Kỳ II: Duy trì hiệu lực bão lãnh, cách nào?
Các điều khoản nào có thể khiến cho chứng thư bảo lãnh của ngân hàng trở nên vô giá trị? Hay nói khác đi, trước khi nhận một chứng thư bảo lãnh, DN nên xem xét các điều khoản nào, yếu tố nào để đảm bảo khi bên có nghĩa vụ thanh toán vi phạm cam kết thì DN vẫn nhận được quyền lợi?
Khi giao kết hợp đồng và nhận chứng thư bảo lãnh từ phía ngân hàng, bên nhận bảo lãnh mong muốn nhận được tiền một cách nhanh chóng và thuận lợi. Các ngân hàng khi nhận cam kết bảo lãnh từ ngân hàng bạn cũng chờ đợi lập tức nhận được tiền khi nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh. Tính tức thời, nhanh gọn và an toàn là những yếu tố đem lại sự thành công của bảo lãnh ngân hàng.
Khi nhận chứng thư bảo lãnh, các DN đều muốn như vậy, nhưng trong nhiều trường hợp, DN không nhận biết được các yếu tố rủi ro để tránh tranh chấp về sau. Các rủi ro này có thể phát sinh hậu quả mà ngân hàng phát hành bảo lãnh không cố ý để xảy ra, nhưng có những trường hợp ngân hàng dựa vào một số “bẫy pháp lý” để trút bỏ rủi ro cho DN - bên nhận bảo lãnh.
Tính tức thời, nhanh gọn và an toàn là những yếu tố đem lại thành công của bảo lãnh ngân hàng
Hiện có 2 dạng ngân hàng triển khai nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng với quan điểm và đẳng cấp nghiệp vụ khác nhau.
“Vô điều kiện” hoá thành “có điều kiện”
Một số ngân hàng cung cấp chứng thư bảo lãnh với dạng bảo lãnh có điều kiện. Mặc dù trong cam kết bảo lãnh có ghi nhận các nội dung như “bảo lãnh này là vô điều kiện”, “bảo lãnh này là không hủy ngang”, nhưng chỉ cần tồn tại một điều khoản nào đó ghi nhận thông tin yêu cầu bên nhận bảo lãnh khi đòi tiền bảo lãnh phải gửi kèm hồ sơ chứng minh sự vi phạm của bên được bảo lãnh đối với nghĩa vụ bảo lãnh, thì thực chất đó là dạng bảo lãnh có điều kiện. Với loại bảo lãnh này, vô vàn vụ tranh chấp đã phát sinh, bởi việc chứng minh vi phạm là không đơn giản. Bên được bảo lãnh chỉ cần có văn bản gửi ngân hàng khẳng định họ không vi phạm nghĩa vụ, mà chỉ chậm thanh toán vì lý do nào đó. Vậy ngân hàng có dám thực hiện trách nhiệm bảo lãnh hay không? Không thực hiện sẽ rơi vào tranh chấp với bên nhận bảo lãnh, nhưng thực hiện thì sẽ bị khách hàng từ chối nhận nợ. Điều khoản này dẫn tới cả 3 bên đều rơi vào bế tắc, chứng thư bảo lãnh trở nên vô giá trị.
Để đảm bảo uy tín và tránh tranh chấp, một nhóm ngân hàng thiên về việc cung cấp các chứng thư bảo lãnh vô điều kiện. Nghĩa là khi đến hạn chỉ cần có văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán từ bên có quyền thì ngân hàng sẽ thực hiện thanh toán ngay, không cần quan tâm đến lý do đòi tiền bảo lãnh và bên được bảo lãnh sẽ phải nhận nợ bắt buộc. Nội dung điều khoản tương tự cũng sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng cấp bảo lãnh ký với bên được bảo lãnh. Với loại bảo lãnh vô điều kiện, nguy cơ tranh chấp sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố có thể biến chứng thư bảo lãnh vô điều kiện trở thành có điều kiện.
