Phần lớn trong số 315 người tham gia khảo sát cho biết Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sẽ kết thúc chính sách bất thường về lãi suất âm trong nửa đầu năm 2024. Động thái này sẽ chấm dứt một thử nghiệm táo bạo mà nước này đã thực hiện vào năm 2016 và đã đặt Nhật Bản vào thế bất hòa với các ngân hàng trung ương lớn khác đang thắt chặt mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát kể từ năm ngoái.
Vấn đề được thị trường quan tâm là những gì BOJ sẽ làm, khi nào BOJ sẽ thực hiện và gây tiếng vang trên thị trường thế giới như thế nào. Theo những người tham gia khảo sát, trái phiếu Kho bạc Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đó là do lợi suất cao hơn ở Nhật Bản sẽ khuyến khích các nhà đầu tư Nhật Bản chuyển vốn về nước vì Nhật Bản nắm giữ lượng lớn nợ bao gồm các khoản nợ của Mỹ, châu Âu và Úc.
Martin Whetton, người đứng đầu chiến lược thị trường tài chính tại Westpac Banking Corp. cho biết: “Sự thay đổi trong chính sách của BOJ có thể làm chậm quá trình xuất khẩu vốn từ Nhật Bản do lợi suất ở thị trường địa phương trở nên hấp dẫn hơn so với trước đây”.
Trong khi đó, 37% người tham gia khảo sát cho biết trái phiếu Kho bạc Mỹ sẽ phải đối mặt với tác động nghiêm trọng nhất từ việc Thống đốc BOJ Kazuo Ueda rời bỏ chính sách tiền tệ siêu kích thích. Sự sụt giảm của đồng đô la có thể làm tăng thêm tình trạng khó khăn đối với trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Các nhà quản lý danh mục đầu tư và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của BOJ, chính sách lãi suất âm và đường cong lợi suất kiểm soát nền tảng trong chính sách chống lại tình trạng trì trệ giá cả. BOJ cũng từng làm rung chuyển thị trường toàn cầu khi tăng trần lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vào cuối năm 2022 và một lần nữa vào cuối tháng 7, đẩy lãi suất trái phiếu lên cao.
Eugene Leow, chiến lược gia lãi suất cao cấp tại DBS Bank cho biết: “Một số hình thức bình thường hóa có lẽ là cần thiết. Điều này có thể đồng nghĩa với áp lực tăng lên đối với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 đến 10 năm của các thị trường phát triển khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng cao”.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, các nhà đầu tư Nhật Bản là những nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất, với hơn 1.100 tỷ USD tính đến cuối tháng 8.
Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã bán ròng 196 tỷ Yên (1,3 tỷ USD) trái phiếu nước ngoài trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9, sau mức kỷ lục 8 nghìn tỷ Yên trong 6 tháng trước đó.
Khảo sát của MLIV Pulse cho thấy, 61% số người tham gia khảo sát kỳ vọng biến động thị trường trái phiếu toàn cầu sẽ gia tăng khi BOJ thay đổi chính sách, với phần lớn dự đoán động thái lịch sử này sẽ xảy ra vào năm tới.
Ayako Sera, chiến lược gia thị trường tại Sumitomo Mitsui Trust Bank cho biết: “Thị trường có thể sẽ rất bồn chồn cho đến khi các nhà giao dịch và nhà đầu tư quen với một thế giới có lợi suất dương”.
Sự kết hợp giữa chính sách thắt chặt mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang và đợt bán trái phiếu tràn lan của chính phủ Mỹ đã gây ra những tổn thất lịch sử, đặc biệt là đối với các khoản nợ dài hạn.
Lợi suất trái phiếu 10 năm của Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi kể từ cuối tháng 7 sau khi BOJ tăng trần lãi suất. Tuy nhiên, ở mức 0,835%, chúng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 4,91% của trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm.
Khoảng cách lợi suất này ngày càng gia tăng đã khiến đồng yên trở thành đồng tiền yếu nhất trong số các tiền tệ thuộc G10 từ đầu năm đến nay. Đồng yên đã mất giá hơn 12% so với đồng bạc xanh trong năm nay, kết thúc tuần trước ở mức 149,86 mỗi đô la.