Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.
Đây là trần pháp lý mới cho hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ - lĩnh vực đang đảm nhận hơn 70% sản lượng vận tải hành khách và khoảng 60% sản lượng vận tải hàng hóa của cả nước, với hơn 100.000 doanh nghiệp vốn đang chịu tác động rất lớn, trực diện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một sự trùng hợp thú vị khi nghị định trên còn được kỳ vọng là sẽ tạo ra những tác động tích cực, tương tự như “Khoán 10” trong vận tải đường bộ.
Ngoài việc cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh, gia nhập thị trường, Nghị định 10 còn có hai nội dung rất quan trong.
Thứ nhất, là tạo khung pháp lý ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải.
Thứ hai, là đưa ra khung khổ pháp lý để siết chặt hơn hoạt động vận tải, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng “xe dù, bến cóc”, qua đó bảo vệ lợi ích người sử dụng dịch vụ và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Trước đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã ký Quyết định 146/QĐ - BGTVT dừng Kế hoạch Thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Grab, Go -Viet, FastGo…) sau 4 năm triển khai. Trái ngược với sự lo lắng của dư luận, việc dừng Kế hoạch Thí điểm không mang lại tác động xấu tới các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực này. Thậm chí, “dư địa” còn được mở rộng từ 5 lên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giúp người dân tại các tỉnh, thành phố trên cả nước có thêm lựa chọn khi di chuyển, góp phần tạo thêm công ăn, việc làm cho các tài xế, giúp họ yên tâm vì dịch vụ đã được hợp pháp hóa và không còn lo ngại viễn cảnh phải ngừng kinh doanh.
Trên thực tế, khoảng thời gian 1 tháng trước khi Nghị định 10 chính thức “lăn bánh” đi vào cuộc sống là không dài với 14 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (trong đó có Grab) đang tham gia thí điểm. Những doanh nghiệp này sẽ phải sớm lựa chọn và thực hiện chuyển đổi, chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại nghị định nói trên, đồng thời phải chấp hành theo đúng các điều kiện mà mình đã lựa chọn.
Đây là sự lựa chọn không dễ, dù những tín hiệu từ chính các doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng kết nối vận tải hay các hãng taxi truyền thống đối với những quy định mới là tương đối thuận.
Với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Giao thông - Vận tải, cần khẩn trương tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của cơ quan, đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân để hoàn thiện dự thảo các thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Đồng thời, sớm tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở các lớp tập huấn tại cơ sở. Thanh tra giao thông - vận tải các tỉnh, thành phố phải tập trung cao độ triển khai các quy định mới do mức độ phân cấp, phân quyền tại Nghị định 10 rất lớn.
Sẽ rất khó có một nghị định làm hài lòng tất cả các bên, cũng như có thể giải quyết mọi vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi, nhất là trong bối cảnh Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa được sửa đổi với nhiều nội dung còn bất cập so với thực tế. Đó là chưa kể những tác động to lớn, sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi toàn diện hoạt động vận tải, trong đó việc tìm ra cách ứng xử hợp lý đang là thách thức rất lớn với cả những quốc gia phát triển.
Sau hơn 3 năm xây dựng, đã đến lúc phải đặt niềm tin vào của cơ quan soạn thảo - đơn vị có chuyên môn cao nhất, có cái nhìn toàn diện nhất và cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng.
Sức ép kéo, đẩy từ các bên, xét cho cùng, cũng không thể lớn bằng nhu cầu sớm đưa Nghị định 10 đi vào cuộc sống để điều chỉnh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện và mang tính xã hội rất cao này.