Khái niệm
Trái phiếu đơn giản chỉ là một loại giấy hứa trả tiền dài hạn do người đi vay phát hành, hứa sẽ trả tiền cho người nắm giữ trái phiếu một khoản lãi cố định được xác định trước mỗi năm. Nói cách khác, trái phiếu là một tờ giấy mà với nó, nhà phát hành (người đi vay) cam kết hoàn trả cho trái chủ (người sở hữu trái phiếu) toàn bộ tiền gốc và lãi theo các điều khoản ghi trên trái phiếu. Như vậy, thực chất là với trái phiếu, trái chủ là người cho nhà phát hành vay và họ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về kết quả hoạt động sử dụng vốn của người vay. Nhà phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán theo các cam kết nợ được xác định trong hợp đồng vay. Nếu một công ty không hoàn trả được lãi cho trái phiếu, người ta sẽ xem xét vấn đề phá sản đối với công ty. Quyền yêu cầu về thu nhập và tài sản của trái chủ được ưu tiên trước cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu thường. Đây sẽ là sự đảm bảo quan trọng cho các nhà đầu tư và như vậy, trái phiếu có mức độ rủi ro thấp hơn so với cổ phiếu.
Mệnh giá
Mệnh giá hay giá trị danh nghĩa, hay giá trị bề mặt của trái phiếu là giá trị ghi trên trái phiếu, nó xác định tổng số tiền gốc mà trái chủ được nhận cho tới hết thời hạn của trái phiếu.
Lãi suất danh nghĩa
Lãi suất danh nghĩa là lãi suất ghi trên giá trái phiếu. Nó quy định mức lợi tức mà trái chủ được hưởng so với mệnh giá của trái phiếu. Như vậy, bất kể điều gì xảy ra đối với giá của một trái phiếu coupon có lãi suất hàng năm 8% và mệnh giá 1.000 USD, nó sẽ được trả 80 USD lợi tức hàng năm cho đến khi đáo hạn.
Lãi suất thực
Khác với khái niệm lãi suất thực trình bày trong kinh tế vĩ mô, ở đây lãi suất thực được xem xét trong mối liên hệ giá trị thời gian của tiền. Ví dụ, một trái phiếu coupon mệnh giá 1.000 USD có lãi suất danh nghĩa 10%/năm. Lợi tức được thanh toán vào thời điểm 30/6 và 31/12 hàng năm. Như vậy, 50 USD nhận được vào ngày 30/6 giả định sẽ được đầu tư vào một tài sản có cùng mức độ rủi ro, sẽ mang lại một khoản tiền lớn hơn cho chủ sở hữu. Hay nói cách khác, giá trị tương lai của 50 USD nhận được ngày 30/6 tính tới ngày 31/12 sẽ là 50 (1+0,05) = 52,5 USD. Tổng giá trị nhận được từ lợi tức trái phiếu là 50+52,5 USD = 102,5 USD, hay lợi tức thực của trái phiếu sẽ là 10,25%. Đây là lãi suất hấp dẫn đối với nhà đầu tư, vì vậy nhà phát hành sẽ in cả lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực trên trái phiếu. Cùng với cách tính tương tự, ta có thể xác định lãi suất thực của công trái quốc gia được Chính phủ Việt Nam phát hành vào giữa năm 1999 có thời hạn 5 năm, lãi suất danh nghĩa 50% trong 5 năm, tiền gốc và lãi được thanh toán 1 lần vào ngày đáo hạn có lãi suất thực là 8,4%/năm.
Lãi suất hiện tại
Lãi suất hiện tại của một trái phiếu là tỷ lệ giữa khoản lợi tức được trả hàng năm với giá cả thị trường hiện tại của trái phiếu đó. Ví dụ, nếu chúng ta có trái phiếu lãi suất 8%, mệnh giá 1.000 USD và giá cả thị trường của nó là 700 USD thì nó sẽ có lãi suất hiện tại bằng khoản thanh toán lãi hàng năm/giá thị trường của trái phiếu, tức là = 0,08 x 1.000 USD/700 USD = 11,4%.
