Nếu phải dùng một từ để phản ánh hiện trạng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại, ông nói gì?
Đó là chậm phát triển, kém minh bạch. Điều này vừa gây khó cho các doanh nghiệp khi muốn phát hành trái phiếu, đồng thời chưa tạo được sức hấp dẫn trong con mắt của giới đầu tư trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh trên, việc phát hành trái phiếu trước mắt vẫn là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK, nếu hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, thì cơ hội phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu là khả thi.
Vì sao việc phát hành trái phiếu đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, thưa ông?
Đó là do quy mô doanh nghiệp không đủ lớn để triển khai một đợt phát hành trái phiếu thành công với chi phí không hề nhỏ. Hơn nữa, các doanh nghiệp này còn nhiều hạn chế về kỹ thuật quản lý dòng tiền, nên khác với việc cần vốn đến đâu, doanh nghiệp vay ngân hàng đến đó dễ quản lý, việc quản lý số vốn lớn thu được từ đợt phát hành trái phiếu không đơn giản. Đây là những lý do khiến cho phương án phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp không mấy hấp dẫn nhà đầu tư đại chúng. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có thể phát hành trái phiếu dưới hình thức phát hành riêng lẻ.
Giới đầu tư nhiều lần phàn nàn về tình trạng kém minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời coi đây là một trong những lý do khiến thị trường kém phát triển. Việc VBMA đề xuất Bộ Tài chính cho phép thành lập Trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp là để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
Hiện tại, thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn phân tán, thiếu hệ thống và chưa được cập nhật, khiến giới đầu tư khó nắm bắt thông tin về thị trường. Đang có tình trạng thông tin về các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chỉ có bên bán, bên mua, nhà tư vấn - môi giới nắm được thông tin, còn thị trường không biết loại trái phiếu đó xuất hiện khi nào, tồn tại ra sao. Điều này càng khiến cho thị trường kém minh bạch, không hấp dẫn nhà đầu tư.
Để khắc phục điểm nghẽn lớn trên, VBMA đã đề xuất phương án thành lập Trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp lên Bộ Tài chính. Nếu được phép thành lập, Trung tâm này sẽ là đầu mối thu nhận, tổng hợp và cập nhật tất cả các thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường. Qua đó, hình thành cơ sở dữ liệu tin cậy về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong tìm kiếm nguồn vốn qua kênh trái phiếu
Tại một số diễn đàn diễn ra gần đây, các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần quan tâm nghiên cứu, sớm ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, các chính sách này cần hoàn thiện theo hướng nào để đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện còn non kém?
Để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, các thành viên thị trường mong đợi cơ chế thành lập, hoạt động của công ty định mức tín nhiệm, mà Bộ Tài chính đang xây dựng, sớm được ban hành. Đây là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hạng tín nhiệm, trên cơ sở đó xây dựng phương án phát hành trái phiếu tối ưu.
Ngoài ra, thay vì coi trái phiếu doanh nghiệp như một khoản vay như hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định hợp lý hơn nhằm xác định rõ ràng, hợp lý tính chất của các loại trái phiếu doanh nghiệp. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng thương mại như hiện nay, mà đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng từ phía nhà đầu tư trong và ngoài nước.