Trong 600 tỷ đồng trái phiếu NHCSXH gọi thầu phiên 12/5 (kỳ hạn 3 năm và 5 năm), chỉ có 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm trúng thầu. Tỷ lệ trúng thầu đạt mức thấp, khoảng 33%, nhưng vẫn cao hơn so với phiên đấu thầu không thành công trong tuần từ 5 - 9/5.
Chúng tôi nhận thấy rằng, lãi suất trúng thầu là lãi suất thấp nhất trong vùng lãi suất đặt thầu, ở mức 7,6% từ cuối tháng 4. Điều này cho thấy, NHCSXH vẫn có thể huy động thành công ở mức lãi suất thấp nhất này. Tuy nhiên, lực cầu dường như không mấy thỏa mãn với mặt bằng lợi suất này, thể hiện qua tỷ lệ dự thầu giảm dần, từ mức 1,6 lần ngày 22/4, xuống 0,8 lần ngày 5/5 và 0,3 lần vào phiên ngày 12/5.
Phiên đấu thầu ngày 13/5, KBNN tiếp tục gọi thầu 8.000 tỷ đồng. Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm gọi thầu 3.000 tỷ đồng mỗi loại, trái phiếu kỳ hạn 2 năm gọi thầu 2.000 tỷ đồng. Tổng khối lượng trúng thầu đạt 2.200 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 27,5%, giảm mạnh từ phiên đấu thầu trước là 81%.
Điều này cho thấy, nhà đầu tư vẫn đang yêu cầu một mức lợi suất cao hơn. Mặt bằng lãi suất trúng thầu vẫn ở mức khá ổn định, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 2 năm và 3 năm đạt 5,58% và 6,07%. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm giảm 1 điểm cơ bản xuống còn 7,10%. Tỷ lệ dự thầu đạt 1,1 lần, giảm so với phiên đấu thầu cuối tuần trước là 1,65 lần.
Trên thị trường thứ cấp, từ ngày 12 đến 14/5, tổng giá trị giao dịch đạt 9.897 tỷ đồng, trung bình phiên đạt 3.299 tỷ đồng, tăng đến 97% so với tuần trước. Trong đó, giá trị giao dịch outright chiếm 60% (5.948 tỷ đồng) với kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất là 2 năm và 3 năm. Giá trị giao dịch repo chiếm khoảng 40% (3.948 tỷ đồng), kỳ hạn dao động từ 14 đến 180 ngày. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường thứ cấp. Tính từ 12 - 14/5, khối ngoại bán ròng khoảng 760 tỷ đồng.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tại các kỳ hạn ngắn tăng lên trong khi giữ ổn định ở các kỳ hạn khác. Theo quan sát của chúng tôi, lợi suất trái phiếu các kỳ hạn 1 năm, 2 năm và 3 năm tăng lần lượt 14, 18 và 10 điểm cơ bản, lên mức 4,98%, 5,80% và 6,21%. Lợi suất trung hạn 5 năm tăng nhẹ 2 điểm cơ bản lên 7,15%. Lợi suất kỳ hạn 7 năm, 10 năm và 15 năm giữ nguyên ở mức 8,17%, 8,72% và 8,93% tương ứng.
Nhìn chung, nhà đầu tư đang yêu cầu lợi suất cao hơn trên thị trường trái phiếu. Điều này thể hiện qua tỷ lệ chào thầu thành công của trái phiếu KBNN đang giảm đi, lợi suất trái phiếu và khối lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp đang tăng lên.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 dự kiến sẽ tăng nhẹ so với tháng 4 do giá thực phẩm và cước vận tải cao hơn. Chỉ số CPI tháng 4 tăng 0,08% so với tháng 3, đây là mức tăng thấp nhất trong 10 tháng qua, nhưng là mức tăng cao nhất của tháng 4 trong ba năm gần đây. Chỉ số CPI cao hơn sẽ đẩy lãi suất thị trường lên cao hơn.
Sau khi giảm khá nhiều vào cuối tuần trước, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn đã tăng trở lại từ đầu tuần này. Hôm qua (15/5), lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và một tuần niêm yết ở mức 3,200% và 3,400%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với thứ Sáu tuần trước. Lãi suất kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng cũng lần lượt tăng 80 và 45 điểm cơ bản, lên 2,850% và 3,225%.
Diễn biến căng thẳng trên biển Đông đã hâm nóng thị trường ngoại hối từ cuối tuần trước. Hôm qua, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng thêm 5 - 15 đồng, giao dịch trong khoảng 21.060 – 21.090 VND/USD cho giá mua, và 21.120 – 21.135 VND/USD cho giá bán. Trong cùng ngày, tỷ giá tự do tăng mạnh 30 - 40 đồng, giao dịch ở mức 21.140 - 21.180 VND/USD.
Trên thị trường vàng, giá vàng trong nước đang sốt trở lại. Sáng qua, vàng SJC giao dịch ở mức 36,30 - 36,72 triệu/lượng, mức cao nhất trong 2 tháng qua. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng nới rộng lên 3,09 triệu/lượng. Đây là mức chênh lệch cao nhất tính từ thời điểm trước Tết.