Hôm thứ Hai (28/11), giá dầu WTI đã giảm xuống còn 73,60 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 và chỉ còn tăng 2,2% trong năm nay mặc dù đã tăng mạnh trong nửa đầu năm. Giá dầu Brent giảm xuống còn 83,19 USD/thùng, mức giá thấp nhất kể từ tháng 1/2022.
Các đợt phong tỏa mới nhất để kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc đã làm thay đổi đáng kể triển vọng của giá dầu, mà trước đó một số chuyên gia đã dự đoán rằng giá dầu có thể tăng vọt lên 150 USD/thùng do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.
Thách thức vĩ mô
Lệnh phong tỏa của Trung Quốc và các vấn đề mới phát sinh vào cuối tuần qua đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ hơn về triển vọng của nền kinh tế vốn đã suy yếu của nước này.
“Chúng tôi cho rằng tình trạng suy thoái đang diễn ra trên toàn thế giới, đặc biệt là ở ba nền kinh tế lớn nhất đang thống trị môi trường kinh tế vĩ mô, và chúng tôi nghĩ rằng những vấn đề mà chúng tôi đã xác định là tương đối khó khăn trong giai đoạn tới sẽ vẫn còn. Ngay bây giờ, chúng tôi đang xem xét những cơn gió ngược vĩ mô hơn là những cơn gió xuôi”, Ed Morse, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Citigroup cho biết.
Có 2 yếu tố được kỳ vọng tạo chất xúc tác để giá dầu thô bật cao trở lại: Nguồn cung giảm do OPEC+ cắt giảm sản lượng, trong khi dầu từ Nga bị phương Tây cấm vận; yếu tố thứ 2 là kỳ vọng Trung Quốc nới lỏng biện pháp chống dịch giúp kinh tế hồi phục trở lại, gia tăng nhu cầu.
Tuy nhiên, việc Covid bùng phát mạnh và các đợt phong tỏa mới đã lấn át những lo ngại về nguồn cung hiện nay, khiến giá dầu lao dốc.
“Ngay bây giờ, mục tiêu của giá dầu WTI là dưới 60 USD/thùng. Đó là những gì mà biểu đồ đang chỉ ra. Tất cả phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng quan trọng về phía cầu, cũng như OPEC+ về phía cung”, ông cho biết.
Giá dầu sẽ cao hơn trong năm tới?
Các nhà phân tích kỳ vọng giá dầu sẽ tăng trong năm tới. JPMorgan dự đoán giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 90 USD/thùng vào năm 2023.
Morgan Stanley kỳ vọng giá sẽ dầu cao hơn nhiều vào giữa năm sau khi Trung Quốc kết thúc phong tỏa.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy tình trạng thừa cung khiêm tốn trong những tháng tới. Do đó, chúng tôi dự báo giá dầu Brent dao động 80 - 90 USD/thùng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ trở lại trạng thái cân bằng trong quý II/2023 và tình trạng thiếu nguồn cung trong nửa cuối năm 2023. Với vùng đệm nguồn cung hạn chế, chúng tôi kỳ vọng giá dầu Brent sẽ quay trở lại mức khoảng 110 USD/thùng vào giữa năm tới”, Morgan Stanley cho biết.
“Tôi không lo lắng về việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ chỉ vì thực tế là hầu hết các quốc gia sẽ không cắt giảm. Sẽ chỉ có Ả Rập Xê Út cắt giảm thực tế, vì các quốc gia khác đều đã đạt đến hạn ngạch của mình”, Morgan Stanley cho biết.
Chiến lược gia Ed Morse Morse cho biết, động lực thị trường đã thay đổi và tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ nhỏ hơn theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội. “Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong tăng trưởng toàn cầu”, ông cho biết.
Tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc hóa ra thấp hơn nhiều so với dự kiến.
“Chúng tôi đã nghĩ rằng nhu cầu đang chậm lại. Hóa ra nó chậm chạp hơn nhiều. Chúng tôi đã nghĩ rằng năm nay sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhu cầu 3,4 triệu thùng, nhưng thực sự chỉ tăng 1,7 triệu thùng”, ông cho biết.
Chiến lược gia Ed Morse cho biết, sự suy giảm nhu cầu cũng là một phần của xu hướng lớn hơn, một phần gắn liền với quá trình chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi cũng đang tìm kiếm đỉnh điểm của nhu cầu dầu mỏ trong thập kỷ này. Đó là một phần của câu chuyện dài hạn hơn”, ông cho biết.
Nhà phân tích John Kilduff cho biết, thời tiết có thể tác động đến thị trường. Hiện tượng thời tiết La Niña và thời tiết ấm hơn ở Bắc Mỹ khiến nhu cầu dầu sưởi ấm vào mùa Đông thấp hơn dự báo.
Trong khi đó, những lo ngại về nguồn cung cấp nhiên liệu sưởi ấm mùa Đông đã giảm bớt khi các kho dự trữ ở châu Âu tăng lên.
Tom Kloza, nhà phân tích năng lượng toàn cầu tại OPIS cho biết: “Nếu kết hợp vấn đề ở Trung Quốc với thời tiết ấm áp ở bán cầu bắc, thì đó là một cú đúp vào giá năng lượng vào lúc này”.