Tổ hợp dự án nhà ở do Evergrande xây dựng tại thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Niềm tin quay trở lại
Động thái trên diễn ra sau khi Trung Quốc vào đầu tuần này đã công bố các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ nhất kể từ sau đại dịch Covid-19, chủ yếu nhắm vào lĩnh vực bất động sản. Các biện pháp này đã kích hoạt một đợt tăng giá cho trái phiếu niêm yết ở nước ngoài của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.
Ông Li Gen, Chủ tịch Trung tâm quản lý quỹ tư nhân Beijing G Capital cho hay, lần đầu tiên sau nhiều tháng đơn vị này đã đặt lệnh mua trái phiếu bất động sản trị giá "vài chục triệu nhân dân tệ".
"Chúng tôi đã thấy được quyết tâm phục hồi ngành bất động sản ... đây là một sự thay đổi lớn" so với những nỗ lực trong những năm gần đây, ông Li nhận định.
Đợt tăng lần này của trái phiếu bất động sản Trung Quốc phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào các biện pháp kích thích đối với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, mặc dù một số nhà phân tích vẫn còn những dự báo trái chiều về triển vọng phục hồi của ngành này.
Bất động sản, vốn được coi là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, đã chao đảo từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác kể từ năm 2021 sau khi chính quyền Trung Quốc siết chặt quản lý hoạt động xây dựng và phát triển bất động sản lạm dụng đòn tài chính, khiến các nhà đầu tư và bên cho vay lo ngại khả năng tiếp cận vốn của các công ty bất động sản.
Hậu quả là doanh số chậm lại, giá trị trái phiếu bằng USD của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc xuống mức thấp kỷ lục, và thậm chí nhiều công ty bị vỡ nợ. Điển hình, cuối năm 2021, "quả bom nợ" bất động sản Trung Quốc Evergrande đã "phát nổ". Sự đổ vỡ của Evergrande với khoản nợ 300 tỷ USD không lập tức châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lan rộng như các nhà đầu tư quốc tế lo ngại, nhưng nó kéo theo hệ lụy xấu đến thị trường.
Tuy nhiên, sau khi chính quyền Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích mới, các công ty bất động sản hàng đầu mà không bị vỡ nợ, đơn cử như China Vanke và Longfor Group, đã chứng kiến trái phiếu của họ nhanh chóng gia nhập nhóm tăng mạnh nhất.
Dữ liệu của Duration Finance cho thấy trái phiếu bằng USD của China Vanke đáo hạn vào tháng 11/2027 đã tăng tới 70 cent vào ngày 3/10, so với mức 49 cent đạt được trước khi các biện pháp kích thích được công bố. Tương tự, trái phiếu bằng USD của Longfor đáo hạn vào tháng 4/2027 đã đạt 84 cent, từ mức 75 cent.
Trong khi đó, các công ty bất động sản Trung Quốc bị vỡ nợ cũng ghi nhận trái phiếu phát hành ở nước ngoài của họ cũng tăng lên. Chẳng hạn, trái phiếu của Country Garden đáo hạn tháng 9 đã tăng thêm khoảng 2 cent và giao dịch ở mức khoảng 9,1 cent.
Giá cổ phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc cũng tăng lên kể từ sau khi các biện pháp kích thích kinh tế được công bố.
Các địa phương xắn tay hành động ngay
Tâm lý nhà đầu tư được thúc đẩy thêm 2 ngày sau chính quyền Trung Quốc thông báo về các biện pháp kích thích kinh tế. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cam kết đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là khoảng 5% và "ngăn chặn sự suy giảm" trên thị trường nhà ở.
Tuần qua, Quảng Châu đã trở thành thành phố hàng đầu đầu tiên dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc mua nhà, trong khi Thượng Hải và Thâm Quyến cho biết họ sẽ hạ tỷ lệ thanh toán tối thiểu đối với người mua nhà lần đầu và hỗ trợ những người không phải là dân địa phương tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn.
Ông Jason Jiang, Giám đốc đầu tư tại Enhanced Investment Products, một quỹ đầu cơ trị giá 400 triệu USD tại Hồng Kông, đã tăng lượng nắm giữ trái phiếu bằng đô la Mỹ và đáo hạn 2027 của China Vanke.
"Mặc dù sự phục hồi của cổ phiếu có thể đáng kể hơn, nhưng việc mua trái phiếu Vanke mang lại biên độ an toàn tốt hơn", ông Jiang dự tính.
Đại diện Enhanced Investment Products nhận định, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ đón nhận thêm một yếu tố kích hoạt hướng đi tiếp theo, có thể đến từ dữ liệu bán nhà được công bố sau kỳ nghỉ "Tuần lễ vàng" và kết thúc vào ngày 7/10.
Một công ty quản lý đầu tư khác tại Hồng Kông cho biết, trái phiếu bất động sản chiếm tới 20% danh mục đầu tư mà họ đã tích trữ, trước khi Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích kinh tế mạnh tay. Đơn vị giấu tên này cho biết trước đó họ đã bán ra một lượng trái phiếu do không chắc chắn liệu các biện pháp kích thích mới của Trung Quốc có thể thúc đẩy doanh số bán nhà mới đủ để phục hồi lĩnh vực này trong thời gian tới hay không.
Trong khi đó, Gramercy Funds Management đang vẫn đặt cược vào sự phục hồi của ngành bất động sản Trung Quốc. Công ty này có quỹ đầu cơ quản lý nợ khó đòi có trụ sở tại bang Connecticut (Mỹ) và nắm giữ danh mục trái phiếu của các nhà phát triển bất động sản vỡ nợ.
Đợt tăng này của trái phiếu bất động sản đã thúc đẩy lợi nhuận và việc cải thiện các yếu tố cơ bản của ngành này và tình hình vĩ mô sẽ giúp mang lại lợi nhuận cao hơn nữa, theo Phó giám đốc đầu tư Philip Meier của Gramercy Funds Management.
Ông Meier cho hay: "Những hành động mới nhất của chính quyền Trung Quốc đã củng cố lập trường tích cực của chúng tôi và giảm đáng kể rủi ro khi sở hữu những trái phiếu đó".