Đọc và hiểu báo cáo tài chính của một công ty luôn là vấn đề không đơn giản

Đọc và hiểu báo cáo tài chính của một công ty luôn là vấn đề không đơn giản

Tránh bẫy số liệu tài chính

(ĐTCK) Báo cáo tài chính là căn cứ cho quyết định đầu tư của nhà đầu tư, cổ đông doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đọc và hiểu báo cáo tài chính luôn là vấn đề không đơn giản. Nhà đầu tư cần phải có hiểu biết rộng, khả năng phân tích, so sánh để tránh bẫy số liệu tài chính.

Hiện nay, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam đang dần trở nên trung thực và minh bạch hơn do các quy định của nhà nước ngày càng rõ ràng và tiệm cận hơn với các chuẩn mực và thông lệ kế toán quốc tế. Hơn nữa, báo cáo tài chính của các công ty đại chúng sau khi được doanh nghiệp kiểm toán độc lập kiểm toán thì độ rủi ro đã được giảm thiểu đáng kể.

Mặc dù vậy, không thể khẳng định là báo cáo tài chính của các công ty đại chúng đã hoàn hảo. Việc “xào nấu” số liệu tài chính đây đó vẫn có thể diễn ra theo cả hai xu hướng “lãi giả - lỗ thật” và “lỗ giả - lãi thật”, tùy thuộc vào mục đích của lãnh đạo doanh nghiệp, cho dù doanh nghiệp kiểm toán đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

Vì vậy, để đọc và hiểu đơn thuần các con số trên báo cáo tài chính, nhà đầu tư cần phải có kiến thức nhất định về tài chính, kế toán. Nhưng để đọc, hiểu sâu và có những nhận định, đánh giá về báo cáo tài chính của một doanh nghiệp thì nhà đầu tư còn phải có những hiểu biết rộng hơn và những kỹ năng nhất định.

Sau khi đã có được những kiến thức nhất định đủ để hiểu ý nghĩa đơn thuần của từng con số trên báo cáo tài chính, nhà đầu tư nên dành thời gian để tìm hiểu về lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà mình quan tâm, nắm được những đặc thù của từng ngành nghề mà doanh nghiệp đó hoạt động, những thuận lợi khó khăn mà ngành nghề đó đang đối mặt, mặt bằng chung của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó...

Đây là vấn đề mấu chốt đầu tiên để nhà đầu tư có thể đánh giá tổng quan là báo cáo tài chính của một doanh nghiệp có phù hợp với hoạt động kinh doanh của họ hay không.

Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất xi măng thì họ cần có những loại tài sản cố định gì, tỷ lệ giá trị tài sản cố định trên tổng tài sản thường là bao nhiêu, tỷ lệ dự trữ hàng tồn kho là bao nhiêu, giá trị tài sản cố định thì tương ứng với sản lượng sản xuất bình quân là bao nhiêu, tỷ lệ lãi gộp thường là bao nhiêu, cơ cấu chi phí như thế nào... Từ đó, nhà đầu tư có thể suy ra, doanh nghiệp mà mình quan tâm đang ở ngưỡng nào, số liệu phù hợp hay không phù hợp.

Việc “xào nấu” số liệu tài chính đây đó vẫn có thể diễn ra theo cả hai xu hướng “lãi giả - lỗ thật” và “lỗ giả - lãi thật” 

Để có được những hiểu biết nêu trên, ngoài việc tự tìm hiểu, nghiên cứu, nhà đầu tư còn cần đến các thông tin về chỉ số kinh tế, tài chính chung của từng ngành nghề.

Trong bối cảnh hiện nay, số liệu thống kê của Nhà nước còn nhiều bất cập và không dễ tiếp cận, nhà đầu tư nên tự thiết lập cho mình các chỉ số thông tin kinh tế, tài chính mà mình quan tâm bằng cách sử dụng những công cụ lọc, phân tích thông tin có sẵn trên các trang web của các công ty chứng khoán.

Theo cách này, nhà đầu tư sẽ lọc ra các thông tin mà mình quan tâm của những doanh nghiệp cùng lĩnh vực, từ đó, ước lượng ra mặt bằng chung của lĩnh vực đó. Ví dụ, nhà đầu tư phân tích dữ liệu chung và ước lượng được lãi gộp bình quân của các doanh nghiệp trong lĩnh vực A là 15% thì khi đọc báo cáo tài chính của một doanh nghiệp X hoạt động trong lĩnh vực A đó, thấy báo lãi gộp 25%, lập tức nhà đầu tư cần có nghi vấn vì sao lại lãi cao như vậy.

