Talkshow Chọn Danh Mục phần 2 với chủ đề Khôi phục niềm tin. Ảnh Chí Cường

Talkshow Chọn Danh Mục phần 2 với chủ đề Khôi phục niềm tin. Ảnh Chí Cường

Trái phiếu doanh nghiệp gián đoạn chỉ là tạm thời, sẽ sớm khôi phục trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là nội dung được các chuyên gia khẳng định tại Talkshow Chọn Danh mục phần 2 với chủ đề "Khôi phục niềm tin" do Báo Đầu tư Chứng khoán diễn ra ngày 4/11.

Phát triển trái phiếu doanh nghiệp là xu hướng tất yếu

Talkshow Chọn Danh mục phần 2 với chủ đề Khôi phục niềm tin do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức tiếp tục thảo luận về chủ đề nóng hiện nay - trái phiếu. Trong talkshow tuần trước với chủ đề Hiểu đúng về trái phiếu, đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư quan tâm và đặt câu hỏi.

Vì sao thị trường trái phiếu đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh trong thời gian vừa qua? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Phân tích Xếp hạng tín nhiệm và Thành viên Hội đồng Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, thị trường trái phiếu trong 3 năm gần đây tăng trưởng rất tốt, đỉnh điểm là năm 2021 tổng lượng phát hành đạt 600.000 tỷ đồng. Đây là xu hướng tất yếu của nền kinh tế.

Thứ nhất, đây là một trong những kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế và việc thị trường trái phiếu hiện nay chiếm 15% GDP hoàn toàn là một xu hướng bình thường. Nhìn rộng hơn một chút, các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Malaysia hay Singapore thì quy mô lớn hơn rất nhiều, vì vậy chúng tôi cho rằng dư địa phát triển của thị trường còn rất lớn.

Về những diễn biến đáng chú ý trong năm 2022, khối lượng phát hành trên thị trường có sự thu hẹp. Nguyên nhân do thay đổi về chính sách, cũng như các biện pháp lành mạnh hoá thị trường của cơ quan chức năng.

Thứ hai, với tổ chức phát hành, khi phát hành trái phiếu, có thể tổ chức các sản phẩm cho phép họ trả lãi và gốc vào cuối kỳ, điều này giúp cho doanh nghiệp trên sàn giảm được đáng kể áp lực thanh khoản.

Ảnh tác giả

Chúng tôi cho rằng đây là gián đoạn tạm thời và thị trường sẽ khôi phục đà tăng trưởng trong thời gian tới

Ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Phân tích Xếp hạng tín nhiệm và Thành viên Hội đồng Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings

Thứ ba, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mua lại trái phiếu trước hạn, điều này giúp họ tận dụng môi trường lãi suất và có ứng xử linh hoạt khi lãi suất có diễn biến thuận lợi cho họ.

“Các yếu tố trên phản ánh rất rõ lợi ích của thị trường trái phiếu cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đi đúng hướng và vẫn còn dư địa phát triển rất lớn”, ông Lê Hồng Khang khẳng định.

Thị trường trái phiếu đang đối mặt điều gì?

Đánh giá về sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh nhận định, trái phiếu doanh nghiệp là kênh tài chính, là trụ cột, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng quá nhiều, gây ra rủi ro, thậm chí là rủi ro hệ thống nếu chúng ta không phát triển đồng đều các thị trường khác, như thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Đó là xu thế chung, cũng như xuất phát từ nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội cũng như tạo ra nguồn vốn cho sự phát triển đó. Chắc chắn đây là định hướng trong thời gian tới và chúng ta sẽ phải tập trung phát triển.

Vấn đề thứ hai chúng ta quan tâm ở đây là câu chuyện thị trường đang rung lắc. Sau một vài năm, đặc biệt là trong khoảng 3 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự bùng nổ với tốc độ cao, đáp ứng được nhu cầu từ các nhà phát hành, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, cũng như đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, kể cả tổ chức và nhỏ lẻ quan tâm tới trái phiếu doanh nghiệp.

Vấn đề thứ ba liên quan tới cần biện pháp cấp bách hay không? Trong thực tế, chúng ta đã thấy là nếu từ năm 2021, chúng ta có văn bản pháp lý là Nghị định 153 liên quan tới quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thì sang năm 2022, trước các vấn đề phát sinh liên quan tới phát hành trái phiếu riêng lẻ, chúng ta có Nghị định 65 để chỉnh sửa hạn chế, bất cấp liên quan tới quy định pháp lý về phát hành trái phiếu riêng lẻ, theo hướng lành mạnh hoá thị trường.

