Tránh bị nhấn chìm bởi “trái đắng” nhân sự

“Trái đắng” nhân sự lại đang tiếp tục làm khó các doanh nghiệp (DN) sau các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A). Nỗi lo bị nhấn chìm khiến các DN đang nỗ lực giải quyết, nhưng làm sao để vẹn cả đôi đường lại không đơn giản.

CEO của Chương trình tuần này là ông Nguyễn Ngoan (giữa), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và Đào tạo MandaMind

CEO của Chương trình tuần này là ông Nguyễn Ngoan (giữa), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và Đào tạo MandaMind

Đã có quá nhiều DN vấp phải “trái đắng” nhân sự sau khi thực hiện các thương vụM&A. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao sau khi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “M&A - quả đắng nhân sự” được phát sóng trên VTV1 vào sáng Chủ nhật 1/11/2015, rất nhiều quan điểm trái chiều bày tỏ trên trang facebook của chương trình.

Người đồng tình, kẻ phản đối với cách làm của CEO trong Chương trình. Đó là đền bù rồi cho 35% tổng số nhân sự của công ty vừa mua về nghỉ việc. Lý do là vì, số nhân lực này năng lực không phù hợp với yêu cầu công việc ở giai đoạn mới ở công ty. Tất nhiên, sau khi đề xuất phương án này, CEO vấp phải sự phản đối dữ dội của các cổ đông, bởi trước khi M&A, các bên đã cam kết không đuổi việc nhân sự trong vòng 3 năm sau khi sáp nhập. Thêm vào đó, việc đền bù khiến DN chịu tổn thất. Vì thế, cách tốt nhất là đào tạo lại số nhân sự này và sắp xếp công việc cho phù hợp.

“Để xuất hiện tình trạng này là do CEO từ đầu đã không đánh giá kỹ lưỡng về DN mình mua lại, nhất là vấn đề nhân sự để có những phương án dự phòng”, bạn Linh Kim thẳng thắn.

Đương nhiên, không loại trừ nguyên nhân này, nhưng câu hỏi hiện thời là nên xử lý ra sao?

“Loại trừ 35% nhân sự có trình độ không phù hợp là điều sáng suốt, bởi nếu không, sẽ ảnh hưởng không ít tới DN, khiến hoạt động trì trệ”, bạn Đào Khánh Hoàn bày tỏ quan điểm, song cũng cho rằng, “loại trừ” cũng cần có thời gian để người lao động chấp nhận cơ chế mới, không phản ứng thái quá.

Trong khi đó, bạn Cao Tiểu Minh đồng ý với cách xử lý của CEO, song cũng cho rằng, sa thải một loạt sẽ ảnh hưởng đến cả tài chính lẫn nguy cơ phát sinh khủng hoảng truyền thông nội bộ.

Là một người có nhiều kinh nghiệm trong M&A, ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc

Microsoft Việt Nam chia sẻ rằng, yếu tố mấu chốt để giải quyết các vấn đề về bất đồng nhân sự là phải giải quyết vấn đề văn hóa DN hai bên sau khi M&A. “Phải làm sao viết tiếp câu chuyện thành công, để người lao động tin rằng việc sáp nhập là đúng đắn”, ông Trí nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, nguyên Giám đốc Chiến lược của Tập đoàn FPT, để giải quyết bài toán nhân sự, phải đưa ra một gói giải pháp, bao gồm hạ sách, trung sách và thượng sách. “Trong tất cả các bài toán nhân sự, trảm người là hạ sách, xử lý thô bạo như vậy chỉ là giải pháp cuối cùng khi DN lâm vào nguy cơ phá sản. Thượng sách là tái cấu trúc bằng cách đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Thái Hòa phát biểu.

Vậy nếu là CEO một DN đang lâm vào tình trạng tương tự, bạn sẽ chọn cách làm nào? Theo cách của ông Nguyễn Ngoan, Giám đốc Dự án Thương mại điện tử đặc sản 3 miền.com, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và Đào tạo MandaMind, người ngồi vị trí CEO của Chương trình, hay nghe lời tư vấn của hai vị chuyên gia Vũ Minh Trí và Nguyễn Hữu Thái Hòa.

Trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công phát sóng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào sáng Chủ nhật tuần này (8/11), khán giả sẽ gặp lại bộ ba đó và sẽ nghe những tranh biện giữa họ để tìm ra giải pháp cho tình huống của DN mình.

Ngoài ra, nhằm giúp các bạn trẻ có cơ hội được cọ sát với những tình huống có thể xảy ra trong kinh doanh của một CEO, Chương trình “Đồng hành cùng chìa khóa thành công CEO - SME” với những câu hỏi thú vị và các phần quà hấp dẫn như Macbook air, Ipad mini... đang chờ các bạn trẻ yêu thích kinh doanh. Để tham gia, hãy soạn DK dấu cách CKTC hoặc DK2 gửi 9154.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Tin bài liên quan