Kỳ hạn
Kỳ hạn của một trái phiếu là độ dài thời gian cho đến khi người phát hành trái phiếu trả lại toàn bộ tiền gốc cho trái chủ và nhận lại trái phiếu. Kỳ hạn của trái phiếu chính phủ thường rất đa dạng, có thể từ 1 - 30 năm. Đối với trái phiếu DN, kỳ hạn thường là dài hạn do mục đích của phát hành là để tài trợ cho dự án đầu tư và các DN thường cố tiết kiệm chi phí bằng cách phát hành các loại trái phiếu càng dài càng tốt. Kỳ hạn của mỗi trái phiếu trong một đợt phát hành có thể khác nhau do phương thức phát hành và việc tổ chức phát hành mua lại trái phiếu trước hạn theo điều khoản bán.
Khế ước
Khế ước là bản giao kèo mang tính pháp lý giữa công ty phát hành trái phiếu và người được uỷ quyền về trái phiếu (ngân hàng tín thác, người đại diện sở hữu trái phiếu), đại diện cho quyền lợi của trái chủ. Nó cung cấp những điều khoản về hợp đồng vay, bao gồm đặc điểm của trái phiếu, quyền của trái chủ, quyền của công ty phát hành và trách nhiệm của người được uỷ quyền. Tài liệu pháp lý này phần lớn để xác định những điều khoản bảo vệ trái chủ. Các điều khoản chung bao gồm: cấm bán chứng khoán phải thu; hạn chế chi trả cổ tức cổ phiếu thường; hạn chế việc mua bán tài sản cố định; hạn chế vay thêm.
Hạng mức tín nhiệm trái phiếu
John Moody bắt đầu xác định hạng mức tín nhiệm đối với trái phiếu lần đầu tiên vào năm 1909, kể từ đó, ba DN xác định hạng mức tín nhiệm trái phiếu là Moody's, Standard & Poor’s và Fitch Investor Sevices đã đưa ra các hạng mức tín nhiệm của trái phiếu công ty. Việc xác định hạng mức tín nhiệm liên quan đến đánh giá rủi ro trong tương lai của trái phiếu. Có một số nhân tố dường như đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hạng mức tín nhiệm. Hạng mức tín nhiệm trái phiếu chịu ảnh hưởng tích cực bởi: tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần; những hoạt động sinh lời; sự biến thiên ở mức thấp trong thu nhập quá khứ; quy mô công ty; việc ít sử dụng nợ thứ cấp.
Đến lượt nó, thứ hạng mà một trái phiếu nhận được lại ảnh hưởng đến tỷ lệ lợi tức yêu cầu của các NĐT đối với trái phiếu đó. Hạng trái phiếu càng thấp thì tỷ lệ lợi tức yêu cầu trên thị trường vốn càng phải cao. Do đó, đối với giám đốc tài chính, hạng trái phiếu là tối quan trọng. Chúng cung cấp tín hiệu rủi ro vỡ nợ ảnh hưởng đến tỷ lệ lợi tức mà DN phải chi trả bằng các quỹ đi vay.
Theo tiêu chuẩn S&P:
AAA: hạng cao nhất của S&P đối với trách nhiệm nợ, nói lên khả năng rất lớn trong việc trả gốc và lãi.
AA: Trái phiếu công ty hạng AA cũng được xem là có khả năng rất cao trong việc đáp ứng những trách nhiệm nợ. Trong phần lớn trường hợp, chúng khác hạng AAA ở độ rất nhỏ.
A: Trái phiếu có hạng A có khả năng lớn trong việc trả gốc và lãi, mặc dù chúng đôi khi bị ảnh hưởng không có lợi của những thay đổi về điều kiện kinh tế và tình trạng tài chính.
BBB: Trái phiếu hạng BBB được xem là có khả năng trả gốc và lãi. Trong khi chúng thường thể hiện những thông số đủ an toàn, thì trong điều kiện kinh tế xấu hoặc thay đổi, chúng có thể dẫn đến khả năng trả nợ gốc và lãi yếu kém so với trái phiếu có hạng A.