"Vậy chúng ta đang đối mặt với cái gì? Có thể khẳng định, xu thế phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là tất yếu. Điều mà chúng ta cần là phát triển thị trường ổn định, bền vững, đây không chỉ là kênh huy động vốn, đầu tư mà còn tạo ra sự bền vững trong hệ thống tài chính của Việt Nam", Tiến sỹ Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Theo ông Ánh, các vấn đề đang được xử lý để phục hồi niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và làm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành riêng lẻ phát triển theo đúng thông lệ quốc tế và phù hợp với đặc điểm Việt Nam.

Có nhiều văn bản từ cơ quan chức năng, hệ thống các nhà phát hành cũng như là các nhà phân phối được đưa ra, qua đó sự hiểu biết của nhà đầu tư cũng được nâng lên sau khi thị trường rung lắc mạnh trong thời gian vừa qua.

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh

Ông Ánh đánh giá về cơ bản, các văn bản pháp lý hiện nay ta đã khắc phục được vấn đề 3 không liên quan tới trái phiếu phát hành riêng lẻ: đó là không có xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản thế chấp, không có bảo lãnh (kể cả bảo lãnh phát hành hay bảo lãnh thanh toán).

Những quy định pháp lý cũng như thực tiễn triển khai đã tạo ra niềm tin và thị trường, mặc dù có sự rung lắc khá mạnh trong thời gian vừa qua, nhưng không phải với tất cả các loại trái phiếu doanh nghiệp.

Hiện nay đang có sự phân hoá giữa trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của các nhà phát hành có uy tín thông qua hệ thống phân phối chuyên nghiệp, và đặc biệt có sự hấp dẫn khi người ta đánh giá mức độ rủi ro và cân đối giữa rủi ro với lợi nhuận, lãi suất mà họ thu được, kể cả rủi ro kỳ hạn.

"Tôi cho rằng đây là xu thế, là cơ sở, căn cứ để giúp thị trường chúng ta phát triển, duy trì tốc độ phát triển cao, đồng thời đảm bảo sự ổn định, bền vững", Tiến sỹ Vũ Đình Ánh chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Ánh cũng lưu ý, trong quá trình nhà đầu tư tiếp cận, nên xử lý để đảm bảo tính ổn định và bền vững. Thứ nhất là hiện chưa phân biệt rõ ràng trái phiếu doanh nghiệp có 2 loại cơ bản, phát hành ra công chúng, liên quan tới các quy định chứng khoán và văn bản có liên quan. Trái phiếu phát hành ra công chúng hiện không có vấn đề gì, là loại hàng hoá có độ tin cậy rất cao, tương tự như các loại hàng hoá khác trên thị trường chứng khoán và đặc biệt có thể thống kiểm tra, kiểm soát từ phía các cơ quan chức năng, Bộ tài chính, UBCK.

Theo ông Ánh, các rủi ro phát sinh và cần khắc phục là mảng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đặc biệt khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đó, chiếm tỷ lệ rất lớn, kéo theo đó phải có quy định liên quan để đảm bảo với thông lệ quốc tế.

"Ví dụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có rất nhiều loại khác nhau, với các mức độ rủi ro khác nhau, tuy nhiên Việt Nam dường như đang có xu hướng thắt chặt lại quy định này khiến sự đa dạng hoá của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế. Trong thời gian tới cần quay trở lại phát hành trái phiếu riêng lẻ theo các thông lệ quốc tế", ông Ánh phân tích.

Thứ hai là sự sở hữu chéo, hay nói cách khác, nhà phát hành trái phiếu riêng lẻ, bản chất phát hành là dựa trên uy tín, niềm tin, nhưng trong thời gian vừa qua do có sự buông lỏng quản lý nhất định nên chúng ta chưa đảm bảo một cách tốt nhất vấn đề uy tín, niềm tin với nhà phát hành và cái này chúng ta phải củng cố trong thời gian tới.

Thứ ba là tính chuyên nghiệp, điều rất quan trọng giúp tạo dựng và củng cố niềm tin của nhà đầu tư với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tính chuyên nghiệp không chỉ liên quan tới nhà phát hành như tôi vừa nói ở trên, mà còn là hệ thống phân phối, bảo lãnh hay tính chuyên nghiệp trong xếp hạng tín nhiệm, với các nhà xếp hạng tín nhiệm uy tín, cũng như trong kênh phân phối.

Tăng tính chuyên nghiệp và uy tín thì sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp và tôi tin rằng, với việc hoàn thiện quy định và thực tiễn triển khai một cách đồng bộ thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát triển tốt trong thời gian tới.

Năm 2021, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 600.000 tỷ đồng, tăng trưởng tốt nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trái phiếu là một trong những kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế, chiếm 15% GDP cả nước. Đây là một xu thế phát triển bình thường và có dư địa phát triển rộng lớn.

Tin bài liên quan