Trăm năm nhìn lại mười năm

(ĐTCK-online) Ông nội Ân sinh năm 1910, lúc chào đời ông được tặng một túi tiền xu. Ông nội bạn của Ân là một người Mỹ cũng ra đời năm 1910, đầy tháng tuổi, người ta tặng ông 10 USD. Năm 2010 đã hết, 10 năm đầu tiên của thế kỷ 21 đã trôi qua. 100 năm đã lùi xa từ ngày ông nội Ân có món tiền đầu đời.

Năm 2010, Ân xây lại căn nhà trên mảnh đất hương hỏa có trên trăm năm. Trong lúc đào móng, người ta phát hiện ra một cái hũ. Tuy chỉ là một chiếc hũ sành màu da lươn nhưng kiểu dáng xưa lạ, nhấc lên thấy rất nặng, nên mọi người ai cũng nghĩ trong đó phải có cái gì quý giá. Chỉ riêng bác Cả trầm ngâm không nói gì. Loay hoay mãi rồi người ta cũng cạy được miệng hũ. Một lớp bùn sền sệt trào ra, bên dưới là những miếng nhỏ tròn tròn bám dính vào nhau. Sau khi rửa sạch, mọi người đều thấy đó là những đồng tiền xưa hình tròn có lỗ vuông ở giữa. Bác Cả nghẹn ngào, tay hết mân mê những đồng xu kẽm, lại đến xoa xoa chiếc hũ. Bác kể, năm ấy giặc Pháp càn tới quê, ông bà Ân đem những đồ quý giá nhất như lư hương, mâm đồng, nồi ba, nồi bẩy, đồ sứ Tàu thả xuống ao nhà. Tiền thì dắt một ít vào người, còn lại thì cho vào chiếc hũ đem chôn. Bác nhớ chiếc hũ này có chứa túi tiền xu đầu đời của cha mình và những món tiền cả nhà tích cóp mấy mươi năm. Những đồng tiền mồ hôi nước mắt ấy bây giờ đã trở thành rỉ sét. Ân đem chuyện đào được hũ tiền kể cho anh bạn người Mỹ nghe. Anh ta nói rằng, nếu ông Ân ở Mỹ, nếu số tiền đó không bị đem chôn mà dùng để đầu tư thì bây giờ cháu cụ đã có thể trở thành triệu phú đôla. Anh ta giải thích: nếu cụ cố anh đầu tư chỉ 1 USD vào năm 1899 để mua cổ phiếu thì đến năm 2008, cháu cụ đã có 22.745 USD. Anh ta khoe rằng, món tiền thôi nôi 10 USD của ông nội anh đã được đầu tư mua cổ phiếu của một hãng dầu lửa. Nghe hắn liệt kê ra hàng loạt chữ "nếu", Ân hơi choáng. Vậy ra nếu đầu tư 10 đô từ thời ấy thì bây giờ có gần 250.000, nếu bỏ ra 100 đô thì vị chi bây giờ đã có gần 2,5 triệu đô. Chu choa! Ân sẽ có 25 triệu đô, nếu… nếu… nếu….

 

Cú hích tài chính 10 năm đầu thế kỷ trước

Tại sao ông nội Ân lại chôn tiền mà không mang ra làm ăn nhỉ? 10 năm đầu thế kỷ trước, kinh tế nước ta ra sao? Có cơ hội gì để làm giàu? Ngoảnh lại 100 năm trước, Ân thấy giai đoạn 1900 tới 1910 đầy ắp các sự kiện kinh tế, trong đó đầu tiên phải kể đến sự thay đổi lớn về chính sách tài chính.

Nửa cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm lược nước ta, thiết lập chính quyền, rồi mở cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Đồng tiền được dùng thời ấy lúc đầu là đồng bạc có in hình con cò, rồi đến năm 1895 thì dùng đồng bạc Đông Dương đúc ở Paris nặng 27gr. Tiền đồng, tiền kẽm của nhà Nguyễn vẫn được sử dụng. Tiền tệ các nước hồi đầu thế kỷ trước đều dựa trên chế độ bản vị. Tức là một lượng tiền mặt trong lưu thông phải được đảm bảo bằng một lượng kim loại vàng, bạc nhất định, ví như có giai đoạn nước Mỹ ấn định cứ 1 USD bằng 1,603 gam vàng ròng. Chế độ bản vị vàng hoặc bạc nhằm khống chế việc in tiền, mở rộng tín dụng và phát hành trái phiếu, vì nước nào phát hành tiền mặt ở dạng tiền giấy hay tiền xu đều phải có đủ vàng bạc dự trữ để sẵn sàng nhận lại tiền mặt và trả lại vàng hay bạc. Tiền tệ nước ta thời đó lấy bạc làm bản vị, lượng bạc dự trữ không nhiều nên tiền lưu thông cũng ít.