BB, B, CCC, CC: Những trái phiếu này được xem là rủi ro hơn hẳn, liên quan đến khả năng của người phát hành trong việc trả lãi và hoàn lại gốc đúng với các điều khoản của hợp đồng. BB chỉ mức độ rủi ro thấp nhất và CC là cao nhất. Trong những trái phiếu như thế cũng có một số đặc tính về chất lượng và an toàn, tuy nhiên chúng bị tác động mạnh bởi điều kiện không chắc chắn và bộc lộ rủi ro lớn trong những điều kiện không thuận lợi.
C: Hạng dành cho trái phiếu mà lãi không được trả và người ta đang xem xét vấn đề phá sản đối với tổ chức phát hành.
D: Trái phiếu hạng D là ở trong tình trạng vỡ nợ, việc thanh toán gốc và lãi là vấn đề tồn đọng.
Cộng (+) hoặc trừ (-) cho biết thêm chi tiết về chất lượng tín dụng. Hạng từ AA đến BB có thể được làm nhẹ đi nhờ việc thêm dấu (+) hoặc (-) để biểu đạt vị trí liên quan trong những hạng cơ bản.
Hạng trái phiếu hay định mức tín nhiệm là một thông tin quan trọng đối với các NĐT. Nó giúp họ đánh giá mức độ rủi ro của trái phiếu. Theo thông lệ, tài liệu xác định hạng mức tín nhiệm là một tài liệu bắt buộc trong hồ sơ xin phát hành của DN. Hiện nay, hạng của trái phiếu Việt Nam đang được xếp ở mức BB.
Phân loại trái phiếu
Thuật ngữ trái phiếu có thể định nghĩa như là nợ dài hạn. Nếu phân loại theo tính chất, trái phiếu có những loại như sau:
Giấy nhận nợ
Thuật ngữ giấy nhận nợ áp dụng cho những khoản nợ dài hạn không được đảm bảo bằng quyền xiết nợ đối với bất động sản thực tế. Thực chất, khoản nợ của trái phiếu giống như một món vay không thế chấp nên quyền yêu cầu về thu nhập và tài sản của trái chủ phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập và tài sản của tổ chức phát hành. Vì những trái phiếu này không được bảo đảm, nên khả năng thu nhập của công ty phát hành là mối quan tâm lớn của trái chủ. Do đó, những trái phiếu này cũng được xem là rủi ro hơn và đem lại cho NĐT khoản lợi tức cao hơn so với trái phiếu có bảo đảm.
Giấy nhận nợ thứ cấp
Nhiều công ty phát hành nhiều lần giấy nhận nợ trong khi các khoản nợ đã phát hành chưa đáo hạn. Trong trường hợp này, một sự phân cấp có thể được chỉ rõ, trong đó một số giấy nhận nợ nào đó được xếp vị trí thứ cấp khi tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán. Như vậy, giấy nhận nợ thứ cấp được thanh toán sau khi đã thanh toán xong các khoản nợ có bảo đảm và giấy nhận nợ sơ cấp.
Trái phiếu cầm cố
Trái phiếu cầm cố là loại trái phiếu được bảo đảm bởi quyền xiết nợ đối với bất động sản thực tế. Giá trị bất động sản bao giờ cũng phải lớn hơn tổng giá trị trái phiếu cầm cố được phát hành. Điều này cung cấp cho người nắm giữ trái phiếu cầm cố một mức độ an toàn trong trường hợp giá trị thị trường của tài sản đảm bảo bị suy giảm. Trong trường hợp tịch biên tài sản, đơn vị được uỷ thác có quyền bán tài sản đảm bảo và sử dụng khoản thu này để trả cho trái chủ. Trong trường hợp khoản thu này không đủ, trái chủ trở thành chủ nợ chung, giống như người nắm giữ giấy nhận nợ đối với phần nợ chưa trả.
Trái phiếu Zerocoupon
Đây là loại trái phiếu cho phép công ty phát hành không trả lãi hàng năm hoặc trả với một lượng rất nhỏ. Những trái phiếu này được bán với một lượng chiết khấu thực từ mệnh giá cùng với lãi suất bằng không hoặc rất thấp. NĐT nhận phần lớn lợi tức nhờ tăng giá trái phiếu.
