>> Trình Quốc hội phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền
“Nhiều địa phương nói với tôi trái phiếu Chính phủ là khoản trời cho”
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng bội chi 5,3% vẫn không đủ để đảm bảo vốn nguồn đầu tư phát triển. Muốn đảm bảo tương đối thì bội chi phải lên tới 5,8 – 6,4%. Cần xem xét lại nếu không giữa năm 2014 Chính phủ lại trình xin tăng bội chi.
Về phân bổ ngân sách, đề nghị thắt chặt tất cả các khu vực từ chi hành chính, đầu tư phát triển, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt cắt giảm mạnh chi hành chính, phù hợp với mục tiêu đến hết năm 2016 không tuyển dụng biên chế mới.
Năm nay, Chính phủ dự kiến cắt giảm 5.000 tỷ đồng cho y tế, giáo dục, xã hội, chúng tôi không đồng tình bởi phải đảm bảo các chỉ số như Quốc hội đã đề ra. Lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng ý là quốc sách nhưng hàng nghìn, hàng vạn đề tài từ cấp Nhà nước đến cấp bộ, bảo vệ xong đút ngăn bàn rồi đem gói xôi, chả có tác dụng gì, chỉ có tác dụng giải ngân và tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho cán bộ, chi vào túi một số cá nhân. Khoa học công nghệ phải đi vào những cái đem lại hiệu quả cho đời sống kinh tế xã hội.
Về vốn trái phiếu chính phủ, khi giám sát, chúng tôi thấy rằng mục tiêu ý tưởng tốt đẹp. Khi nguồn lực Chính phủ có hạn thì Chính phủ vay của dân để đầu tư công trình để đem lại phúc lợi xã hội, phát triển kinh tế nhưng thực tế nặng xin cho dẫn đến lãng phí, dàn trải.
Nhiều địa phương nói với tôi đó là khoản trời cho, tội gì mà không xin. Khi đi giám sát tôi có phê bình dự án lập dự toán 300 tỷ đồng nhưng thực hiện điều chỉnh lên gần 1.000 tỷ đồng, còn thường thì gấp hai. Tồn tại về sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Việc dàn trải rất lớn, có bệnh viện trường học sau 5 năm vẫn là xây thô, cỏ phủ nằm chết ở đó, rất là xót xa.
Với nguồn lực còn ít, đề nghị rà soát và đối với công trình nào sắp đưa vào sử dụng thì đầu tư, công trình mới dứt khoát cắt, dừng lại và chuyển sang các nguồn huy động tài chính khác.
Đại biểu Trịnh Thế Khiết
“Các công trình chưa cấp bách thì nên cắt giảm”
Khi chúng tôi làm việc với ngân hàng nông nghiệp thì thấy người dân rất cần vốn nhưng chỉ cần vay món nhỏ. Ngân hàng thì thừa vốn mà dân không vay được. Do đó chúng ta cần tập trung làm sao khai thác giải tỏa nguồn vốn ngân hàng, tăng sản xuất, tăng lưu thông thì mới phát triển được như vậy mới đảm bảo thu ngân sách trong năm tới.
Riêng với trái phiếu phát hành bổ sung, đề nghị tập trung vào các công trình thiết thực phục vụ lợi ích dân sinh. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu các công trình dở dang và phục vụ thiết thực thì ưu tiên, các công trình chưa cấp bách thì nên cắt giảm, không thể cứ bố trí dàn trải. Như các đại biểu đã nói là cứ xin cho lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường
“Đến tháng 7/2013, mỗi người dân Việt Nam đang gánh nợ 826,4 USD/người”
Về dự toán ngân sách năm 2013, tôi thấy báo cáo Chính phủ có đề cập đến khoản ghi thu ngoài ngân sách, tôi đề nghị làm rõ khoản này vì nó khá lớn, gần 40 nghìn tỷ đồng, cần làm cho rõ đây là những khoản gì? Về nguyên nhân hụt thu, có một số nguyên nhân gồm do DN khó khăn, tỷ lệ DN không có lợi nhuận nhiều dẫn đến số lượng thu kém. Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế rất thấp, cả xuất khẩu chịu thuế lẫn nhập khẩu chịu thuế. Chưa kể là phần miễn giảm, giãn thuễ, giảm trừ gia cảnh, nhưng hụt thu từ khoản ngày không lớn, chỉ gần 10 nghìn tỷ đồng.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là sản xuất kinh doanh đình đốn và hoạt động sản xuất khó khăn không tạo ra giá trị gia tăng trong khi thu nội địa lớn. Do đó cần biện pháp hỗ trợ khối này mới có nguồn thu.
Năm 2014, Chính phủ đặt dự toán thu ngân sách tăng 7,9%, với cơ cấu nguồn thu vẫn tập trung thu nội địa nhưng biện pháp hỗ trợ khối doanh nghiệp tăng sức sản xuất, giải quyết thị trường thì chưa đậm nét. Vậy liệu chúng ta có đạt mục tiêu được không?
Về bội chi, đúng là nợ công chưa đến ngưỡng 65% nhưng báo cáo dư nợ công đến 7/2013 thì mỗi người dân Việt Nam đang gánh 826,4 USD/người. Nếu tăng bội chi, phát hành thêm trái phiếu thì nợ công lại lên. Dù trong giới hạn an toàn nhưng về dài hạn phải có quyết sách để giảm nợ công.
Ngoài ra, cần phải lưu ý vấn đề nợ của địa phương, hiện nay một số tỉnh thành đã phát hành trái phiếu địa phương những cũng đã có nhiều có bài học ở Trung Quốc ở Mỹ, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì nợ địa phương dềnh lên và cộng thêm vào nợ quốc gia. Do đó, tôi kiến nghị cần phải đưa nợ địa phương vào diện kiểm soát.