Trái phiếu nội địa phát hành quốc tế

Sau thành công của EVN trong năm ngoái khi các đợt phát hành trái phiếu nội địa thu hút được các nhà đầu tư quốc tế tham gia, năm nay, các doanh nghiệp lớn trong nước cũng bắt đầu theo hướng đi này để tìm các nguồn vốn quốc tế ngay tại thị trường trong nước.
Sau thành công của EVN trong năm ngoái khi các đợt phát hành trái phiếu nội địa thu hút được các nhà đầu tư quốc tế tham gia, năm nay, các doanh nghiệp lớn trong nước cũng bắt đầu theo hướng đi này để tìm các nguồn vốn quốc tế ngay tại thị trường trong nước. Đầu tuần này, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã chính thức công bố đợt phát hành trái phiếu với giá trị kỷ lục đối với một doanh nghiệp ra thị trường - 3.000 tỷ đồng.

Đợt phát hành trái phiếu này của Vinashin có sự tham gia tư vấn của một gương mặt quen thuộc nước ngoài là Deutsche Bank (Đức), ngoài ra còn có hai định chế tài chính Việt Nam cùng tham gia tư vấn và làm đại lý lưu ký và thanh toán là Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy và Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank Securities).


Trước đây, số lượng doanh nghiệp lớn trong nước phát hành trái phiếu là tương đối khiêm tốn, trái phiếu phát hành ra cũng chủ yếu do các ngân hàng trong nước, các công ty bảo hiểm là người mua chủ yếu và không thu hút được các ngân hàng, quỹ đầu tư nước ngoài. Một trong những nguyên nhân là thị trường trái phiếu Việt Nam chưa thực sự phát triển, việc xây dựng khối lượng, lãi suất, thời hạn... của các loại trái phiếu chưa thực sự hợp lý.


Nhưng vấn đề này đã được thay đổi trong năm ngoái, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam với sự tư vấn của Deutsche Bank và Vina Capital phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu, thu hút được rất đông các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu thầu. Kết quả là chỉ trong 1 giờ, lượng đặt mua đã gấp 3 lần khối lượng phát hành và có tới 75% tổng khối lượng phát hành được các tổ chức nước ngoài mua vào. Đợt phát hành này cũng được Asian Money trao giải thưởng “Trái phiếu công ty bản tệ tốt nhất Châu Á” vào tháng 1/2007.

Đối với Vinashin, với nhu cầu vốn rất lớn cho ngành công nghiệp đóng tàu đang phát triển, thì việc phát hành các đợt trái phiếu như thế này sẽ giúp Vinashin huy động vốn tốt hơn rất nhiều, bên cạnh các nguồn vốn đi vay khác. Bản thân Vinashin cũng là doanh nghiệp duy nhất nhận 750 triệu USD từ nguồn phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế lần thứ nhất để đầu tư phát triển.


Theo lãnh đạo của Vinashin, trong thời gian tới doanh nghiệp này sẽ phát hành nhiều đợt trái phiếu khác để huy động vốn cho các dự án của mình. Việc tham gia của những tổ chức tư vấn có kinh nghiệm sẽ giúp các đợt phát hành thành công hơn.