Ví dụ, tháng 4/1983, Homestead Savings phát hành khoản nợ 60 triệu USD, đáo hạn vào năm 1995 với lãi suất bằng không. Những trái phiếu này được bán ở mức chiết khấu 75%, có nghĩa là NĐT chỉ phải trả 250USD cho một trái phiếu có mệnh giá 1.000 USD và giữ chúng cho đến khi đáo hạn vào năm 1995 sẽ nhận được khoản lợi tức hàng năm là 12,25% trên vốn đầu tư của họ. Toàn bộ khoản lợi tức này có được từ việc tăng giá trái phiếu.
Giống như bất cứ hình thức đầu tư nào, việc phát hành loại trái phiếu này có cả lợi thế và bất lợi. Xem xét từ phía công ty phát hành. Về mặt bất lợi, thứ nhất, Homestead Savings phải đối mặt với luồng tiền ra rất lớn khi trái phiếu đáo hạn, lớn hơn nhiều luồng tiền nhận được khi phát hành. Thứ hai, những trái phiếu chiết khấu không thể thu hồi lại và chỉ có thể được thanh toán khi đáo hạn. Vì vậy, lãi suất giảm, một công ty không thể kiếm lợi bằng việc yêu cầu những NĐT bán trái phiếu của họ lại cho công ty.
Lợi thế của loại trái phiếu này trước hết là luồng tiền ra hàng năm dưới dạng thanh toán lãi không xuất hiện đối với trái phiếu Zerocoupon hoặc là xuất hiện ở mức độ rất thấp đối với những trái phiếu có coupon rất thấp. Thứ nữa, vì nhu cầu của NĐT tương đối mạnh về loại giấy nhận nợ này nên giá cả có xu hướng tăng và tỷ lệ lợi tức của NĐT có khuynh hướng giảm. Điều đó có nghĩa là Homestead Savings có thể phát hành trái phiếu Zerocoupon ở khoảng thấp hơn một nửa so với trái phiếu Coupon dạng truyền thống. Cuối cùng, Homestead Savings có thể tính giảm trừ khoản thanh toán trả dần hàng năm của khoản chiết khấu từ thu nhập chịu thuế. Điều này mang lại luồng tiền dương hàng năm cho Homestead Savings.
Trái phiếu châu Âu (Eurobond)
Trái phiếu châu Âu là loại trái phiếu được phát hành ở một nước khác với nước mà đồng tiền của nó được sử dụng để làm đơn vị tính toán cho trái phiếu. Ví dụ, trái phiếu được một công ty Mỹ phát hành ở châu Âu hoặc châu Á và công ty trả lãi và gốc cho trái phiếu bằng đồng USD. Trái phiếu như thế được coi là trái phiếu châu Âu, kể cả khi trái phiếu đó không được phát hành ở châu Âu.
Thị trường trái phiếu châu Âu có từ những năm 1950 và 1960 khi đồng USD ngày càng trở nên phổ biến với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế chủ yếu. Sự hấp dẫn chính đối với người vay tiền trên thị trường trái phiếu châu Âu, ngoài lãi suất ưu đãi còn do ít chịu sự ràng buộc (trái phiếu châu Âu không cần đăng ký tại Uỷ ban Hối đoái và chứng khoán - SEC), ít chịu điều tiết bởi những yêu cầu công khai và ngặt nghèo so với trái phiếu đăng ký tại SEC. Điều thú vị là trái phiếu châu Âu không những không phải đăng ký tại SEC, mà nó cũng không được bán cho các công dân Mỹ và những người định cư ở Mỹ trong lần phân phối ban đầu.
Trái phiếu mạo hiểm
Trái phiếu mạo hiểm hoặc trái phiếu bị đánh giá thấp là trái phiếu được đánh giá ở mức BB hoặc thấp hơn. Thuật ngữ này mô tả trái phiếu được phát hành bởi những "thiên thần thất bại". Điều này ám chỉ những công ty có danh tiếng, có lịch sử tài chính vững chắc, nhưng gần đây có những vấn đề nghiêm trọng về tài chính và uy tín bị đánh giá thấp.
