TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu

Trái phiếu doanh nghiệp đang có nhiều vấn đề

(ĐTCK) Các ngân hàng đang âm thầm đầu tư ngày càng mạnh vào các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đã có những ý kiến khác nhau về việc có nên chuẩn hóa và công khai hoạt động đầu tư này hay không.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng độc lập, đã trao đổi quan điểm về vấn đề này với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Theo ông, có nên chuẩn hóa và công khai hơn hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng hay không?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang có những vấn đề cần phải xem xét điều chỉnh lại.

Phần lớn trái phiếu phát hành hiện nay không được đưa lên sàn niêm yết. Trong số đó, có rất nhiều trái phiếu không còn là chứng khoán nữa, mà là một hình thức giấy nợ.

Những trái phiếu này không đi qua những trình tự, thủ tục như tại các nước phát triển - trái phiếu phải được phát hành bởi các công ty có năng lực trả nợ, sau đó được bán như chứng khoán trên sàn và được nhà đầu tư đại chúng giao dịch; trong quy trình đó, phải có một ngân hàng đầu tư đứng ở giữa làm trung gian nghiên cứu, tư vấn cho cả bên phát hành và bên đầu tư.

Nhưng tại Việt Nam, nhiều trái phiếu thiếu đi khâu trung gian của ngân hàng đầu tư đó. Quy trình và đặc biệt là sự xuất hiện của ngân hàng đầu tư là phải có, chứ không nên để doanh nghiệp trực tiếp phát hành trái phiếu cho ngân hàng.

 

Vậy theo ông, trái phiếu doanh nghiệp hiện nay có được các ngân hàng phân loại và quản lý chặt chẽ như với tín dụng truyền thống hay không?

Trên nguyên tắc, trái phiếu doanh nghiệp phải được đối xử như với tất cả các món cho vay khác. Nhưng thực tế hiện nay, rất nhiều trong số trái phiếu doanh nghiệp đó lại do những bên có liên quan tới ngân hàng phát hành. Bởi vậy, có thể có việc đối xử với trái phiếu doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn so với các món cho vay bình thường.

Hiện tại, nhiều nợ xấu cũng liên quan tới trái phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp cũng như những khoản nợ khác của ngân hàng, đều có thể trở thành nợ xấu. Khi nhà phát hành gặp khó khăn kinh tế, họ sẽ mất khả năng trả nợ theo lịch trình đã đưa ra của trái phiếu.

Có một điểm đáng mừng là trái phiếu trước kia bị bỏ ra ngoài vấn đề tín dụng, nhưng đến nay, loại hình này đã được cộng chung vào trong dư nợ và các ngân hàng cũng phải phân loại nợ như các nhóm cho vay khác. Trái phiếu cũng đã được đưa vào diện giám sát của Ngân hàng Trung ương, chịu phân loại rủi ro nợ. Tuy nhiên, đến nay chưa có thống kê chính thức về tỷ trọng của trái phiếu doanh nghiệp trong tổng dư nợ của toàn hệ thống.

 

Sẽ xảy ra hậu quả gì nếu trái phiếu doanh nghiệp không được minh bạch hóa, theo ông?

Hậu quả đầu tiên là khái niệm đi vay và phát hành trái phiếu sẽ bị lẫn lộn. Dù thực tế phát hành trái phiếu cũng chính là vay tiền, nhưng việc vay tiền này lại được chứng khoán hóa. Và chứng khoán đó sẽ đi vào thị trường, sau đó được bán cho nhà đầu tư thứ cấp.

Vấn đề thứ hai là việc lạm dụng công cụ trái phiếu trong hoạt động vay nợ. Việc chứng khoán hóa đáng lẽ phải đi qua một quy trình rõ ràng, gồm có ngân hàng đầu tư tư vấn cho cả nhà phát hành và nhà đầu tư, chứng khoán có thời hạn bao lâu, phương án trả nợ như thế nào - quy trình này phải được luật pháp ấn định.

Nhưng tại Việt Nam, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang không theo quy trình chuẩn, còn việc bán lại trái phiếu trên thị trường thứ cấp thực ra là bán lại giấy nợ cho bên thứ ba. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ lợi dụng công cụ tài chính của thị trường vốn - mà trên lý thuyết, công cụ này phải được kiểm soát chặt chẽ - cho hoạt động vay nợ.

 

Bản thân ông khi tư vấn cho ngân hàng đã gặp rắc rối gì vì sự thiếu minh bạch của trái phiếu doanh nghiệp hay chưa?

Riêng tôi chưa gặp khó khăn gì đối với hoạt động đầu tư trái phiếu, vì những ngân hàng mà tôi đang phục vụ cũng sàng lọc rất kỹ để đầu tư vào những trái phiếu tốt. Hiện những ngân hàng đó chưa phải chịu tổn thất nào trong việc đầu tư.

Nhưng đó là về phần tôi và các ngân hàng tôi từng phục vụ, tôi không loại trừ khả năng có ngân hàng và nhà đầu tư đã chịu thiệt hại do đầu tư trái phiếu.

Số liệu đầu tháng 12 của Vụ Tài chính - Ngân hàng thuộc Bộ Tài chính cho biết, năm 2013 đã có khoảng 33.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành thành công. Trong khi đó, năm 2012 có 28.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành thành công.

Trong tổng số 62.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành của hai năm này, có khoảng 34.600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn dưới 3 năm, 20.400 tỷ đồng có kỳ hạn từ 3 - 5 năm và số còn lại là trái phiếu trên 5 năm.

Trong giai đoạn 2006 - 2010 có tổng cộng 35 đợt phát hành của doanh nghiệp nhà nước, với khối lượng huy động khoảng 33.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một số đợt phát hành của doanh nghiệp tư nhân, nhưng không có hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê chính thức.

Cũng theo Vụ Tài chính - Ngân hàng, từ năm 2010 đến nay, chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vụ đang thu thập ý kiến thành viên thị trường để sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý cho phát hành trái phiếu riêng lẻ.

 

 

>>Doanh nghiệp xấu cũng được phát hành trái phiếu?

>>2013 lập kỷ lục phát hành trái phiếu doanh nghiệp