Ngày 16/5/1900, Chính phủ Pháp có sắc lệnh cho phép Ngân hàng Đông Dương được phát hành số trái phiếu nhiều gấp 3 lần số kim loại bản vị dự trữ. Đây là một chính sách tài chính quan trọng để người Pháp có thêm nguồn tiền. Nhờ chính sách này, chính quyền Pháp ở Đông Dương không còn quá lo lắng về tiền để đầu tư vào đầu tư hạ tầng giao thông.

 

Cầu và đường trăm năm trước

Người làm thay đổi chính sách thuộc địa, quyết định xây dựng cả một hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cầu cống trên toàn cõi Đông Dương đầu thế kỷ trước chính là ông Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương, người trở thành Tổng thống nước Pháp năm 1932. Ông ta biết rằng, mạng lưới giao thông thuận tiện đó là công cụ hữu hiệu nhất để dễ dàng khai thác các nguồn tài nguyên, biến Việt Nam thành một cái mỏ khổng lồ cung cấp đủ thứ cho "mẫu quốc"... Thế nhưng, quyết định xây cầu Long Biên ở Hà Nội của ông Paul Doumer vấp sự chỉ trích, chống đối, phê phán, hoài nghi của báo chí, quan lại và cả nhiều nhà tư bản, quan chức người Pháp. Tờ báo Pháp Thư tín Hải Phòng (Courries de Haiphong) viết rằng, ông Paul Doumer chẳng biết gì về tính khí thất thường của con sông Hồng luôn thay đổi dòng chảy mà dám quyết định xây cầu... Rồi không biết cây cầu này có bắc ngang một con sông hay không, cầu làm xong thì có dùng được hay không? Quan lại nhà Nguyễn thì hoài nghi: "Đặt một cây cầu trên sông Hồng à? Thật điên rồ! Y như việc chồng núi này lên núi kia để lên trời…". Là một nhà cai trị độc tài khét tiếng, quyền lực vô biên, có quân đội trong tay, ông Paul Doumer không cần phải lo đến sự phản đối, mà quyết định cho xây cầu. Năm 1867, dự án đã được đem ra đấu thầu công khai. Hãng Daydé&Pillé vượt qua 6 công ty khác, trong đó có cả Hãng Eiffel (từng xây dựng tháp Eiffel) và trúng thầu xây dựng cầu với kinh phí 6,2 triệu frances, trích từ nguồn công trái Đông Dương. Cả một núi sắt thép trên 5.000 tấn chở từ Pháp sang trộn lẫn với xi măng sản xuất tại Hải Phòng; gỗ đá từ Thanh Hoá và các tỉnh lân cận hòa với máu và mồ hôi của dân phu để tạo thành cây cầu lớn nhất Đông Dương vào tháng 2/1902.

Năm 1902, cả 2 cây cầu Long Biên và cầu sắt Bình Lợi đều đã hoàn thành, tạo điều kiện cho việc khai thông hàng loạt tuyến đường sắt khắp cả nước. Trong Nam, các tuyến đường sắt từ Sài Gòn tới Biên Hòa, rồi từ Sài Gòn tới Nha Trang lần lượt được khởi công và nhanh chóng đưa vào sử dụng chỉ mất có vài năm. Ngoài Bắc, nhờ cây cầu Long Biên nối liền hai bờ sông Hồng mà ngay trong năm đó 2 tuyến đường sắt mới là Hà Nội - Hải Phòng dài 102 km và Hà Nội - Đồng Đăng dài 163 km cũng đã thông... Hơn 100 năm sau, năm 2010 dự án làm đường sắt cao tốc Bắc Nam bị phản đối dữ dội, còn nước Lào đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để xây dựng một đường sắt cao tốc nối liền Thủ đô Viêng Chăn, Lào tới Côn Minh, Trung Quốc. Xem ra không phải chỉ có cầu đường, không phải chỉ ngày xưa mà bất kể dự án cấp quốc gia nào, ở thời nào cũng cần phải được quyết bởi những nhà lãnh đạo quyết đoán.