Một kỹ năng nữa cần được áp dụng là nắm bắt thông tin về các vấn đề nhạy cảm của doanh nghiệp mà mình quan tâm từ các nguồn thông tin khác nhau. Ví dụ các vụ kiện tụng, tranh chấp, các vi phạm của lãnh đạo doanh nghiệp, các bất lợi về thị trường, cạnh tranh, nguồn nguyên vật liệu, sự cố kỹ thuật…

Khi đọc báo cáo tài chính, nhà đầu tư cần liên hệ với các vấn đề này, xem ảnh hưởng của các vấn đề này đã được phản ánh trên báo cáo tài chính hay chưa. Ví dụ, các vụ kiện tụng chưa có kết quả được mô tả ở thuyết minh báo cáo tài chính về nguy cơ có các khoản tổn thất trong tương lai, các bất lợi thị trường làm cho doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, các khoản dự phòng có thể phải trích lập tăng lên…

Giao dịch với các bên liên quan cũng là vấn đề hóc búa đối với cả những người có trình độ chuyên môn về tài chính, kế toán. Các doanh nghiệp có thể thông qua bên liên quan để thực hiện các giao dịch ảo, nâng giá, hạ giá, tạo ra quan hệ cung cầu giả tạo, nâng quy mô doanh nghiệp, thay đổi lỗ lãi… mà rất khó bị phát hiện.

Điều đáng nói hiện nay là có rất nhiều giao dịch về bản chất là giao dịch với bên liên quan, nhưng nếu đối chiếu với các đối tượng được nêu trong Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 26 thì lại không thấy đề cập.

Mặc dù trong Chuẩn mực kế toán này cũng đã nêu rõ: “Trong việc xem xét từng mối quan hệ của các bên liên quan, cần chú ý tới bản chất của mối quan hệ, chứ không chỉ hình thức pháp lý của các quan hệ đó”, nhưng để nhận diện được bản chất của mối quan hệ lại là chuyện không đơn giản.

Vì vậy, nhà đầu tư nên tìm hiểu thông tin về các bên liên quan từ các nguồn độc lập với nguồn thông tin doanh nghiệp cung cấp, lưu ý đến các hoạt động đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp; xem xét các nhà cung cấp chính, các khách hàng lớn xem có mối liên hệ nào giữa các nhân vật chủ chốt của hai bên với nhau hay không…

Khi đọc báo cáo tài chính, nhà đầu tư chỉ nên tập trung vào các chỉ tiêu chính để tránh bị nhiễu thông tin. Các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy, khi xem xét một chỉ tiêu thì nhà đầu tư nên chú ý đến cả các chỉ tiêu có liên quan để có thể đánh giá sự phù hợp cũng như xu thế trong tương lai của chỉ tiêu đó.

Ví dụ, khi xem xét doanh thu thì nên xem xét cả số dư nợ phải thu của khách hàng, dự phòng nợ phải thu khó đòi, giá vốn tương ứng, dòng tiền kinh doanh trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, so sánh với doanh thu kỳ trước…

Đối với các chỉ tiêu có giá trị lớn trên báo cáo tài chính, nhà đầu tư luôn cần xem xét kỹ lưỡng, đối chiếu với các thông tin tương ứng trên thuyết minh báo cáo tài chính. Nếu các thông tin mập mờ, chung chung, có thể hiểu nhiều nghĩa hoặc không có thông tin thì nhà đầu tư nên nghĩ đến việc tìm kiếm thông tin bổ sung từ các nguồn khác, bao gồm cả việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin bổ sung nếu như nhà đầu tư có thể làm được việc đó.

Cùng với việc đọc báo cáo tài chính, nhà đầu tư luôn cần đọc báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán. Nếu có các vấn đề nêu trên báo cáo kiểm toán thì đó luôn là các vấn đề trọng yếu mà nhà đầu tư không thể bỏ qua.

Nếu báo cáo kiểm toán được kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán trái ngược, hoặc từ chối đưa ra ý kiến thì nhà đầu tư nên tập trung vào tìm hiểu rõ các vấn đề này mà không cần mất nhiều thời gian vào việc đọc, hiểu các báo cáo tài chính kèm theo nữa.

Tóm lại, đọc và hiểu báo cáo tài chính của một công ty đại chúng luôn là vấn đề không đơn giản. Nếu nhà đầu tư cảm thấy chưa đủ kinh nghiệm, kỹ năng để đọc báo cáo tài chính thì nên tìm đến sự trợ giúp của những người có kinh nghiệm để có thể làm chủ thông tin trước khi đưa ra quyết định của mình.

Tin bài liên quan