Giá năng lượng giảm, lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế giảm từ mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế khu vực đồng euro bất ngờ phục hồi và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại đã khiến các nhà phân tích và giới đầu tư suy đoán rằng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ nhẹ hơn.
Điều đó đã thúc đẩy chỉ số cổ phiếu toàn cầu của MSCI tăng gần 20% so với mức thấp nhất trong tháng 10, và đóng cửa ở mức cao nhất trong 5 tháng vào thứ Tư (25/1), mặc dù rủi ro là các ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn thay vì cắt giảm trong năm nay.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế nói chung tỏ ra kém lạc quan hơn nhiều, khi điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho năm nay và năm tới lần lượt từ 2,3% và 3% trong một cuộc thăm dò vào tháng 10/2022 xuống còn 2,1% và 2,8%.
Dự báo tăng trưởng năm 2023 của các nhà kinh tế thấp hơn nhiều so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra vào tháng 10 là 2,7% và sẽ được cập nhật vào tuần tới.
Trong khi đó, hơn 2/3 các nhà kinh tế được khảo sát cho biết rủi ro lớn hơn đối với triển vọng tăng trưởng thế giới là nó sẽ còn chậm hơn so với những gì họ mong đợi hiện nay.
Phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công mà các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể đạt được từ các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ trong lịch sử gần một năm vẫn chưa kết thúc. Tác động đầy đủ của việc tăng lãi suất có thể mất một năm hoặc hơn để thể hiện ở các nền kinh tế.
Các chiến lược gia thị trường tại Rabobank cho biết: “Thị trường tiếp tục định giá cho một kịch bản trong mơ về lạm phát đạt đỉnh, và sau đó giảm mạnh, nhưng sẽ không biến động quá mức theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên, phạm vi các kịch bản phía trước thực sự rất rộng, nhưng thị trường dường như đã ổn định ở mức thoải mái mà dường như ít có khả năng xảy ra nhất”.
Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đồng thuận cho năm 2023 cho hơn 80% nền kinh tế được khảo sát đã bị hạ dự báo so với cuộc khảo sát trong tháng 10.
Ngoài ra, dự đoán lạm phát cho năm nay ở gần 80% nền kinh tế được khảo sát (35 trong số 45 nền kinh tế) đã được nâng dự báo so với cuộc khảo sát trong tháng 10, điều này cho thấy thiên hướng dành cho các ngân hàng trung ương toàn cầu là duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong một thời gian dài.
Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ không tăng nhiều từ mức tương đối thấp.
Cuộc khảo sát dự báo rằng gần như tất cả các ngân hàng trung ương lớn dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định cho đến cuối năm nay. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ tăng lãi suất tại hai cuộc họp chính sách tiếp theo và sau đó giữ nguyên lãi suất.
Trong khi ECB được kỳ vọng sẽ thực hiện các đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, thì Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản.
BoE được dự báo sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 2/2 lên 4% và sau đó đưa ra mức tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 3 trước khi tạm dừng tăng lãi suất.
Các nhà kinh tế tại Citigroup cho biết: “Chúng tôi thấy có lý do chính đáng để tin rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn còn một năm khó khăn phía trước. Lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt có vẻ sẽ cản trở triển vọng tăng trưởng, và chúng tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt trở lại trong những tháng tới”.
Khi được yêu cầu liệt kê mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023, hơn 85% các nhà kinh tế cho rằng chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn và lạm phát cao hơn liên tục là những rủi ro lớn nhất.
Kế đó là xung đột Nga-Ukraine, việc điều chỉnh giá tài sản, sự bùng phát trở lại của Covid-19 và thị trường lao động yếu hơn dự kiến là những rủi ro thấp hơn.
Các cuộc thăm dò mới nhất của Reuters với hơn 500 nhà kinh tế bao gồm 45 nền kinh tế đã được thực hiện từ ngày 5/1 đến ngày 25/1.