Trần chi phí lãi vay: 'Trói chân' nhầm đối tượng

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết ngay trong năm nay.

Nguyên nhân của việc chỉ đạo sửa đổi, bổ sung là vì những bất cập liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết trong nội dung nghị định này đang ảnh hưởng tiêu cực đến hàng ngàn doanh nghiệp trong nước.

Mòn mỏi vì trần chi phí lãi vay

Tại điểm đ) mục 4 Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Chính phủ giao: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023”.

Trên thực tế, ngay từ thời điểm bắt đầu ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP vào năm 2017 (sau đó là Nghị định 132/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 20), đã có nhiều doanh nghiệp trong nước lên tiếng về những nội dung thay vì tác động tới hoạt động chuyển gia xuyên quốc gia, lại “vô tình” trói chân các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản .

Cụ thể, khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế...". Do cụm từ “chi phí lãi vay” trong văn bản pháp lý trên không được giải thích rõ ràng, nên nếu hiểu chi phí lãi vay là phần lãi đi vay thuần túy, không được cấn trừ với thu nhập cho vay thì các khoản vay trả chậm, trả góp và các khoản cấn trừ sẽ không thống nhất trong cách xử lý thu nhập tính thuế.

Bên cạnh đó, Nghị định 20 cũng không quy định phạm vi ngưỡng 20% chỉ áp dụng riêng với các khoản vay từ bên liên kết hay tất cả khoản vay của doanh nghiệp, nên khi áp dụng cách hiểu khác nhau, số thuế phải nộp của các doanh nghiệp có sự chênh lệch lớn. Chưa kể, đối với các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại, chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty tính trên cùng một khoản vay và sẽ bị áp trần 2 lần. Phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị tính thuế 2 lần tại 2 công ty có mối quan hệ mẹ - con là rất bất hợp lý.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO nhận định, giả sử doanh nghiệp B đi vay doanh nghiệp A 100 tỷ đồng với lãi suất là 15%/năm. Hết thời hạn 1 năm, doanh nghiệp B phải trả cho doanh nghiệp A tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Đối với trường hợp thông thường, chi phí này sẽ được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp B.

Thế nhưng, nếu giao dịch giữa doanh nghiệp A và doanh nghiệp B được xác định là giao dịch liên kết thì cách hạch toán sẽ khác. Lúc này, doanh nghiệp B chỉ được tính dựa trên công thức là 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp B cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao. Giả sử trong năm đó, doanh nghiệp B kinh doanh không có lợi nhuận, tổng lợi nhuận thuần bằng 0 và chi phí khấu hao giả sử cũng bằng 0. Điều này có nghĩa, tổng chi phí lãi vay của doanh nghiệp B được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ được tính bằng 20% số tiền lãi thực trả 15 tỷ đồng.

Trước những bất cập nói trên, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP với mục đích làm rõ hơn quy định xác định giao dịch liên kết cũng như nới ngưỡng chi phí lãi vay từ 20% lên 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 132/2020/NĐ-CP, nhiều bất hợp lý tiếp tục nảy sinh; trong đó, việc khống chế ngưỡng 30% chi phí lãi vay bị các doanh nghiệp “kêu” nhiều nhất.

Theo đại diện một tập đoàn đa ngành lớn, khi ban hành Nghị định 132, các cơ quan chức năng đã tham khảo thông lệ ở các nước đã phát triển để đưa ra mức khống chế theo mức 30%. Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều trong giai đoạn tập trung đầu tư , khởi nghiệp nên rất cần vốn và phải đi vay.

Trong khi đó, mục đích của Nghị định 132 là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, FDI tại Việt Nam là công ty con trong tập đoàn có công ty mẹ ở các nước đã phát triển, do lãi suất vay ở các nước này tương đối thấp nên cho các doanh nghiệp FDI vay theo lãi suất thấp. Vì thế, doanh nghiệp FDI ít chịu tác động của quy định khống chế chi phí lãi vay ở mức 30%. Ngược lại, với nền lãi suất cho vay cao tại Việt Nam, Nghị định 132 đang “trói chân” chính doanh nghiệp nội, kìm hãm sự phát triển,hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong nước.

“Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất tăng mức khống chế từ 30% lên 50% để phù hợp với thực tế phát triển tại Việt Nam”, vị đại diện trên nói.