Ngày nay, trái phiếu mạo hiểm dùng để chỉ bất kỳ một loại trái phiếu nào bị đánh giá thấp. Cung cấp loại trái phiếu này chủ yếu là những công ty mới, chưa có thành công nổi bật. Tuy nhiên, trái phiếu mạo hiểm cũng được các công ty tốt phát hành để đầu tư vào những lĩnh vực mạo hiểm. Đầu năm 1970, những công ty mới này không thể tiếp cận thị trường vốn vì không được các nhà đầu tư chấp nhận. Tuy nhiên, khoảng cuối những năm 1980, trái phiếu mạo hiểm đã chiếm từ 10 đến 20% tổng số trái phiếu do các công ty Mỹ phát hành. Do nền kinh tế phát triển chậm lại những năm 1980 và đầu những năm 1990, trái phiếu mạo hiểm ít được phát hành thường xuyên hơn, đặc biệt là sau sự phá sản của các công ty Drexel, Burnham, Lambert và sự nhận thấy việc sử dụng đòn bẩy cao là nguy hiểm đối với nhà phát hành.
Tuy vậy, vào năm 1993, lượng trái phiếu mạo hiểm đã phát hành vượt quá 68 tỷ USD, lớn hơn tổng số được phát hành từ năm 1982 đến cuối năm 1986. Ngược hẳn với quan điểm chung, trái phiếu rủi ro hay chứng khoán lợi tức cao tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với tài chính doanh nghiệp, vì chúng cho phép các công ty bị giới hạn bởi các công cụ huy động vốn, có điều kiện thâm nhập vào thị trường vốn.
Có ý kiến cho rằng, trái phiếu mạo hiểm khác biệt hoàn toàn so với các loại chứng khoán khác, nhưng thực ra không phải như vậy. Đây là loại trái phiếu có tính rủi ro rất cao và do đó hứa hẹn khoản lợi tức dự tính cao. Điều này phản ánh mối quan hệ giữa lợi tức và rủi ro hay sự cân bằng về lợi tức - nhà đầu tư sẽ không chịu rủi ro tăng thêm trừ khi họ hy vọng được bù đắp bằng lợi tức tăng thêm.
Một cách thức phân loại khác của trái phiếu là theo phương thức trả gốc và lãi. Theo đó, có các loại sau:
- Trái phiếu coupon: Là loại trái phiếu mà tiền lãi được thanh toán đều đặn theo kỳ, còn tiền gốc thanh toán tại ngày đáo hạn. Ở Mỹ, coupon thường được thanh toán hai lần trong năm.
- Trái phiếu chiết khấu: Là loại trái phiếu mà tiền lãi thanh toán trước, tiền gốc thanh toán gọn tại ngày đáo hạn.
- Trái phiếu hoàn trả theo niên kim cố định: Tiền lãi và gốc của trái phiếu được hoàn trả bằng những khoản đều đặn hàng năm.
- Consol: Trái phiếu được hoàn trả tiền lãi đều đặn theo kỳ, còn tiền gốc không trả.
- Trái phiếu mà tiền lãi và gốc được thanh toán một lần khi đáo hạn: Công trái của Việt Nam phát hành vào tháng 6/1999 là loại trái phiếu này.
Sự định giá - hiểu biết quá trình định giá
Giá trị thực hay giá trị kinh tế của một tài sản là giá trị hiện tại của những luồng tiền trong tương lai dự tính thu được từ tài sản đó, được chiết khấu về thời điểm hiện tại với tỷ lệ lợi tức yêu cầu thích hợp của NĐT. Giá trị này là lượng tiền mà NĐT xem xét là cân bằng trong điều kiện cho trước về số lượng, thời điểm, mức độ rủi ro của những luồng tiền trong tương tai.
