Trái phiếu doanh nghiệp: Từ cú sẩy chân của doanh nghiệp đến giọt nước mắt nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Bom nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát nổ là sự cố chấn động nhất của thị trường tài chính Việt Nam năm 2022, kéo theo sự sụp đổ niềm tin của nhà đầu tư. Làm thế nào để khôi phục lại thị trường trái phiếu sẽ là câu chuyện nóng nhất năm 2023.
Áp lực đáo hạn thời gian tới vẫn rất lớn, nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn

Áp lực đáo hạn thời gian tới vẫn rất lớn, nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn

“Đại gia” bán mình trả nợ, cá nhân “sụp hố” đầu tư

Năm 2022, thị trường chứng kiến nhiều “đại gia” bất động sản phải “bán mình” trả nợ trái phiếu. Dẫu vậy, đến cuối năm, số doanh nghiệp không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn, tìm cách giãn, hoãn với trái chủ vẫn tăng. Chỉ tính riêng số doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi trái phiếu cho trái chủ trong quý IV/2022, danh sách đã ngày càng dài, như Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bình Định, Công ty cổ phần Trung Nam, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH Đức Việt…

Từ sự cố Tân Hoàng Minh, quả bom trái phiếu loang rộng, đạt đỉnh điểm khủng hoảng khi sự cố Vạn Thịnh Phát xảy ra. Người dân ùn ùn đi bán tháo trái phiếu bằng mọi giá, bất chấp doanh nghiệp phát hành khỏe hay yếu. Làn sóng bán tháo chạy khỏi trái phiếu (bond run) đã lan sang các quỹ trái phiếu (fund run), đẩy nhiều quỹ đầu tư trước nguy cơ mất thanh khoản tạm thời, hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, tính đến giữa tháng 12/2022, phát hành TPDN giảm tới gần 62% so với cùng kỳ năm 2021. Phát hành trái phiếu gần như đóng băng trong nửa cuối năm 2022.

Điều đặc biệt nhất, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu, năm 2022, là thị trường TPDN chứng kiến sự bất thường khi lượng TPDN mua lại trước hạn trong gần 12 tháng lên tới 200.000 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021. Phát hành thành công thấp, mua lại trước hạn cao, nhiều doanh nghiệp đã “âm” huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Trong khi đó, những năm qua, TPDN đã trở thành nguồn vốn chính của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Đến cuối tháng 11/2022, quy mô thị trường vốn bằng gần 105% GDP năm 2021, trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu mới đạt tương đương 64% GDP. Sau tín dụng ngân hàng, TPDN trở thành kênh huy động vốn trọng yếu của doanh nghiệp.

Hiện nay, có trên 280 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn trung, dài hạn. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho hay, năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 215.000 tỷ đồng TPDN và 50.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2022. Lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản 2 năm tới cũng rất lớn (khoảng 115.000 tỷ đồng/năm), chưa tính tiền lãi. Có thể thấy, TPDN đã trở thành kênh cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản, song cũng đặt doanh nghiệp trước nhiều rủi ro.

Thị trường TPDN gặp khủng hoảng, doanh nghiệp ngấm đòn, song các nhà đầu tư cá nhân cũng bị ảnh hưởng không kém. Theo thống kê của Bộ Tài chính, trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ chưa đến 10% trái phiếu riêng lẻ (70% là ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ). Song trên thị trường sơ cấp, 30-40% lượng TPDN lại nằm trong tay cá nhân. Đây cũng là lý do khiến hàng ngàn gia đình trở thành nạn nhân của “bom” trái phiếu năm nay.

“Năm nay, gia đình tôi đón năm mới thật buồn, toàn bộ số tiền xương máu tích cóp được mấy chục năm qua có nguy cơ biến thành giấy vụn. Mấy tháng nay, chồng tôi bỏ công, bỏ việc chạy đôn chạy đáo khắp nơi cầu cứu mà vẫn chưa biết bao giờ mới đòi lại được”, cầm hợp đồng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, chị Phan Thu Hiền, hiện là giáo viên một trường THPT tư thục ở Hà Nội chia sẻ.

Cũng giống như chị Hiền, hàng ngàn gia đình đã trót mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, An Đông, VKC Holdings và hàng loạt tập đoàn chậm trả nợ trái phiếu đúng hạn khác đang mất ăn mất ngủ.

Sóng tạm êm, biển chưa thể lặng

Sau cú sốc Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, làn sóng bán tháo trái phiếu đã chững lại, thanh khoản thị trường dịu bớt. Mặc dù vậy, áp lực đáo hạn thời gian tới vẫn rất lớn, đồng nghĩa thị trường TPDN năm 2023 sẽ còn tiếp tục khó khăn.

Theo TS. Cấn Văn Lực, lượng TPDN đáo hạn trong 3 năm tới (2023-2025) lên tới 700.000 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi. Nếu đổ vỡ xảy ra, hệ lụy sẽ rất phức tạp, vì mối liên thông ngân hàng - chứng khoán - bất động sản là khá lớn. Hiện nay, các ngân hàng không chỉ đầu tư vào TPDN khá lớn (khoảng 284.000 tỷ đồng), mà còn cho vay bất động sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng, chưa kể bất động sản chiếm tới 65% tài sản đảm bảo của ngân hàng. Điều này có nghĩa, khi thị trường bất động sản và trái phiếu đổ vỡ, ngân hàng cũng không tránh khỏi hệ lụy.

