Trận đánh mở đầu và bản tình ca Điện Biên

Trận đánh mở đầu và bản tình ca Điện Biên

“Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên trang sử vàng”.

Him Lam

Cách trung tâm Điện Biên Phủ 2,5 km, đồi Him Lam là một trong 3  vị trí chiến lược (Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo) nằm ở phía Đông có nhiệm vụ bảo vệ sở chỉ huy của tướng Đờ - Cát, sân bay và trung tâm Mường Thanh.

Him Lam có 3 mỏm được tướng O.Danien, cố vấn Mỹ ở mặt trận Triều Tiên và Đại tá Đờ-Cát lập kế hoạch phòng thủ bởi tiểu đoàn Lê Dương thiện chiến được thành lập ngót thế kỷ cùng người chỉ huy là Thiếu tá Pêgô dày dạn trận mạc.

Tại đây, trận đánh mở màn chiến dịch Trần Đình (bí danh Điện Biên Phủ) lúc 17 giờ ngày 13/3/1954 bằng binh lực và hỏa khí của hai trung đoàn chủ lực 141 và 209 cùng các đơn vị pháo binh 75, 105 và cối 120 ly, bất ngờ đổ xối xả, ầm ầm xưống tập đoàn cứ điểm của địch suốt 5 giờ liền. Kết thúc là đồi Him Lam bị san phẳng hoàn toàn, mặc dù đội hình tiến quân của quân đội ta phải chống chọi với hỏa lực cực mạnh của địch, trong đó có 6.000 quả pháo được bắn từ trận địa pháo binh Hồng Cúm. Vãi đạn pháo như vậy, nhưng viên Trung tá Pi-rốt, tư lệnh pháo binh tại Hồng Cúm đã phải tự sát, vì bị Đờ-Cát khiển trách không hoàn thành nhiệm vụ.

Thừa thắng xốc tới, đêm 14, rạng ngày 15/3/1954, quân ta đánh chiếm toàn bộ đồi Độc Lập, tiếp đó là Bản Kéo, trong khi kẻ địch có 2 tiểu đoàn xe tăng cấp tốc, hung hãn phản kích. Chỉ với thời gian rất ngắn, Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng đã san phẳng và làm chủ cả 3 cứ điểm phía Bắc ngoại vi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để từ đó anh dũng chiến đấu suốt 56 ngày đêm trong điều kiện “máu trộn bùn non, cơm vắt, sốt rét rừng”… đã hiên ngang làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Chiến dịch lịch sử Điện Biên đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và hai thập kỷ sau đó, chủ nghĩa thực dân mới cũng tan tành bởi sức mạnh tổng lực, đại đoàn kết của nhân dân Việt Nam.

Bác Hồ gọi đó là niềm tự hào và vinh dự. Bác nói: “Nhân dân ta có thể tự hào là người đầu tiên đã đập tan lực lượng hùng mạnh và uy tín giả tạo của bọn thực dân và do đó mà thúc đẩy các dân tộc thuộc địa anh em vùng lên giành tự do độc lập. Thắng lợi Điện Biên Phủ là thắng lợi chung của nhân dân ta, của phe xã hội chủ nghĩa và của các dân tộc chống đế quốc thực dân”. Thế giới gọi đó là lương tri và phẩm giá của người Việt Nam. Đúng là, “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (thơ Tố Hữu).

Bản tình ca Điện Biên

Những ngày bộ đội ta ra trận, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác bài hát “Hành quân xa” như tiếng kèn thúc trận, giục giã quân và dân ta trên khắp các mặt trận từ Bắc vào Nam tiến vào chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954 để phối hợp với trận quyết chiến lược tại Điện Biên miền Tây Bắc của Tổ quốc, nhằm đập tan kế hoạch chiến lược của tướng Na-va. Chỉ sau chiến thắng trận mở màn Him Lam lịch sử một ngày, nhạc sĩ Đỗ Nhuận có bài hát “Trên đồi Him Lam” lập tức được phổ biến rộng rãi cả nước. Sau toàn thắng lẫy lừng của chiến dịch, ông sáng tác tiếp bài “Giải phóng Điện Biên”, được Đài Tiếng nói Việt Nam dùng làm nhạc hiệu trước mỗi bản tin thời sự suốt 6 thập kỷ nay. Chưa hết, thời điểm này, nhạc sĩ Hoàng Vân có bài hát nổi tiếng “Hò kéo pháo”, về sau, ông được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Dịp đến Thủ đô nước Pháp (1994), tôi mua được một đĩa nhựa của hãng chuyên làm đĩa hát ở Paris có in  bài “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân và trích đoạn băng ghi âm lời nói cuối cùng của tướng Đờ-Cát với Trung tướng Cônhi trong một biệt thự ven Hồ Tây (Hà Nội) trước khi ông ta giơ tay đầu hàng. Đĩa nhạc này bán rộng rãi tại thủ đô của nước thua trận. Cuộc đàm thoại của hai viên tướng Pháp có nhiều nội dung, nhưng đáng chú ý là lời dặn của Cônhi, rằng “không được kéo cờ trắng, không được đầu hàng. Phải giữ được uy tín của tướng quân và binh sĩ của nước đại Pháp”… Kết cục, tướng bại trận Đờ-Cát đã không làm theo lệnh của chỉ huy.

Mùa xuân năm 1957, đúng 3 năm sau chiến thắng lừng lẫy “Trần Đình”, Sư đoàn chủ lực 316, một trong những cánh quân tham chiến phía Đông của mặt trận này, trong đó có trận đánh nảy lửa trên đồi A1 theo Chỉ thị của Bác Hồ và Bí thư Tổng quân ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để trở lại chiến trường xưa làm nhiệm vụ vẻ vang xây dựng, bảo vệ Điện Biên Phủ thời kỳ mới. Để rồi chẳng bao lâu sau đó, bộ đội ta cùng đồng bào các dân tộc nơi đây liên tiếp gặt hái những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội…, làm đẹp thêm những mùa hoa ban trắng, hoa ban đỏ.

Chiến trường xưa là đề tài phong phú, hấp dẫn cho không ít tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh, báo chí… Anh bộ đội Nguyễn Viết Thành, Nguyễn Xuân Lương, Nguyễn Tâm có “Nhật ký trở lại Điện Biên” “Đường lên Điện Biên” “Mời bạn lên thăm Điện Biên”… được xuất bản tại Hà Nội. Các nhà văn, nhà thơ lớn cũng lên Điện Biên và có tác phẩm, như Nguyễn Khải với “Mùa lạc”, Nguyễn Tuân với ký sự “Sông Đà”, Doãn Nho với bài hát “Khúc quân hành”, Lưu Quang Thuận có vở chèo “Người con gái Điện Biên”, Nguyễn Huy Tưởng hoàn thiện vở kịch “Sống mãi với Thủ đô”…

Tin bài liên quan