Trái phiếu toàn cầu đột ngột tăng giá mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái phiếu chính phủ trên khắp thế giới đã đột ngột tăng giá mạnh trong cơn sốt tìm nơi trú ẩn an toàn khi các nhà đầu tư đặt cược rằng sự sụp đổ của 3 ngân hàng của Mỹ sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách phải giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Trái phiếu toàn cầu đột ngột tăng giá mạnh

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm nhạy cảm nhất với những thay đổi trong chính sách đã có đợt giảm mạnh trong hai ngày lớn nhất kể từ năm 1987, trong khi lãi suất tương đương của Đức đang trên có mức giảm kỷ lục vào thứ Hai (13/3).

George Saravelos, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank cho biết: “Cả tốc độ và lãi suất cao nhất của chu kỳ tăng lãi suất của Fed sẽ giảm xuống. Ngưỡng để Fed tăng tốc thắt chặt trở lại là cao hơn đáng kể”.

Thị trường tiền tệ đang kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đã hoàn thành xong chu kỳ tăng lãi suất này. Các trader hiện đang định giá Fed chỉ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản cho tới tháng 6, so với kỳ vọng tăng tới 110 điểm cơ bản gần đây vào thứ Năm (9/3). Bức tranh cũng thay đổi ở châu Âu với mức lãi suất cao nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được kỳ vọng ở mức dưới 3,5% so với 4,2% vào tuần trước.

Đây là sự thay đổi đột ngột mới nhất trong quỹ đạo lãi suất trong những tháng gần đây đối với các đợt tăng lãi suất tiếp theo, do thị trường đang tính đến rủi ro lây lan của các ngân hàng bên cạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế và giá cả. Một số nhà phân tích cảnh báo triển vọng có thể thay đổi trở lại nếu dữ liệu lạm phát tháng 2 của Mỹ được công bố vào thứ Ba (14/3) vượt quá kỳ vọng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm của Mỹ giảm tới 43 điểm cơ bản xuống 4,15% vào thứ Hai (13/3) sau khi tăng vọt lên trên 5% vào tuần trước khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương có khả năng nâng lãi suất cao hơn và có khả năng nhanh hơn so với dự đoán trước đó do lạm phát cao kéo dài.

Quan điểm này có thể thay đổi sau sự sụp đổ của ba ngân hàng trong những ngày gần đây, đặc biệt là Silicon Valley Bank (SVB) đã làm nổi bật tác động của lãi suất cao hơn.

Kenta Inoue, chiến lược gia trái phiếu cao cấp tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Co. cho biết: “Việc lựa chọn tăng 50 điểm cơ bản trở nên khá khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách. Sự sụp đổ của SVB đã làm tăng khả năng kết thúc đợt tăng lãi suất của Fed bây giờ không còn quá xa”.

Tác động từ sự sụp đổ của các ngân hàng cũng gây ra những làn sóng chấn động trên khắp thế giới. Trong ngày 13/3, lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm của Đức giảm tới 51 điểm cơ bản, vượt qua mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản giảm xuống 0,315%, mức thấp nhất kể từ khi ngân hàng trung ương của quốc gia này bất ngờ tăng gấp đôi mức trần lợi suất vào ngày 20/12 .

Thị trường hiện đang theo dõi các phản hồi tiếp theo từ các nhà hoạch định chính sách. Sau sự sụp đổ của SVB, Fed đã thiết lập một cơ sở khẩn cấp mới để cho phép các ngân hàng cầm cố một loạt tài sản chất lượng cao lấy tiền mặt trong thời hạn một năm. Các cơ quan quản lý cũng cam kết bảo vệ đầy đủ ngay cả những người gửi tiền không được bảo hiểm.

Tuy nhiên, những lo ngại đang gia tăng rằng sự sụp đổ của ba ngân hàng có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

“Rõ ràng là có rủi ro rằng sự sụp đổ của SVB có thể là “con chim hoàng yến trong mỏ than”. Sự sụp đổ vĩ mô của SVB đối với lĩnh vực công nghệ và các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng nói chung sẽ ảnh hưởng đến tâm lý rủi ro và kỳ vọng tăng trưởng dài hạn”, các chiến lược gia của TD Securities cho biết.

Sự sụp đổ của SVB đã đánh dấu sự sụp đổ ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và lớn thứ hai từ trước đến nay. Hôm thứ Hai (13/3), HSBC đã công bố một thỏa thuận mua lại chi nhánh ngân hàng SVB tại Anh với giá 1 bảng Anh sau các cuộc đàm phán thâu đêm.

Tin bài liên quan