Hiện nay, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý kêu gọi doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn vốn huy động để đảo nợ trái phiếu. Song trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm nguồn vốn mới không đơn giản khi niềm tin suy giảm, tín dụng bị kiểm soát chặt, thị trường chứng khoán không mấy sôi động. Việc bán tài sản bất động sản của doanh nghiệp cũng không dễ dàng khi giá giảm tới 30-40%. Ngay cả doanh nghiệp tốt cũng phải lao đao tìm vốn.

Điểm sáng của thị trường lúc này là Dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có nhiều quy định tích cực, trong đó có đề xuất cho phép doanh nghiệp phát hành được gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm, một số quy định khác cũng được tạm “hoãn” 1 năm thực hiện.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, dự thảo này, nếu được ban hành, sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành có thêm 2 năm để xoay xở nguồn tiền đảo nợ, bán tài sản, tái cơ cấu nợ. Theo đó, các doanh nghiệp đến hạn thanh toán trái phiếu trong 2 năm đỉnh nợ (2023-2024), nhưng đang gặp khó khăn về thanh toán có thể đàm phán với nhà đầu tư để gia hạn sang năm 2025-2026. Mặc dù chưa thể giải quyết ngay các khó khăn trên thị trường, song các quy định trên sẽ giúp nhà đầu tư bớt lo lắng, tháo chạy khỏi trái phiếu, cải thiện thanh khoản thị trường.

Dù vậy, đây vẫn chỉ là giải pháp gỡ khó ngắn hạn về thanh khoản. Để thị trường phát triển mạnh mẽ trở lại, vẫn cần thêm các giải pháp giải quyết tận gốc, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Kỳ vọng vào các giải pháp “tận gốc” để giữ niềm tin thị trường

Trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cấp bách nhất năm 2023. Theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo giải quyết sớm, dứt điểm những vụ việc vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhất để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư, cũng là cách để giải quyết vấn đề TPDN đáo hạn 2 năm tới.

- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Công Niềm, Giám đốc Tài chính F88 cho biết, những năm qua, F88 chủ yếu huy động vốn qua kênh trái phiếu. Tuy nhiên, năm 2022, thị trường trái phiếu đóng băng, khiến doanh nghiệp không thể huy động. Ông Niềm bày tỏ hy vọng năm 2023, thị trường TPDN sẽ được khơi thông trở lại. Mặc dù vậy, đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết, doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi cách thức phát hành trái phiếu theo hướng minh bạch hơn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

“Chúng tôi sẽ phát hành TPDN trở lại vào năm 2023, nhưng sẽ chọn con đường phát hành ra công chúng, minh bạch rõ ràng hơn. Chúng tôi cũng hy vọng thủ tục phát hành ra công chúng sẽ đơn giản, rút ngắn hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu gọi vốn”, ông Niềm chia sẻ.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, hiện nay, quá trình phê duyệt hồ sơ phát hành TPDN ra công chúng kéo dài nhiều tháng, khiến doanh nghiệp có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội. Các chuyên gia cho rằng, cần phải rút gọn thời gian phê duyệt hồ sơ xuống còn 15-30 ngày để khuyến khích doanh nghiệp tham gia kênh này.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, phát hành trái phiếu ra công chúng là con đường để minh bạch thị trường TPDN Việt Nam. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện ngay phát hành TPDN ra công chúng.

“Phát hành TPDN ra công chúng là cần thiết, song cần thêm thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, xếp hạng tín nhiệm, minh bạch thông tin…, cũng như để Ủy ban Chứng khoán cải tiến quy trình, thủ tục. “Hoãn” thực hiện Nghị định 65 là thời gian vàng để các bên hoàn tất công tác chuẩn bị”, TS. Nghĩa nhận định.

Mặc dù gặp khủng hoảng tạm thời do sự chấn chỉnh của cơ quan quản lý, song các chuyên gia phân tích đều nhìn nhận, sự chấn chỉnh này có lợi cho thị trường về dài hạn.

“Những động thái mạnh tay của Chính phủ trong siết lại thị trường TPDN vừa qua về ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến thị trường vốn, nhưng trong trung, dài hạn sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản sẽ buộc phải định nghĩa lại câu chuyện phát hành, sẽ phải phát hành chuẩn chỉ hơn”, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AIS nhận định.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, Bộ đang lấy ý kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Về lâu dài, để phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát lại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay.

TS. Cấn Văn Lực lưu ý, khi hoàn thiện khung pháp lý với TPDN, cơ quan quản lý cần có thêm giải pháp về phía cầu để tăng dòng tiền mới vào thị trường, cụ thể là cần có cơ chế cởi mở hơn với các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ mở… để các tổ chức mạnh dạn đầu tư hơn vào TPDN.

Tin bài liên quan