Trái phiếu và niềm tin - nhìn từ “cơn uất nghẹn lịch sử” vụ trái phiếu hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát

Trái phiếu và niềm tin - nhìn từ “cơn uất nghẹn lịch sử” vụ trái phiếu hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát

0:00 / 0:00
0:00
Nhìn từ “cơn uất nghẹn lịch sử” do vụ trái phiếu hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tạo nên, có thể thấy, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nắn dòng tiền từ kênh huy động vốn này chảy về doanh nghiệp là chưa đủ. Niềm tin mới là điều kiện cần, nếu không muốn nói là cốt tử.

Thống kê của Công ty Chứng khoán VnDirect cho thấy, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 cho đến ngày 23/5/2023, đã không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới được thực hiện. Tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ phát hành trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 26.137 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiếp tục gia tăng trong tháng 6/2023 với hơn 35.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với tháng 5/2023; số doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố trên sàn giao dịch chứng khoán tiếp tục tăng…

Thực trạng trên cho thấy, Nghị định 08/2023/NĐ-CP, ngày 5/3/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08) là biện pháp cần, nhưng chưa đủ.

Nhận định trên ít nhiều có cơ sở, bởi TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh) cũng từng đặt vấn đề, rằng “điều kiện cần nhất để giải quyết câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp là dòng tiền thật vào mua trái phiếu và niềm tin. Phải có niềm tin, thì mới có dòng tiền quay trở lại”.

Điều này thể hiện rõ khi nhìn nhận và đánh giá “cơn uất nghẹn lịch sử” của trái chủ liên quan trái phiếu doanh nghiệp của Vạn Thịnh Phát.

Vì tin SCB là ngân hàng uy tín, mà 40.000 người đã đổ gần 25.000 tỷ đồng mua trái phiếu An Đông qua SCB, trong khi trái phiếu này thuộc loại rủi ro cao nhất với nhiều cái “không”, đặc biệt là không tài sản đảm bảo...

Cũng bởi khách hàng tin, nên khi chưa xảy vụ Vạn Thịnh Phát, chỉ với chương trình thi đua trái phiếu “Khai lộc đầu Xuân” triển khai tới ngày 12/1/2022, SCB đạt doanh số hơn 1.027 tỷ đồng. Và chỉ với chặng 1, Chương trình “Kết nối sức mạnh - Dẫn lối thành công” triển khai chưa tới nửa tháng, SCB đạt doanh số gần 3.000 tỷ đồng; chặng 2 triển khai chưa tới nửa tháng, doanh số đã đạt hơn 5.700 tỷ đồng. Con số trên cho thấy, tiềm lực của nhà đầu tư là kênh huy động vốn quan trọng thế nào với doanh nghiệp.

Thế rồi, nhà đầu tư sụp đổ khi “sập bẫy niềm tin” bởi sự lập lờ, thiếu minh bạch thông tin, bởi mục đích đen tối của doanh nghiệp phát hành cùng bên liên quan, trong khi có quá nhiều khoảng trống pháp lý trong giám sát và hậu xử lý.

Hậu quả, đến Bộ Tài chính cũng phải thừa nhận trong một báo cáo mới đây gửi các đại biểu Quốc hội giải trình ý kiến đánh giá về trái phiếu doanh nghiệp, rằng “sau vụ việc của Vạn Thịnh Phát và SCB, từ tháng 10/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước có nhiều biến động, khối lượng phát hành sụt giảm”.

Khi nhà đầu tư mất niềm tin, thị trường trái phiếu sẽ chỉ còn người bán, không người mua, thanh khoản ngày càng cạn kiệt. Tất yếu, doanh nghiệp tử tế bị vạ lây, dòng tiền đứt gãy, sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, nền kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ.

Chính vì vậy, để tạo dựng hay lấy lại niềm tin, thì không chỉ cần điều tra nhanh, sai đến đâu, xử dứt điểm đến đấy, mà còn phải “phòng cháy”, tức có chế tài chặt chẽ với đối tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với điều kiện phát hành, với các tầng nấc trung gian và với các khâu giám sát của cơ quan chức năng, chứ không chỉ ở giai đoạn bắt, khởi tố, xét xử.

Nếu rà soát các quy định pháp lý liên quan, có thể thấy, cán cân đang nghiêng về phía tổ chức, còn nhà đầu tư vẫn ở thế yếu, trong khi đáng ra người cho vay phải ở thế trên người đi vay. Có thể nhận thấy điều này qua Nghị định 08 đang thực thi với những biện pháp kỹ thuật chủ yếu để “hỗ trợ doanh nghiệp”, mà tạm ngưng điều kiện bảo vệ nhà đầu tư như tạm ngưng quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; tạm ngưng quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; tạm ngưng quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu….

Muốn lấy lại và tạo dựng niềm tin trên thị trường trái phiếu, thì cần thiết phải hình thành hành lang pháp lý để cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm giữa doanh nghiệp phát hành - nhà đầu tư. Ở đây cũng cần lưu ý rằng, nhà đầu tư, kể cả sơ cấp hay thứ cấp đều phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình, tự chịu các rủi ro phát sinh trong đầu tư và giao dịch trái phiếu, bởi thị trường này không dành cho tay chơi thiếu kiến thức kinh doanh.

Kỳ vọng rằng, sau “cơn uất nghẹn lịch sử”, sau nước mắt, sẽ là sự lớn lên, chuyên nghiệp của cả thị trường trái phiếu.

Tin bài liên quan