy hay chuyển hình thức bảo hiểm này từ bắt buộc sang tự nguyện thì phải hủy Nghị định 67/2023/NĐ-CP mới ban hành và sửa đổi các luật liên quan, khi một phần nghị định này căn cứ vào Điều 601 - Luật Dân sự: Xe máy là nguồn nguy hiểm cao độ...

“Nếu vi phạm luật mà không phạt thì luật ra đời để làm gì? Thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe máy sau nhiều lần sửa đổi đến nay đã đơn giản nhiều, không có gì là phức tạp cả. Các công ty bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm xe. Cơ quan quản lý là Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cần truyền thông, phổ cập rộng rãi đến người dân về luật và quy định mới vừa ban hành. Phảo phổ cập thì người dân mới hiểu, mới bớt than thủ tục chi trả bảo hiểm còn phức tạp”, ông Nguyễn Khắc Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair nêu quan điểm, đồng thời cho biết thêm, ông mới thu xếp 1 ca nạn nhân bị tử vong do một chủ xe máy đâm vào và được Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hỗ trợ nhân đạo 45 triệu đồng. Đây là trường hợp chủ xe máy không có bảo hiểm, nếu có thì gia đình nạn nhân được đền bù 150 triệu đồng.

“Cần nhắc lại là quỹ này có được là do doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp thông qua việc bán bảo hiểm bắt buộc xe máy”, ông Xuân nhấn mạnh.

Tin bài liên quan