Mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp gia tăng nên nhà đầu tư thận trọng hơn.

Mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp gia tăng nên nhà đầu tư thận trọng hơn.

Trái phiếu doanh nghiệp… ế vì Covid-19

(ĐTCK) Nếu như năm ngoái trái phiếu doanh nghiệp bán chạy, thì từ đầu năm tới nay, giá trị huy động vốn trái phiếu giảm dần trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng có tác động mạnh, khiến hoạt động của các doanh nghiệp gặp khó khăn. 

Khó khăn có thể kéo dài

Từ tháng 2/2020 đến nay, dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến nhiều mặt của nền kinh tế, cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 12/2019 khép lại một năm sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khi có tới 58 doanh nghiệp tổ chức thành công 154 đợt phát hành trái phiếu, với giá trị vốn huy động đạt 54.855 tỷ đồng.

Thế nhưng, năm nay, do chịu tác động của đại dịch Covid-19, nên số doanh nghiệp thành công trong huy động vốn qua kênh trái phiếu suy giảm mạnh.

Cụ thể, trong tháng 2/2020 chỉ có 19 doanh nghiệp huy động được 6.853 tỷ đồng so với 11.603 tỷ đồng huy động được trong tháng 1/2020, thời điểm chưa “ngấm đòn” bởi tác động của dịch bệnh.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, mà nhiều công ty chứng khoán niêm yết/đăng ký giao dịch cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm khi bán trái phiếu.

Trái phiếu doanh nghiệp… ế vì Covid-19  ảnh 1

Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Everest (EVS) triển khai đợt phát hành 3.000 trái phiếu, giá trị theo mệnh giá là 300 tỷ đồng, nhưng kết thúc ngày 25/3, EVS chỉ bán được 399 trái phiếu, tương đương 39,9 tỷ đồng.

Ðây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 1 năm, với lãi suất cố định 10% cho toàn bộ kỳ hạn của trái phiếu, trả lãi định kỳ mỗi tháng 1 lần.

“Dịch bệnh khiến Công ty gặp khó khăn trong thu hút khách hàng mua trái phiếu, dẫn đến kết quả của đợt phát hành vừa qua không như kỳ vọng. Sự khó khăn của nền kinh tế nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng dự báo sẽ còn kéo dài ít nhất vài tháng nữa ngay cả khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nên hiện các kế hoạch của Công ty trong huy động vốn qua phát hành trái phiếu tạm thời gác lại”, ông Vũ Hồng Sơn, Tổng giám đốc EVS chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán.

Dịch Covid-19 không chỉ khiến EVS gặp khó trong huy động vốn, mà còn tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh.

Lý giải doanh thu trong quý I/2020 tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, nhưng EVS lỗ 11 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019 lãi 5,8 tỷ đồng), ông Sơn cho hay, chủ yếu do dịch bệnh khiến các chỉ số trên thị trường chứng khoán cũng như thị giá nhiều cổ phiếu trong danh mục tự doanh của Công ty sụt giảm.

Ðiều này dẫn đến EVS phải cắt lỗ một số cổ phiếu, đồng thời phải trích lập dự phòng rủi ro cho các cổ phiếu còn nắm giữ.

Với Công ty Chứng khoán Bảo Minh (BMS), dịch bệnh khiến Công ty phải ngừng đợt phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức riêng lẻ trong tháng 3/2020 (Công ty vừa là tổ chức phát hành, vừa là đại lý phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký và thanh toán trái phiếu).

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Tổng giám đốc BMS, kế hoạch phát hành được xây dựng tại thời điểm mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa nặng nề, nên các điều khoản, điều kiện đối với trái phiếu không còn phù hợp khi dịch tác động sâu rộng đến doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế.

Mặc dù tìm được đối tác chào bán trái phiếu, nhưng để giảm thiểu rủi ro trước tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán, hai bên đã thống nhất ngừng đợt phát hành.

Không chỉ ngậm ngùi vì kế hoạch phát hành trái phiếu bị ngừng, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà trong quý I/2020, BMS báo lỗ 37,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 48,7 tỷ đồng.

Theo dữ liệu cập nhật của HNX, trong tháng 3/2020, nhiều doanh nghiệp chỉ bán được 30 - 50% lượng trái phiếu phát hành như Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty TNHH Thế Vượng, Công ty cổ phần Ðầu tư đường Mặt Trời…

Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bị ế trong các đợt phát hành trái phiếu còn do tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng với các loại tài sản có tính rủi ro cao như cổ phiếu, trái phiếu.

Trong khi đó, ở Việt Nam, các trái phiếu không được định hạng tín nhiệm, thông tin hoạt động của không ít doanh nghiệp kém minh bạch.

Ðiều này cộng với bối cảnh chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19, đa số doanh nghiệp gặp khó khăn, kết quả kinh doanh suy giảm, thậm chí thua lỗ, nên nhà đầu e ngại rủi ro doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Thực tế, không ít ý kiến cảnh báo, mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, nên nhà đầu tư thận trọng hơn trước các đợt phát hành.

Cách nào xoay xở?

Không huy động được thêm vốn, nhưng một số doanh nghiệp cho biết, trong thời gian trước mắt, họ tạm thời thích nghi được với bối cảnh hiện tại.

“Dịch Covid-19 còn gây khó khăn cho thị trường chứng khoán, khiến nhu cầu vay giao dịch ký quỹ (margin) từ khách hàng sụt giảm đáng kể, nên với vốn chủ sở hữu hiện tại, Công ty cố gắng duy trì các hoạt động. Thực tế này khiến trước mắt Công ty chưa có nhu cầu huy động thêm vốn. Khi nền kinh tế, thị trường chứng khoán tốt dần, nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư gia tăng, cùng với sự khởi sắc trở lại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tính tới triển khai phương án phát hành trái phiếu mới”, Tổng giám đốc EVS cho hay.

Ðể thích ứng với tình hình kinh doanh thời dịch bệnh, một mặt cắt giảm tối đa các chi phí, hạn chế các hoạt động cần nhiều vốn và rủi ro như giao dịch ký quỹ, tự doanh, Hội đồng quản trị BMS vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu đợt 2/2020 theo hướng trao quyền cho Tổng giám đốc Công ty quyết định các điều khoản về điều kiện của trái phiếu, đối tượng mua trái phiếu, cũng như điều chỉnh phương án phát hành trong trường hợp cần thiết…

Theo ý kiến từ phía chuyên gia, để thành công trong phát hành trái phiếu thời “sống chung” với dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần xây dựng phương án phát hành theo hướng chấp nhận những điều khoản bất lợi hơn về phía mình so với bối cảnh thị trường chưa xảy ra dịch bệnh.

Nói cách khác, đơn vị phát hành cần gia tăng độ hấp dẫn cho trái phiếu, thì mới có khả năng thu hút được nhà đầu tư tham gia. Muốn thế, doanh nghiệp phải chấp nhận trả lãi suất cao hơn, kỳ hạn trả lãi ngắn hơn, có tài sản đảm bảo cho đợt phát hành…

Kèm theo đó, doanh nghiệp cần chủ động minh bạch thông tin, nỗ lực cải thiện hiệu quả kinh doanh, để nhà đầu tư nhìn thấy khả năng trả nợ của doanh nghiệp thì mới dám đưa ra quyết định đầu tư.

Tin bài liên quan