Mục đích của NĐT là xác định giá trị kinh tế hay giá trị thực của một tài sản, được xác định tương đương với giá trị hiện tại của những luồng tiền trong tương lai dự tính thu được từ tài sản đó. Những luồng tiền tương lai này được chiết khấu trở lại hiện tại bằng việc sử dụng tỷ lệ lợi tức yêu cầu của NĐT. Quan điểm này đúng cho việc định giá tất cả tài sản và nó là cơ sở cho việc xác định giá chứng khoán. Theo đó, giá trị bị tác động bởi 3 nhân tố:
- Độ lớn và thời điểm của những luồng tiền dự tính trong tương lai của tài sản. Với trái phiếu, độ lớn và thời điểm của luồng thu nhập phụ thuộc mệnh giá, lãi suất danh nghĩa, phương thức trả gốc và lãi, kỳ hạn hay số năm còn lại của trái phiếu;
- Mức độ rủi ro của luồng tiền, hay độ không chắc chắn của luồng thu nhập;
- Tỷ lệ lợi tức yêu cầu của NĐT đối với việc thực hiện đầu tư. Tỷ lệ lợi tức này phụ thuộc vào mức độ rủi ro, vào ý muốn chủ quan của mỗi NĐT. Tỷ lệ này biểu hiện thái độ của NĐT trong việc dự đoán rủi ro và nhận biết rủi ro của tài sản.
Có thể nói, hai nhân tố đầu thuộc về đặc điểm của tài sản. Nhân tố thứ ba, tỷ lệ lợi tức yêu cầu là tỷ lệ lợi tức tối thiểu cần thiết để thu hút NĐT mua hoặc giữ chứng khoán. Tỷ lệ này phải cao để bù đắp cho NĐT, vì rủi ro chứa đựng trong những luồng tiền tương lai của tài sản, nên đây là tỷ lệ lợi tức cân bằng với rủi ro.
Về mặt lý thuyết, mỗi NĐT có thể yêu cầu một tỷ lệ lợi tức khác nhau đối với mỗi loại chứng khoán cụ thể. Tuy nhiên, giám đốc tài chính chỉ quan tâm đến tỷ lệ lợi tức yêu cầu được biểu hiện bằng giá cả thị trường của chứng khoán công ty. Nói cách khác, sự nhất trí của các NĐT về một tỷ lệ lợi tức dự tính được phản ánh trong giá cả thị trường hiện tại của trái phiếu. Đối với tổ chức phát hành, việc xác định tỷ lệ lợi tức yêu cầu có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định và thực thi chính sách quản trị vốn, chính sách đầu tư, bởi tỷ lệ này là thông số quan trọng trong việc xác định lãi suất danh nghĩa khi công ty phát hành trái phiếu mới, đồng thời cũng là cơ sở xác định chi phí vốn đối với tổ chức phát hành. Đối với NĐT, việc xác định đúng tỷ lệ lợi tức yêu cầu không chỉ giúp họ xác định đúng giá trị chứng khoán mà còn giúp họ hoạch định và thực thi chính sách quản lý danh mục đầu tư. Đối với Chính phủ, tỷ lệ lợi tức yêu cầu là thông số quan trọng trong hoạch định và thực thi chính sách tài chính tiền tệ.
Mô hình định giá cơ bản có thể định nghĩa về mặt toán học như sau:
Trong đó: Ct: Luồng tiền dự tính nhận được tại thời điểm t PV: Giá trị thực hay giá trị hiện tại của mỗi tài sản tạo ra những luồng tiền tương lai dự tính C từ năm thứ nhất đến năm thứ n. k: Tỷ lệ lợi tức yêu cầu của NĐT n: Số năm mà luồng tiền xuất hiện.