 

Cây và đất

Chả phải bây giờ khi văn hóa mặt tiền lên ngôi mới có quy luật "đường mở tới đâu đất giàu tới đó" mà 100 năm trước, khi đường sắt, đường bộ mở tới đâu là tạo điều kiện để các nhà đầu tư Pháp và sau này có thêm một số điền chủ người Việt mở đồn điền cao su, café, trà tới đó. Ở Nam Kỳ, khi đường ray xe lửa chặng Sài Gòn ra Phan Thiết  thi công tới Trảng Bom, người ta đã nhìn thấy vùng này chẳng xa Sài Gòn mấy đỗi, đất đai thì bằng phẳng, cây cối xanh tốt, mát mẻ, phong cảnh hữu tình lại có sông, suối Nhạn lớn chảy qua. Vì thế, mấy nhà thầu xây dựng và ông kỹ sư công chánh người châu Âu chỉ huy xây dựng liền hùn tiền lại để làm một trang trại ở đó. Vì nó ở gần một làng Dầu Giây của người Thượng nên họ gọi luôn là Trang trại Dầu Giây. Vì mục đích ban đầu chỉ là để làm nơi vui chơi cuối tuần, nhảy múa hát ca xả stress, nên họ trồng đủ các loại cây café, cacao, trà, hồ tiêu, sả và chăn nuôi bò. Nếu chỉ đơn thuần là trang trại để nghỉ ngơi, không thu hoa lợi thì chắc cũng không thọ được lâu và đã đến lúc họ thấy chán và muốn bán. Nhưng đúng lúc chán thì lại có tin tốt. Đầu năm 1905, vườn cao su thử nghiệm ở Suối Dầu (Nha Trang) và Phú Nhuận (Sài Gòn) của nhà bác học A.Yersin và kỹ sư nông nghiệp G.Vernet đã thành công. Trong một lá thư cho mẹ mình ngày 11/12/1904, ông A.Yersin viết: "Kết quả cạo mủ thử ở Suối Dầu rất đáng khích lệ, các cây cao su cho mủ ngày càng nhiều. Có thể chúng con sẽ đạt 250 kg mủ khô một cây vào năm sau và 100 kg mủ khô bán được ít nhất 1.000 francs". Rất nhanh nhạy, các chủ trang trại quyết định chuyển từ đất ăn, đất chơi Dầu Giây thành đất làm, đất ăn với cây cao su. Chỉ 1 năm sau (1906), lô cao su đầu tiên ở miền đất đỏ Đông Nam Bộ ra đời với diện tích trên 8 héc-ta và từ đó liên tiếp các đồn điền cao su được mở ở Đông Dương, hình thành ra ngành công nghiệp cao su Việt Nam. 100 năm sau, giá cao su thiên nhiên tiếp tục lên cao chưa từng có. Người ta lại đi tìm đất trồng cao su khiến đất rừng trở thành đất vàng, đất bạc. Tập đoàn Cao su Việt Nam và nhiều công ty khác đang phủ kín đồi hoang đất trọc ở trong nước rồi mở mang sang Lào, Campuchia để khơi dòng vàng trắng.

 

Những vụ M&A lớn từ 100 năm trước

Trên mặt đất là các lâm thổ sản gỗ rừng, hạt café, cacao, mủ cao su, dưới lòng đất là quặng bauxít nhôm, quặng sắt, than. Khắp Đông Dương thời ấy và đến tận bây giờ chưa bao giờ hết những nhà đầu tư đến xin đầu tư, tìm cách để thuê mua, nhượng quyền đất. Câu chuyện về chuyển nhượng, mua bán sáp nhập (M&A) đầu tiên trong lịch sử kinh tế Việt Nam cận đại có thể là câu chuyện về lịch sử ngành than. Ngược dòng lịch sử 170 năm về trước, vua Minh Mạng chính là người khai sinh ra ngành than bằng chỉ dụ ngày 10/1/1840 cho phép Tổng đốc Hải Yên (Quảng Ninh ngày nay) là Tôn Thất Bật được thuê mướn dân đào than mỏ ở vùng núi An Lãnh thuộc Đông Triều. Tuy vậy, do thương mại thời Minh Mạng chưa phát triển nên hàng năm chỉ khai thác vài chục vạn cân để  phục vụ nhu cầu trong nước, chỉ sau khi các vụ chuyển nhượng làm xong, các mỏ than thuộc về Pháp thì việc khai thác mới trở thành ồ ạt.

Vụ M&A đầu tiên ở ngành than diễn ra năm 1884, Triều đình nhà Nguyễn ký văn bản nhượng khu vực Hòn Gấc (Cẩm Phả) cho nhà tư bản Pháp là Ba-vi-ê-sô-phun với giá 40.000 đồng bạc Mễ-Tây-cơ, thời hạn 100 năm. Thấy ngon ăn, 4 năm sau (1888), triều đình nhà Nguyễn lại bị ép nhượng bán khu vực Mạo Khê - Đông Triều cho các nhà tư bản Pháp để họ lập ra Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, gọi tắt là S.F.C.T, được khai thác từ Bãi Cháy đến Nội Bảng diện tích gần 22.000 héc ta.

