Ông Nguyễn Lâm Dũng

Ông Nguyễn Lâm Dũng

Trái phiếu doanh nghiệp cần thêm điểm tựa để phát triển

(ĐTCK) “Thị trường trái phiếu DN đang cần thêm nhiều điểm tựa, để phát triển chuyên nghiệp và sôi động hơn…”.

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), Ủy viên Ban chấp hành & Ban Thường vụ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam khi chia sẻ với ĐTCK.

Một trong những định hướng lớn của Chính phủ và Bộ Tài chính là đến năm 2020 đưa dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt khoảng 7% GDP. Theo ông đâu là những giải pháp chính?

Quan trọng nhất vẫn là phải ổn định vĩ mô, trong đó hai yếu tố quan trọng hàng đầu luôn được NĐT nước ngoài quan tâm là lạm phát và tỷ giá USD/VND phải được kiểm soát ở mức hợp lý, tạo sự ổn định để giảm thiểu rủi ro cho NĐT. Bộ Tài chính cần sớm hoàn chỉnh dự thảo nghị định về thành lập công ty định mức tín nhiệm, để giúp các DN với tư cách là các tổ chức phát hành thuận lợi hơn trong triển khai phát hành, đồng thời giúp NĐT có thêm cơ sở để đưa ra quyết định nhanh và chính xác. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư TPDN hiện nay đa phần là các tổ chức tín dụng, do đó việc đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư cũng là một trong những yếu tố góp phần phát triển thị trường này. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu và thông tin về trái phiếu doanh nghiệp hiện nay rất phân tán, manh mún nên việc thành lập Trung tâm thông tin trái phiếu là rất quan trọng cho việc minh bạch hóa thông tin thị trường, hỗ trợ cơ quan quản lý ra chính sách sát với thực tiễn và nhà đầu tư có cơ sở khi ra các quyết định đầu tư. VPBS là thành viên tích cực của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam . Hiện tại, chúng tôi đang hoàn thiện lại lần cuối Đề án Trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp để trình Bộ Tài chính phê duyệt.

 

Muốn nâng cao tính minh bạch cho thị trường, thì vai trò các DN, với tư cách là những nhà phát hành, là rất quan trọng, thưa ông?

Sự minh bạch của thị trường chỉ có thể có được khi các thành viên đều thường xuyên nỗ lực, nhất là các tổ chức phát hành. Qua tiếp xúc với các NĐT nước ngoài cho thấy, họ quan tâm tới các đợt phát hành TPDN Việt Nam, nhưng không ít trường hợp do quan ngại về tính minh bạch và công bằng về thông tin, nên các nhà đầu tư vẫn còn dè dặt đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, các DN cần nhận thức và chủ động trong việc minh bạch thông tin, đặc biệt các thông tin về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cần được công bố minh bạch và định kỳ cho các nhà đầu tư.             

 

Cơ sở NĐT đơn điệu do hầu hết nhà đầu tư là các ngân hàng thương mại. Theo ông, cách nào để giải quyết tình trạng này?

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, cũng như trình độ phát triển thị trường vốn của Việt Nam hiện tại, chưa dễ sớm khắc phục khó khăn này. Theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nếu muốn đa dạng hóa nhà đầu tư có chất lượng cho thị trường vốn, cần có chính sách khuyến khích hệ thống quỹ mở, quỹ hưu trí đầu tư vốn vào thị trường trái phiếu, trong đó có TPDN. Cùng với việc đảm bảo giữ lạm phát và tỷ giá ổn định trong thời gian dài, cần có chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư ngoại tham gia trong dài hạn. Cơ quan quản lý cũng cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy các trung gian tài chính, các nhà tạo lập thị trường hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn.

 

Để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường TPDN, VPBS theo đuổi mục tiêu cụ thể nào, thưa ông?

Nỗ lực theo đuổi mục tiêu phát triển chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế của VPBS đã phần nào được ghi nhận qua giải thưởng “Nhà tư vấn phát hành trái phiếu tốt nhất” (Best Bond House) năm 2013, do Tạp chí FinanceAsia vừa trao tặng. Đây là một trong những giải thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu có số lượng thương vụ, giá trị phát hành lớn trên thị trường. Giải thưởng này tiếp tục khẳng định vị trí của VPBS là một trong những CTCK năng động nhất trên thị trường trái phiếu Việt Nam, với vị trí số 1 về thị phần môi giới trái phiếu trên HNX vào quý I/2012 và trên HOSE vào quý III/2012. Những tháng đầu năm 2013, VPBS lọt vào TOP 3 CTCK có thị phần môi giới trái phiếu lớn nhất trên HOSE. VPBS không ngừng nỗ lực để giữ vững thứ hạng là một trong những CTCK hàng đầu, có thị phần môi giới lớn nhất trên TTCK Việt Nam .

Năm 2013, VPBS dự kiến sẽ thu xếp vốn thành công qua kênh trái phiếu doanh nghiệp với giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, VPBS đang nỗ lực tạo ra sự khác biệt trong xây dựng chiến lược phát triển mảng kinh doanh trái phiếu và tư vấn tài chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó, VPBS đang vận hành hiệu quả Trung tâm phân tích gồm 25 chuyên gia trong và ngoài nước, với các sản phẩm phân tích tiêu biểu như phân tích vĩ mô, chiến lược đầu tư, phân tích khoảng 90 DN niêm yết hàng đầu trên TTCK... Thông tin do Trung tâm phân tích xây dựng là nguồn tham khảo có giá trị cho các NĐT trong và ngoài nước. Ngoài ra, đây cũng là kênh hỗ trợ thông tin cho hoạt động tư vấn tài chính DN và công tác quản trị rủi ro của Công ty.

VPBS đang mở rộng đội ngũ phân tích bao gồm 25 chuyên viên xuất sắc, nhiều kinh nghiệm trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm tại Hà Nội và TP. HCM do ông Barry Weisblatt điều hành. Ông Barry Weisblatt có hơn 14 năm kinh nghiệm quản lý cao cấp trong lĩnh vực tài chính, đầu tư tại khu vực châu Á, từng tham gia Ngân hàng America Hồng Kông và Singapore, sau đó là CIMB tại Kuala Lumpur và Deutsche Bank ở Singapore…