Một vấn đề khác, như đánh giá của TS. Nguyễn Kim Quyến - Đại học Kinh tế TP.HCM và ThS Nguyễn Lê Hà Thanh Na - Đại học Tài chính Marketing, Nghị định 132 vẫn chưa làm rõ được các bên có mối quan hệ liên kết, nhất là mới chỉ đề cập đến các chỉ số dựa trên báo cáo tài chính cuối năm (số dư cuối năm), mà chưa phản ánh chính xác thực tế hoạt động vay nợ, trả nợ và biến động vốn của các doanh nghiệp diễn ra trong năm.

Chưa kể, quy định khống chế chi phí lãi vay 30% áp dụng cho tất cả các khoản vay của doanh nghiệp nếu chỉ cần một trong các khoản vay này (có thể là khoản vay chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng các khoản vay) được xác định là vay từ doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

“Quy định này chưa tạo tính công bằng, chưa phù hợp với quy luật thị trường và mang tính ‘cào bằng’. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, phần chi phí lãi vay vượt quá 30% sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định”, nghiên cứu của nhóm tác giả TS. Nguyễn Kim Quyến - Đại học Kinh tế TP.HCM và ThS Nguyễn Lê Hà Thanh Na - Đại học Tài chính Marketing nhận định.

Thực tế, quy định này rất bất lợi, bởi các doanh nghiệp chỉ được kết chuyển chi phí lãi vay liên tục không quá 5 năm, sau đó doanh nghiệp sẽ phải tính lại chi phí lãi vay từ đầu và phần chi phí kết chuyển vượt mức 30% từ những năm trước sẽ không còn được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp.

Lưu ý thêm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho hay, việc Nghị định 132 quy định các bên liên kết bao gồm cả trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay nếu khoản vay từ 25% vốn góp và trên 50% nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay cũng bị khống chế trần chi phí lãi vay tạo ra bất cập, nhất là khi lãi suất trong nước tăng cao. Thực tế, trong giai đoạn cuối 2022, đầu năm 2023, từ việc đa phần các doanh nghiệp có thể khống chế chi phí lãi vay ở dưới mức 30% thì rất nhiều doanh nghiệp đã vượt mức 30% theo quy định tại Nghị định 132.

“Hệ quả là các doanh nghiệp này bị giảm chi phí được trừ khi tính thuế và phải nộp thêm thuế”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Đó là chưa kể câu chuyện giai đoạn cuối 2022, đầu năm 2023, một lượng không nhỏ các doanh nghiệp buộc phải cơ cấu lại vốn vay trái phiếu thông qua vay ngân hàng, dẫn đến tỷ lệ này vượt khá nhiều so với mức 30%, càng khiến doanh nghiệp khó hơn trong việc xoay xở dòng tiền.

Cần gỡ ngay để cứu doanh nghiệp Việt

Trong văn bản kiến nghị mới nhất, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo hướng đề nghị không khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay “không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ” của “doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết” để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời “bức tranh” hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh “doanh nghiệp có giao dịch liên kết” có hành vi “chuyển giá”, kê khống chi phí để trốn lậu thuế.

Theo HOReA, khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay “không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ” của “doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết” đã làm cho “bức tranh” hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời và có thể làm thiệt hại lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, trung thực, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật. Bởi lẽ, “chi phí lãi vay” phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là “chi phí hợp pháp” được quy định trong Luật Đầu tư 2020 và cả Luật các tổ chức tín dụng 2010.

Như vậy, kể cả với mức 20% trước đây của Nghị định 20 hay 30% của Nghị định 132 thì vấn đề là thì cũng không hợp lý bởi nếu “chi phí lãi vay” là “chi phí hợp pháp” thì cần phải được Nhà nước công nhận và cần phải được tính vào tổng chi phí hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tài chính (trong kỳ) của doanh nghiệp thì mới phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời “bức tranh” hoạt động của doanh nghiệp.

“Hiệp hội nhận thấy, việc chậm đề xuất sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP, nhất là việc chậm đề xuất sửa đổi quy định khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay “không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ” của “doanh nghiệp có giao dịch liên kết” tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP sẽ càng làm cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng làm ăn chân chính và tuân thủ pháp luật tiếp tục bị thiệt hại”, HOReA nêu rõ.

Được biết, tháng 8/2023 Bộ Tài chính đã phân công các đơn vị trực thuộc triển khai Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 132, nhưng đến giữa tháng 10/2023, Tổng cục Thuế có văn bản xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính với đề xuất sẽ trình sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP vào tháng 8/2024.

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Nghị định 132 hoàn toàn có thể được triển khai theo trình tự rút gọn và vẫn có đủ thời gian để hoàn thành trong năm 2023, thay vì kéo dài thêm những khó khăn của doanh nghiệp thêm gần 1 năm nữa trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thực thi các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong nền kinh tế.

Tin bài liên quan