Từ sau các vụ chuyển nhượng đó, việc khai thác được đẩy mạnh. Số mỏ than tăng nhanh, năm 1907 đã có tới 33 mỏ và đến năm 1911 tăng lên 92 mỏ.

 

Cảng và hàng

10 năm đầu thế kỷ là đỉnh của đợt khai thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914). Hàng loạt cơ sở hạ tầng cầu cống, đường sắt, đường bộ, bến cảng được xây dựng, tạo điều kiện cho việc mở đồn điền trồng cây công nghiệp, khai thác mỏ than, quặng kim loại và hàng loạt xí nghiệp nhà máy khác ra đời. Nếu năm 1903 mới chỉ có 82 nhà máy thì mỗi năm sau số lượng tăng lên gần gấp đôi, đến năm 1906 đã có 200 nhà máy thuộc nhiều ngành... Sài Gòn thời ấy là một thương cảng nhộn nhịp bậc nhất châu Á. Tàu bè tấp nập ra vào Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng. Nếu như năm 1862, mới chỉ có 117 tàu châu Âu (51 tàu của Pháp) chở đến Sài Gòn 53.200 tấn hàng và chở đi 42.470 tấn gạo, 1.023 kiện bông, 1.746 kiện vải..., thì đến những năm 1910, lượng hàng hóa qua cảng đã tăng gấp gần 100 lần, 1.426 tàu ra vào cảng chuyên chở 2.544.369 tấn hàng. Với tốc độ gia tăng hàng hóa như vậy, Cảng Sài Gòn phải được mở rộng.

Công ty Eiffel đã trúng thầu công trình bến cảng Sài Gòn và bắt đầu làm từ năm 1901. Năm 1910, Chính quyền Pháp đầu tư thêm 10,3 triệu francs tiếp tục nâng cấp Cảng Sài Gòn. Tròn 100 năm sau (2010), các cảng Gemadept, PSA, Hutchison, Tân Cảng đã và đang mọc lên ở Cái Mép - Vũng Tàu với quy mô lớn gấp hàng trăm lần ngày xưa để thay thế các bến cảng ở dọc sông Sài Gòn đã hoàn thành sứ mạng lịch sử.

 

Trở lại câu chuyện hũ tiền

Nhìn bức tranh kinh tế Việt Nam 10 năm đầu thế kỷ trước, các kinh tế gia thấy có rất nhiều cơ hội đầu tư và làm giàu. Nhưng những cơ hội đó chỉ giành cho giới tư bản Pháp, Âu, người Hoa và một số rất ít nhà tư sản dân tộc. Còn với người dân thường, đất nước loạn lạc, lầm than, dân chúng chịu sưu cao thuế nặng, hết phu phen rồi lại chạy càn, ăn còn không đủ làm sao nghĩ  chuyện đầu tư. Trải qua mấy cuộc chiến tranh Pháp đô hộ, rồi Nhật vào, Pháp quay lại, Mỹ xâm chiếm, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, tâm lý lo lắng, không dám làm giàu còn hằn sâu. Dân ta bao nhiêu năm qua luôn trong tâm trạng tích cốc phòng cơ, chắt chiu từng đồng tiền và rất nhiều người chỉ biết cách giữ tiền bằng cách chôn như ông nội Ân.

100 năm sau, đất nước này đã là của dân nước Việt. Người dân có một Chính phủ vì dân, đảm bảo quyền làm giàu chính đáng, tránh cho dân tộc khỏi họa xâm lăng. Hãy làm sao để người dân tin tưởng vào tương lai đất nước, không đem tiền đi chôn mà bỏ ra làm giàu, chấn hưng kinh tế. Làm sao để 1.000 tấn vàng và 5 tỷ USD trong dân (con số  mà đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu tại kỳ họp vừa qua) sẽ được đem ra làm đường, mở trang trại, xây nhà máy, lập công ty, nuôi tôm, nuôi cá, hoặc đầu tư gián tiếp qua TTCK. Ân ao ước đứa cháu nội của mình sau này có thể tự hào khoe với thằng bạn Mỹ của nó rằng, khoản tiền triệu đô nó đang có là do ông nội của nó bỏ 1.000 USD đầu tư vào công ty của ông tại Việt Nam.

Sài Gòn, 12/2010