Đường ray ở Trạm Vật tư bị đường sắt Dĩ An bị tháo dỡ, nhưng không được phục hồi, nằm chất đống 5 năm qua.

Đường ray ở Trạm Vật tư bị đường sắt Dĩ An bị tháo dỡ, nhưng không được phục hồi, nằm chất đống 5 năm qua.

Trạm vật tư đường sắt Dĩ An: Nghi án xé rào, vượt quyền chuyển nhượng đất

Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, chưa thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Dương và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có nguy cơ rơi vào thế bất lợi về pháp lý.

Bộ chủ quản chưa thống nhất chủ trương

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 4693/BGTVT-KCHT gửi Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về các vấn đề liên quan khu đất Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt do Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư.

Dẫn chiếu Luật Đường sắt (năm 2005), Luật Đất đai (năm 2003), Quyết định số 06/2002/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, Bộ GTVT khẳng định, bộ này là cơ quan quản lý nhà nước duy nhất có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia từng vùng, khu đầu mối giao thông đường sắt.

Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng, việc VNR ban hành Quyết định số 25/QĐ-ĐS ngày 10/1/2006 về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An (Bình Dương) của Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn (khi đó vẫn là đơn vị 100% vốn của VNR), trong đó có kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (gồm 4 nhánh đường sắt, kho, xưởng, bãi chứa hàng và công trình phụ trợ) khi chưa được sự thống nhất chủ trương của Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường là chưa phù hợp quy định của Luật Đường sắt.

Cũng với lý do tương tự, theo Bộ GTVT, Quyết định số 5011/QĐ-UBND ngày 19/11/2009 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An, với diện tích 117.332 m2, là chưa đúng thẩm quyền.

Đáng nói là, Bộ GTVT nêu rõ, việc UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 1855/QĐ-UBND ngày 30/6/2010 thu hồi và cho Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn thuê đất tại thị trấn Dĩ An và việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn vào tháng 1/2011 tại địa chỉ nêu trên, diện tích 117.332 m2, với mục đích sử dụng đất xây dựng Trạm Vật tư đường sắt; thời hạn sử dụng đất 50 năm; nguồn gốc sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, trong đó có đất thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là không phù hợp quy định của Luật Đường sắt.

Bộ GTVT cũng phản ứng với Quyết định số 3667/QĐ-UBND ngày 25/7/2014 của UBND thị xã Dĩ An (nay là TP. Dĩ An) về phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở thương mại đường sắt phường Dĩ An; Quyết định số 7588/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điều chỉnh và mở rộng khu nhà ở thương mại đường sắt với diện tích đất 111.932,9m2 (trong đó, Khu nhà ở thương mại đường sắt đã được phê duyệt 64.050,1 m2 và phần mở rộng 47.882,8 m2).

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, tất cả các văn bản trên của UBND tỉnh Bình Dương cũng như UBND thị xã Dĩ An không được gửi về Bộ GTVT để biết và phối hợp thực hiện.

Vào tầm ngắm của cơ quan điều tra

Trước đó, tháng 4/2020, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về các vấn đề liên quan đến khu đất thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt do Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư.

Theo đó, đối với Khu nhà ở thương mại đường sắt diện tích 64.050 m2, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tại Công văn số 1222/BGTVT-TC ngày 6/2/2013, Bộ GTVT đã thống nhất với ý kiến của Hội đồng Thành viên VNR về phương án quy hoạch cơ cấu sử dụng đất Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An. UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An tiếp tục triển khai Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt.

Liên quan đến việc tháo dỡ 3 bộ ghi và các nhánh đường sắt số 60, 61, 62 trong khu vực Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương với đề xuất của VNR do Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn không có nhu cầu sử dụng đất và đề nghị được tháo dỡ.

Liên quan đề nghị của UBND tỉnh Bình Dương về Khu nhà ở thương mại đường sắt (64.050,1 m2), Bộ GTVT cho hay, trên cơ sở đề nghị của VNR, Bộ đã ban hành văn bản số 1222/BGTVT-TC ngày 6/2/2013.

Tại văn bản này, Bộ GTVT chỉ thống nhất về nguyên tắc phương án cơ cấu quy hoạch sử dụng đất các phân khu chức năng để phục vụ hoạt động của doanh nghiệp theo ý kiến của Hội đồng Thành viên VNR với điều kiện: việc quy hoạch phải đảm bảo Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An (bao gồm kho, xưởng, bãi chứa hàng và công trình phụ trợ) phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị, không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ an toàn chạy tàu của VNR, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Bộ GTVT không phê duyệt quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và không có nội dung thống nhất việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đối với khu đất tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An. 

Theo Bộ GTVT, việc đầu tư xây dựng, cải dịch, di dời kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An; quá trình tháo dỡ 3 bộ ghi, các nhánh đường sắt trong khu vực Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Được biết, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đang xác minh, thu thập tài liệu liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn; công tác quản lý nhà nước đối với các tuyến đường sắt quốc gia tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An.

Trong khi đó, một lãnh đạo VNR khẳng định, không có chuyện họ tự ý cải dịch, di dời kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An và sẵn sàng chứng minh cho cơ quan điều tra qua các tài liệu liên quan.

Theo vị lãnh đạo này, Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh vật tư, phụ tùng chuyên ngành đường sắt, không tham gia hoạt động GTVT đường sắt, nên không thuộc phạm vi quy hoạch theo Quyết định số 06/2002/QĐ-TTg. “Tài sản của Nhà nước đã được tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp đầy đủ khi cổ phần hóa Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn năm 2004 và thực hiện thoái toàn bộ vốn của VNR năm 2015 theo đúng Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 21/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNR giai đoạn 2012 - 2015”, vị lãnh đạo này cho biết.

Đất công thành dự án nhà thương mại

Năm 2012, VNR phê duyệt cơ cấu sử dụng 64.050 m2 thuộc Trạm vật tư đường sắt Dĩ An làm thương mại - dịch vụ, còn lại khoảng 48.000 m2 xây lại trạm vật tư. VNR giao người đại diện vốn tại Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn phối hợp lựa chọn đối tác đầu tư dự án. Một năm sau, UBND tỉnh Bình Dương giao Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư Dự án Nhà ở thương mại đường sắt (64.000 m2).

Nhằm nâng giá trị lô đất, 4 đường ray ở trạm vật tư được dời từ mặt tiền đường Lý Thường Kiệt vào khu phía sau. Năm 2017, khu đất 48.000 m2 được Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn chuyển nhượng cho Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An. Đơn vị này xin đầu tư Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng trên diện tích 48.000 m2 và được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận. Hàng ngàn thanh ray, tà vẹt là tài sản quốc gia bị tháo dỡ nằm chất đống 5 năm qua.

Tin bài liên quan