Trải nghiệm trên sân chơi phái sinh

Trải nghiệm trên sân chơi phái sinh

(ĐTCK) Tò mò, thử sức là tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư cá nhân trong năm hoạt động đầu tiên của TTCK phái sinh Việt Nam. Trong sự “trải nghiệm” đó, nhiều nhà đầu tư cũng ngờ ngợ nhận ra rằng, thị trường dường như chưa được quản lý chặt, đâu đó có những dấu hiệu thao túng mà họ có thể cảm nhận được, nhưng không thể chỉ ra được.

Trong bối cảnh TTCK ảm đạm, chứng khoán phái sinh trở nên nổi bật với thanh khoản liên tục bứt phá, tạo ra các kỷ lục. Ngày đỉnh điểm, thanh khoản sàn phái sinh gấp 3 lần thanh khoản thị trường cơ sở. Sự sôi động này, theo giới phân tích, là hệ quả của sự thiếu cơ hội đầu tư hấp dẫn tương đương. Thực tế, sàn phái sinh có lợi thế giao dịch T+0 giúp nhà đầu tư tận dụng được xu hướng giá xuống và giao dịch trong ngày.

Tròn 1 năm kể từ ngày sàn phái sinh chính thức được Sở GDCK Hà Nội khai trương hoạt động cũng là tròn 1 năm chị P.T.M mở tài khoản đầu tư chứng khoán phái sinh tại HSC. Chị cho hay, những ngày đầu tham gia, vì tò mò, chị cũng muốn tìm hiểu và “chơi thử” với số vốn không lớn, nhưng cảm giác có vẻ…chán! Tuy nhiên, càng chơi càng khoái và chị dần nhìn thấy sức hấp dẫn ở sàn này.

Tương tự, một nhà đầu tư khác có tên H.T đã gắn bó với sàn phái sinh 1 năm liền. Có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính kế toán, chị H.T quyết định tham gia với số vốn ban đầu hơn 300 triệu đồng, chuyển từ sàn cơ sở sang. Lúc mới tham gia, cũng như nhiều nhà đầu tư khác, chị bị lỗ vì “tham” mua bán trong ngày.

Với những biến động mạnh của thị trường và nhiều diễn biến khó lường, việc giao dịch nhiều không tạo ra được thặng dư mà ngược lại, chi phí phí và thuế cũng đã "ăn mất” một phần vốn đầu tư.

Sự mất bình tĩnh và không đặt ra mục tiêu rõ ràng, giao dịch có phần cảm tính khiến chị phải chấp nhận thua lỗ. Tình trạng này cũng xuất hiện ở hầu hết nhà đầu tư cá nhân khác, khiến đây đó trên thị trường có nhận xét, 95% nhà đầu tư tham gia sàn phái sinh là… lỗ.

Nhưng dù thua lỗ, họ vẫn không từ bỏ cơ hội “trải nghiệm” trên sân chơi phái sinh. “Biết là rủi ro cao nhưng “phải chơi mới thấm”, một nhà đầu tư chia sẻ. Phái sinh cho phép mua bán trong ngày nên khi thấy “không ổn” có thể bán ngay. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự đầu tư quan sát thị trường liên tục, nhận định đúng xu hướng. “Nếu tham gia, đa phần không dám để lâu vì thị trường cơ sở có những biến động trong phiên rất lớn, giữa phiên sáng và chiếu cũng như trong những phiên khớp lệnh định kỳ”, chị P.T.M nói.

Cách mà chị này “sống” được trên thị trường phái sinh là tập trung vào phân tích kỹ thuật để dự báo xu hướng. Mỗi người có một “gu” phân tích khác nhau,  nhưng quan trọng nhất là phải biết dừng đúng lúc, không nên quá tham lam. Nếu trước đây, mỗi ngày chị giao dịch mua bán khoảng 10 vòng/ngày (mở và đóng vị thế) thì hiện nay chỉ giao dịch 2 - 3 vòng/ngày.

“Thứ nhất để giảm phí và thuế; thứ hai, nếu đạt mục tiêu lãi khoảng 2 - 3 điểm trong phiên thì cũng đã có khoản lãi "đủ sống". Mỗi vòng giao dịch, nhà đầu tư sẽ phải nộp thuế và phí khoảng 32.000 đồng/hợp đồng, tương đương  0,32 điểm”, chị H.T cho biết.

Ngay cả khi thị trường sôi động thì cũng dễ khiến tâm lý nhà đầu tư mất bình tĩnh. Do đó, cách an toàn nhất trong một xu hướng tăng hoặc giảm, như chị P.T.M chia sẻ, là chỉ đặt mục tiêu “ăn một đoạn” nhỏ. Ăn ít, đủ để lời sau khi trừ chi phí. 

Nói về rủi ro, để quản trị được, thì cần đầu tư một cách có nguyên tắc, kỷ luật. Vì với tính chất đòn bẩy cao, nếu nắm giữ vị thế trong tình trạng lỗ càng lâu khả năng mất vốn. Nhiều nhà đầu tư biết rõ điều này, nên việc phân bổ danh mục phái sinh chỉ chiếm khoảng 20% tỷ trọng đầu tư chứng khoán, 80% còn lại để trên thị trường cơ sở vẫn an toàn hơn.

Sàn phái sinh có chức năng chính là cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro, nhưng hiện nay, hầu hết nhà đầu tư cho rằng, việc áp dụng phái sinh như công cụ phòng ngừa rủi ro chỉ phù hợp với nhà đầu tư có vốn lớn, ít nhất cũng phải 500 triệu đồng. Còn với nhà đầu tư nhỏ lẻ, thị trường phái sinh vẫn chỉ dừng ở mức như một công cụ lướt sóng kiếm lời.

Trong cái rủi ro chung của thị trường phái sinh, nhà đầu tư phải tự “quản” mình đã đành, nhưng đây đó họ vẫn có một mối nghi ngại thị trường này bị làm giá.

Dù không có bằng chứng rõ ràng (vì nhiều nhà đầu tư chia sẻ, chỉ có nhà quản lý với đầy đủ công cụ giám sát mới có thể tìm ra bằng chứng), nhưng mối nghi vấn này vẫn tồn tại. Vì thế, điều nhà đầu tư mong đợi là sàn phái sinh cần thêm hàng hóa, đa dạng người chơi và được nhà quản lý giám sát chặt chẽ, để nhà đầu tư nhỏ yên tâm đầu tư, giảm tâm lý lo ngại bị "cá mập úp sọt”. 

Tin bài liên quan