Chi phí khai thác sản phẩm bảo hiểm xe máy có thể lên đến 68 - 72%

Chi phí khai thác sản phẩm bảo hiểm xe máy có thể lên đến 68 - 72%

Trần hoa hồng bảo hiểm nên giữ hay buông?

(ĐTCK) Tại hội nghị ngành bảo hiểm diễn ra tại Ninh Bình gần đây, có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nên cân nhắc việc gỡ bỏ quy định áp trần hoa hồng đại lý bảo hiểm, bởi trên thực tế, quy định này chưa thực sự phát huy tác dụng trong việc quản lý hoạt động cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm với nhau. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng đề xuất đột phá và khá nhạy cảm này có vẻ được khá nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ủng hộ.

Tại sao cần áp trần?

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, việc áp trần hoa hồng đại lý tối đa xuất phát từ 2 lý do chính: để hạn chế tình trạng cạnh tranh bằng hoa hồng và đảm bảo khả năng thanh toán của công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế tại thị trường Việt Nam sau nhiều năm quy định này được áp dụng, không có công ty bảo hiểm nào trả hoa hồng dưới mức tối đa. Không những thế, các công ty vẫn phải tìm cách để chi trả thêm cho đại lý nhằm có được khách hàng.

Đơn cử, sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự dành cho mô tô, xe máy có mức phí chỉ là 66.000 đồng/năm nhưng chi phí khai thác của các công ty bảo hiểm trong nước có thể lên đến 68 - 72%, và được hạch toán dưới các hình thức như chi hoa hồng 20%, chi lương 20%, chi bán hàng 28%… Để có được một hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp còn nhiều chi phí khác như quảng cáo, thuê văn phòng, điện nước, điện thoại, khấu hao, bồi thường, trích lập dự phòng nghiệp vụ... Chính vì vậy, dù tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ này bình quân chỉ khoảng 23%, nhưng các doanh nghiệp vẫn không có lãi.

Bên cạnh đó, việc tranh nhau nâng mức hoa hồng đại lý cho sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũng góp phần dẫn đến tình trạng một số đại lý bảo hiểm tự ý giảm phí, vi phạm biểu phí do Bộ Tài chính quy định, như thừa nhận của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm trong Báo cáo chuyên đề về thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm.

Việc áp mức hoa hồng khác nhau cho các kênh phân phối khác nhau cũng mang tính bất cập. Ví dụ, bảo hiểm tài sản nếu bán qua đại lý thì hoa hồng là 5% nhưng qua môi giới là 15%. Trong khi đó, với bảo hiểm sức khỏe thì hoa hồng đại lý có thể lên tới 20% nhưng hoa hồng môi giới cũng chỉ cố định ở mức 15%. Điều này khiến không ít công ty bảo hiểm “dở khóc dở cười” khi môi giới bảo hiểm yêu cầu được hưởng hoa hồng như đại lý nếu mức trần hoa hồng đại lý cao hơn 15%.

Trong việc thực hiện quy định về mức trần hoa hồng đại lý này, có lẽ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi họ có ý thức tuân thủ cao hơn. Thực vậy, “cuộc chiến” không cân sức trong việc chi hoa hồng đại lý đã khiến họ hầu như phải ngậm ngùi “bỏ cuộc chơi”, nhường sân cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bằng chứng là 13 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 45% số lượng doanh nghiệp nhưng chỉ chiếm dưới 15% tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn bộ thị trường trong năm 2013. Đáng chú ý hơn, những doanh nghiệp này chỉ chiếm chưa đến 5% thị phần bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Về việc áp trần hoa hồng đại lý để đảm bảo khả năng thanh toán của công ty bảo hiểm, nhiều ý kiến cho rằng, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vốn, chi phí bồi thường, chi phí hoa hồng, chi phí quản lý, và lợi nhuận từ đầu tư…, chứ không chỉ là chi phí hoa hồng.

Bỏ trần có “loạn”?

Dù đã nhìn nhận thấy việc áp dụng trần hoa hồng đại lý bảo hiểm vẫn chưa phát huy được hết tác dụng như mong muốn của những người làm chính sách, nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại rằng, nếu bỏ quy định này thì có thể thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ còn cạnh tranh điên đảo hơn và khó quản lý hơn.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói rằng, sẽ là hợp lý hơn khi để thị trường tự quyết định. Ở những nước phát triển như Mỹ, Úc, Canada không hề có chuyện áp dụng trần hoa hồng như thị trường bảo hiểm Việt Nam. Các doanh nghiệp vì vậy có thể tự đưa ra các mức hoa hồng khác nhau cho đại lý, không chỉ dựa trên sản phẩm hay doanh số mà còn dựa trên các yếu tố khác như tỷ suất lợi nhuận của đại lý hay vai trò của đại lý trong toàn bộ quy trình bán hàng.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chính tâm lý chạy theo doanh thu và tốc độ tăng trưởng cùng văn hóa nhiệm kỳ ở nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ lớn mới là căn bệnh cần phải chữa trị tận gốc. Nếu không, những hình thức cạnh tranh không lành mạnh như tăng chi phí hoa hồng đại lý, giảm phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm bất chấp các rào cản kỹ thuật, dẫn đến khó khăn trong thu xếp tái bảo hiểm ra nước ngoài và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.... vẫn là vấn đề “biết rồi, khổ lắm nói mãi”.

Tin bài liên quan