Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP mỗi năm, hay tổng cộng 368 tỷ USD cho đến năm 2040

Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP mỗi năm, hay tổng cộng 368 tỷ USD cho đến năm 2040

Trái phiếu xanh để ngỏ tiềm năng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Hàng loạt công ty bảo hiểm, ngân hàng lớn có cam kết giải ngân qua trái phiếu xanh trong năm 2025. Đây sẽ là nguồn vốn tiềm năng cho các doanh nghiệp có dự án đủ điều kiện.

Nguồn cung dồi dào

Vào tháng cuối cùng của năm 2024, Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai và Công ty TNHH Truyền tải nước sạch Xuân Mai - Hà Nội đã thành công trong thương vụ gọi vốn trái phiếu với quy mô 34,5 triệu USD (875,1 tỷ đồng), kỳ hạn 20 năm, để xây dựng hệ thống cấp nước thuộc dự án Nhà máy xử lý nước Xuân Mai tại tỉnh Hòa Bình. GuarantCo đã cung cấp bảo lãnh trị giá 47 triệu USD (1.192 tỷ đồng) cho dự án cấp nước mới tại tỉnh Hoà Bình này, nhằm cung cấp nước sạch chủ yếu cho khu vực Hà Nội.

Dự án bao gồm các hạng mục lấy nước, xử lý nước, đường ống và phân phối, với tổng công suất 150.000 m3/ngày đêm. Mục tiêu của dự án là thay thế nguồn nước ngầm bằng nước sông, qua đó cung cấp nước chất lượng cao hơn, có lợi cho sức khỏe cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường. Việc sử dụng nước sông thay vì nước ngầm, theo đánh giá của các bên liên quan, là một cách tiếp cận bền vững về môi trường.

Đây là trái phiếu xanh đầu tiên trong ngành nước tại Việt Nam và là trái phiếu dự án có kỳ hạn dài nhất tính đến nay. Dự án này thu hút sự quan tâm của nhiều đầu tư. Biểu hiện rõ nhất là việc vượt chỉ tiêu đăng ký, thu hút các nhà đầu tư tổ chức lớn, bao gồm Chubb Life Việt Nam, Hanwha Life, AIA và Generali. Đây đều là các công ty bảo hiểm có nguồn lực tài chính khổng lồ.

Với mục đích tương tự, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã cung cấp gói tài trợ 150 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Trong gói tài trợ, IFC đăng ký mua 25 triệu USD trái phiếu xanh lam, giúp SeABank huy động thêm vốn cho các hoạt động kinh tế bền vững gắn với đại dương và nước (như nuôi trồng và khai thác thủy sản, cấp nước sạch...). IFC cũng đăng ký mua trái phiếu xanh lá trị giá 50 triệu USD, nhằm giúp Ngân hàng mở rộng tài trợ các tài sản xanh trong các lĩnh vực như: tòa nhà xanh, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, IFC sẽ cung cấp khoản vay trị giá 75 triệu USD để SeABank tăng cường cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.

Trước đó, IFC đã hỗ trợ nhiều tổ chức tài chính và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh lá và xanh lam tại các thị trường địa phương. Trong năm 2023, IFC đã đầu tư 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ do Công ty cổ phần Bất động sản BIM và công ty con là Công ty cổ phần Thanh Xuân phát hành.

Với khoản đầu tư vào SeABank, tính đến nay, IFC đã cam kết cấp khoảng 1 tỷ USD vốn dài hạn để hỗ trợ các dự án liên quan đến khí hậu tại Việt Nam.

Triển vọng cho một thị trường sôi động

Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư tư nhân, do đó, việc triển khai các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh lam và trái phiếu xanh lá sẽ mang lại nguồn vốn mới cho các dự án liên quan đến giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam chịu thiệt hại khoảng 3,2% GDP vào năm 2020 do biến đổi khí hậu và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh. Với đường bờ biển dài 3.000 km, sinh kế của hàng triệu người dân Việt Nam phụ thuộc vào đại dương. Nền kinh tế biển của Việt Nam dự kiến sẽ đóng góp khoảng 10% GDP vào năm 2030.

Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP mỗi năm, hay tổng cộng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, trong đó dự kiến một nửa sẽ đến từ khu vực tư nhân.

“Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư tư nhân, do đó, việc triển khai các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh lam và trái phiếu xanh lá sẽ mang lại nguồn vốn mới cho các dự án liên quan đến khí hậu”, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết.

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế xanh đầy tiềm năng. Trong đó, kinh tế biển và tài chính xanh lam - lĩnh vực tài chính khí hậu mới nổi gắn liền với bảo vệ biển và nước hứa hẹn sẽ “tạo sóng”, khi Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km gắn liền với sinh kế của hàng triệu người dân.

Theo ông Thomas Jacob, Việt Nam có tiềm năng phát triển đối với lĩnh vực năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi, cũng như khai thác nguồn tài nguyên biển phong phú. Đặt trong bối cảnh nhu cầu về tài chính xanh lam gia tăng nhờ sự quan tâm ngày một lớn của các nhà đầu tư trên thế giới, ông Thomas Jacob cho biết: “Loại hình tài chính sáng tạo này mang đến cơ hội cho ngành tài chính Việt Nam. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế có khả năng chống chịu với khí hậu và phát thải carbon thấp cần vốn đầu tư lớn, ít nhất một nửa trong số đó đến từ khu vực tư nhân”.

Ở những thị trường ngách cũng hứa hẹn sự sôi động. Chẳng hạn, Chương trình Hỗ trợ thị trường xây dựng xanh của Vương quốc Anh - IFC (MAGC) thúc đẩy việc xây dựng các công trình xanh đạt chứng chỉ, có nguồn vốn đầu tư trị giá 2 tỷ USD để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đóng góp của Chính phủ Anh được sử dụng để kích thích các thị trường xây dựng bằng cách cung cấp ưu đãi tài chính cho việc phát triển các công trình xanh đạt chứng chỉ EDGE của IFC và các hệ thống chứng chỉ xanh hàng đầu khác.

Với riêng GuarantCo, khoản cung cấp bảo lãnh trị giá 47 triệu USD vừa qua là thương vụ thứ năm thực hiện tại Việt Nam. GuarantCo là một phần của Nhóm phát triển hạ tầng tư nhân (PIDG). Kể từ năm 2005, GuarantCo đã giúp huy động tổng cộng 6,2 tỷ USD trong đầu tư, trong đó 5,2 tỷ USD là đầu tư từ khu vực tư nhân.

Từ năm 2002, công ty mẹ của GuarantCo là PIDG đã hỗ trợ 233 dự án cơ sở hạ tầng đến giai đoạn hoàn tất tài chính, mang lại cơ hội tiếp cận cơ sở hạ tầng mới hoặc được cải thiện cho khoảng 228 triệu người. PIDG được tài trợ bởi các chính phủ Anh, Hà Lan, Thụy Sĩ, Úc, Thụy Điển, Canada, Đức và IFC.

Theo ông Nishant Kumar, Giám đốc điều hành, Đầu tư châu Á tại GuarantCo, tiềm năng của các công cụ tài chính xanh trong việc giải quyết khoảng cách lớn về đầu tư và tài chính cơ sở hạ tầng tại Việt Nam là rất lớn. Nước sạch là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược của PIDG giai đoạn 2023 - 2030.

Nhìn nhận về trái phiếu xanh, bà Vương Thị Huyền, Chủ tịch Fast Capital, đơn vị tư vấn cho nhiều thương vụ thu xếp vốn đánh giá, thời hạn 20 năm của trái phiếu là yếu tố đặc biệt của cấu trúc tài chính cho dự án. Việc phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài giúp đảm bảo tình hình tài chính vững chắc cho dự án trong suốt quá trình phát triển. Đây là chiến lược thông minh của các công ty khi tiếp cận tài chính toàn cầu bằng cách đảm bảo một khoản tài trợ dài hạn lãi suất cố định, thay vì chỉ dựa vào nguồn tài trợ truyền thống trong nước.

Tin bài liên quan