Ngày đến hạn… vô hình
Một bảo lãnh thông thường có quy định về thời hạn giống như sau: “Bảo lãnh này có giá trị trong thời gian 300 ngày, kể từ ngày 3/4/2012”. Vậy ngày đến hạn là ngày nào? Đã có nhiều tranh chấp xảy ra khi DN cho rằng, 300 ngày là chỉ tính ngày làm việc, còn ngân hàng tính cả ngày nghỉ. Thậm chí, trong giao dịch kinh doanh có nhiều cách xác định về ngày trong một năm, có người nói một năm là 365 ngày, nhưng ngay bản thân ngân hàng trong mọi công thức tính toán lãi suất đều áp 360 ngày. Vậy đâu là chuẩn mực về ngày tháng? Do đó, DN khi nhận bảo lãnh nên đưa luôn ngày đến hạn cụ thể vào chứng thư, ví dụ: “Bảo lãnh này có giá trị từ ngày 3/4/2012 đến 16h ngày xx/yy/2013”.
Thế nhưng, kể từ khi Thông tư 28/2012/TT-NHNN có hiệu lực, ngay cả khi thỏa thuận chính xác, cụ thể thời gian bảo lãnh hết hạn, thì vẫn có nguy cơ tranh chấp. Thông tư 28 quy định, khi ngày bảo lãnh hết hạn rơi vào ngày nghỉ thì ngày hết hiệu lực bảo lãnh được tính vào ngày làm việc tiếp theo. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi DN, nhưng nhiều khi DN lại “từ chối” quyền lợi đó. Thực tế từ khối ngân hàng cho thấy, công nghệ của ngân hàng không thể thực hiện được quy định này. Tất cả hợp đồng, trong đó có bảo lãnh, được các ngân hàng nhập vào phần mềm quản lý và theo dõi trên mạng. Hệ thống công nghệ này không có khả năng theo dõi và quản lý như quy định tại Thông tư 28. Vô hình trung, quy định này có thể tạo thêm cớ để ngân hàng từ chối thanh toán bảo lãnh. Do đó, ngay cả khi ngày đến hạn rơi vào ngày nghỉ, DN cũng nên cố gắng thông báo cho ngân hàng, tránh nguy cơ bị từ chối thanh toán.
Trong mẫu bảo lãnh của ngân hàng phát ra cho DN thường có điều khoản: “Bảo lãnh được lập thành một bản chính duy nhất”. DN nên lưu ý giá trị của bảo lãnh là ở cam kết của ngân hàng, chứ không phải tờ giấy đó và không có lý do gì mà bảo lãnh chỉ có một bản chính. Khi nhận bảo lãnh, DN nên yêu cầu ngân hàng phát hành nhiều bản chính, đề phòng trường hợp thất lạc.
Không chỉ thế, trong bảo lãnh, có ngân hàng còn yêu cầu DN xuất trình bản chính của chứng thư bảo lãnh tại trụ sở của ngân hàng. Nếu DN gửi bản chính duy nhất cho ngân hàng và ngân hàng báo lại rằng, vì lý do nào đó, bản chính đó nay đã thất lạc, không thể tìm lại, rồi khăng khăng cho rằng, không có bản chính thì không thanh toán. Đây là trường hợp đã có tiền lệ. Điều khoản này còn dẫn đến tình huống là DN không kịp gửi văn bản yêu cầu thanh toán kịp thời hạn khi ngân hàng và DN ở hai đầu đất nước. Thực tế kinh doanh, nhiều khi các DN nhân nhượng nhau, chờ đợi xem đối tác có thanh toán hay không, đến phút cuối mới gửi văn bản yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và ngân hàng từ chối do gửi muộn. Bởi vậy, DN cần phải lưu ý điều khoản này: “Ngân hàng đã cam kết thì phải thực hiện nghĩa vụ khi nhận được yêu cầu dưới mọi hình thức”.
Quy định mới buộc chứng thư bảo lãnh phải có đủ 3 chữ ký của người đại diện theo pháp luật, người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh, người thẩm định khoản bảo lãnh, cùng với bài học thực tiễn về các trường hợp ngân hàng từ chối thực hiện nghĩa vụ với lý do ký phát không đúng thẩm quyền, DN sẽ phải kiểm tra xem bảo lãnh có đủ 3 chữ ký và ủy quyền, phân cấp cho 3 chữ ký này ra sao? Với nhiều chông gai như vậy, việc nhận chứng thư bảo lãnh không còn đồng nghĩa với “tức thời, nhanh gọn, an toàn”. DN cần xem xét kỹ các yếu tố nêu trên về chứng thư bảo lãnh ngân hàng mới có thể nhận được một văn bản thực sự có giá từ ngân hàng.
Kỳ III: Ngân hàng cần hoàn thiện nghiệp vụ bảo lãnh