Cho vay qua kênh trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank cuối tháng 6/2016 đạt 13.723 tỷ đồng

Cho vay qua kênh trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank cuối tháng 6/2016 đạt 13.723 tỷ đồng

Trái phiếu vẫn loanh quanh trong “sân chơi” của ngân hàng

(ĐTCK) Thay vì vay vốn ngân hàng, huy động từ cổ đông, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để huy động vốn – về lý thuyết là như vậy. Thế nhưng, trên thực tế, trái phiếu doanh nghiệp vẫn tập trung chủ yếu trong “sân chơi” của các ngân hàng.

Bóng dáng ngân hàng sau mỗi thương vụ lớn

Giữa tháng 6/2015, Masan Consumer Holdings, công ty trực thuộc CTCP Tập đoàn Masan công bố phát hành thành công 9.000 tỷ đồng trái phiếu thời hạn 5 năm. Đây là thương vụ đầu tiên một công ty tư nhân huy động lượng trái phiếu có giá trị lớn như vậy trên thị trường Việt Nam. Ai là người mua lượng trái phiếu này? Đó là: Vietcombank (5.400 tỷ đồng), VIB (1.000 tỷ đồng), BIDV (900 tỷ đồng), MB (chưa rõ giá trị)… Trong thương vụ lớn này, đơn vị tư vấn cũng là một CTCK trực thuộc ngân hàng).

Gần 2 năm qua, chỉ có một số thương vụ phát hành trái phiếu của các công ty chứng khoán (trong đó VCBS là đơn vị đi đầu) mới thu hút được đông đảo lượng nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân tham gia, nhưng quy mô chưa lớn.

Trước đó, đầu năm 2014, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) cũng đã phát hành thành công trên 1.000 tỷ đồng trái phiếu thường ra công chúng, với hình thức ban đầu là huy động vốn trái phiếu từ chính các cổ đông hiện hữu.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Masan Consumer Holdings chỉ là một trong hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu thành công của doanh nghiệp cho các ngân hàng. Thông tin tại đầu các công ty chứng khoán tư vấn phát hành trái phiếu cho thấy, bằng cách này hay cách khác, các đợt huy động trái phiếu từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng… đa phần vẫn được tài trợ vốn từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, thông tin ra thị trường thường ít, do quy mô nhỏ.

Thống kê tại một số ngân hàng thương mại, tính đến thời điểm 30/6/2016, số dư đầu tư trái phiếu của các ngân hàng này cũng ở mức khá lớn. Ví dụ, VietinBank có số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu VAMC, số dư gốc trái phiếu do các tổ chức tài chính tín dụng khác phát hành) lên tới trên 54.109 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất, dù đã giảm rất mạnh so với số dư gốc đầu năm là 63.372 tỷ đồng, nhưng vẫn là con số rất lớn so với mặt bằng chung. Các ngân hàng khác, quy mô cho vay qua kênh trái phiếu doanh nghiệp dù nhỏ hơn, nhưng cùng thời điểm trên vẫn lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng như: Vietcombank 13.723 tỷ đồng, BIDV gần 25.959 tỷ đồng, ACB hơn 4.808 tỷ đồng, MB gần 4.238 tỷ đồng, Eximbank 4.913 tỷ đồng… 

Vì sao?

Có 2 câu hỏi cần đặt ra với câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp là: Vì sao đối tượng mua của các đợt phát hành chủ yếu lại là ngân hàng và vì sao doanh nghiệp lại phát hành trái phiếu cho ngân hàng, thay vì thực hiện vay vốn?

Trong một hợp đồng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản mà Đầu tư Chứng khoán đã tiếp cận, ngoài những điều khoản hoàn toàn giống vốn vay ngân hàng như: lãi suất vay vốn bằng trung bình lãi huy động tiền gửi kỳ hạn 13 tháng của 4 ngân hàng lớn cộng 4%/năm, có tài sản đảm bảo…, thì doanh nghiệp còn phải chịu một khoản phí tư vấn, quản lý là 2% giá trị trái phiếu huy động. Với phần này, doanh nghiệp thực tế phải chịu lãi suất cao hơn so với mặt bằng huy động chung. Không khó để lý giải vì sao một số công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng luôn báo lãi lớn, dù đa số các mảng kinh doanh nghiệp vụ khác (ngoài tư vấn) không được triển khai mạnh mẽ.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Với một khoản trái phiếu, ngân hàng có thể dễ dàng bán lại, thay vì bán một khoản cho vay thông thường. Điều này bổ sung thêm tính hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp đối với các ngân hàng, thay vì khoản vốn vay tín dụng thông thường.

Ở chiều ngược lại, chính những đặc trưng của trái phiếu doanh nghiệp khiến đối tượng mua, nếu không phải là ngân hàng, sẽ khá khó khăn khi tiếp cận. Lĩnh vực trái phiếu với đòi hỏi quy mô vốn lớn, tính thanh khoản không cao, trong khi nhà đầu tư cá nhân quy mô vốn thường nhỏ, các nhà đầu tư tổ chức phi ngân hàng không phải ai cũng mặn mà với trái phiếu. Chưa kể đi kèm với đó là tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, khiến nhà đầu đại chúng ngần ngại.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM, CTCP Chứng khoán Trí Việt... đã từng đưa đề án phát hành trái phiếu đảm bảo thanh khoản, hướng đến các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân đại chúng. Thế nhưng, đến nay, đề án này vẫn chủ yếu được triển khai ở dạng thăm dò, chứ chưa thực sự trở thành một cú hích cho huy động vốn doanh nghiệp.

Tin bài liên quan