Định giá trái phiếu
Việc định giá trái phiếu cần xác định ba nhân tố cơ bản: thứ nhất là độ lớn và thời điểm của những luồng tiền mà NĐT sẽ nhận được; thứ hai, ngày đáo hạn của trái phiếu; thứ ba, tỷ lệ lợi tức yêu cầu của NĐT. Độ lớn và thời điểm của những luồng tiền được xác định bởi mệnh giá, lãi suất danh nghĩa, phương thức trả gốc và lãi cũng như kỳ hạn (số năm còn lại) của trái phiếu. Với những nhân tố này, có thể tính được giá trị trái phiếu hay giá trị hiện tại của những luồng tiền tương lai của trái phiếu. Ví dụ: xem xét một trái phiếu mệnh giá 1.000 USD do Alaska Airlines phát hành năm 1997 với ngày đáo hạn vào năm 2026 và lãi suất coupon là 6,875%/năm. Vào năm 2007, tức là tính đến thời hạn đáo hạn còn 20 năm nữa, những NĐT đang nắm giữ trái phiếu yêu cầu một tỷ lệ lợi tức 7,5%/năm. Ta có thể tính toán giá trị của trái phiếu bằng việc sử dụng quy trình định giá qua 3 bước sau: Bước 1: ước lượng độ lớn và thời điểm của những luồng tiền dự tính trong tương lai. Có hai luồng tiền trái chủ nhận được là: + Những khoản thanh toán hàng năm bằng lãi suất coupon nhân với mệnh giá. Trong ví dụ này, khoản thanh toán lãi tương đương 0,06875x1.000 USD = 68,75 USD. Giả sử năm 2006 khoản thanh toán lãi đã được thực hiện, trái chủ sẽ nhận được những luồng tiền này trong mỗi năm của 20 năm trước khi trái phiếu đáo hạn (từ năm 2007 đến năm 2026 là 20 năm). + Mệnh giá của trái phiếu là 1.000 USD sẽ nhận được vào năm 2026. Có thể tổng kết những luồng tiền trái chủ nhận được như sau: (Xem bảng) Bước 2: xác định tỷ lệ lợi tức yêu cầu của NĐT bằng việc đánh giá độ rủi ro của luồng tiền tương lai của trái phiếu. Tỷ lệ lợi tức yêu cầu của NĐT là 7,5%/năm được cho trước. Bước 3: tính giá trị thực của trái phiếu là giá trị hiện tại của những khoản thanh toán lãi dự tính trong tương lai và gốc được chiết khấu tại tỷ lệ lợi tức yêu của của NĐT. Theo công thức, ta tính được giá trị hiện tại của trái phiếu Alaska Airlines 936,28 USD là mức giá cao nhất NĐT bằng lòng mua và giá thấp nhất NĐT bằng lòng bán để có được mức lợi tức tối thiểu là 7,5%/năm.
Năm quan hệ quan trọng trong định giá trái phiếu
Quan hệ thứ nhất: giá trị của trái phiếu có quan hệ ngược với sự thay đổi của tỷ lệ lợi tức yêu cầu của NĐT. Nói cách khác, khi lãi suất tăng (hoặc giảm), thì giá trị của trái phiếu giảm (hoặc tăng). Những thay đổi trong giá trái phiếu thể hiện một yếu tố không chắc chắn đối với NĐT trái phiếu. Nếu lãi suất hiện hành (tỷ lệ lợi tức yêu cầu) thay đổi, giá cả của trái phiếu sẽ dao động. Một sự tăng lên của lãi suất sẽ làm cho trái chủ phải chịu một khoản lỗ về giá trị thị trường. Vì lãi suất tương lai và giá trị cuối cùng của trái phiếu không thể đoán trước chắc chắn, nên NĐT trái phiếu phải chịu rủi ro của sự thay đổi giá trị khi lãi suất thay đổi. Rủi ro này gọi là rủi ro lãi suất. Quan hệ thứ hai: giá trị thị trường của mỗi trái phiếu sẽ thấp hơn mệnh giá nếu tỷ lệ lợi tức yêu cầu của NĐT cao hơn lãi suất coupon và giá sẽ cao hơn mệnh giá nếu tỷ lệ lợi tức của NĐT nhỏ hơn lãi suất coupon. Quan hệ thứ ba: khi ngày đáo hạn đến gần, giá thị trường của trái phiếu cũng tiến đến gần mệnh giá. Từ đó, có thể rút ra kết luận: - Trái phiếu thưởng là trái phiếu bán cao hơn mệnh giá. Giá của nó sẽ giảm theo thời gian và bằng đúng mệnh giá tại ngày đáo hạn; - Trái phiếu chiết khấu có giá bán thấp hơn mệnh giá. Giá trái phiếu chiết khấu tăng dần theo thời gian và bằng đúng mệnh giá tại ngày đáo hạn. Quan hệ thứ tư: trái phiếu dài hạn có rủi ro lãi suất lớn hơn so với trái phiếu ngắn hạn. Quan hệ thứ năm: tính nhạy cảm của giá trị trái phiếu đối với sự thay đổi lãi suất phụ thuộc không chỉ vào độ dài thời gian cho đến khi đáo hạn, mà còn phụ thuộc vào phương thức trả gốc và lãi.