Chia sẻ tại cuộc họp giao ban xuất khẩu do Bộ Công thương tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp ông liên tục tăng trong những năm qua và trong năm nay có thể đạt mức 400 triệu USD, chiếm khoảng 40% sản lượng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc khiến doanh nghiệp “đau đầu” chính là liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện, bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại…
Những điều này khiến Hoa Sen thiệt hại không nhỏ.
Theo ông Vũ, với vụ kiện tại Australia, doanh nghiệp tuy thắng, nhưng mất thị trường gần 1 năm. Tiếp sau đó, Tôn Hoa Sen lại bị áp dụng phòng vệ thương mại ở thị trường Indonesia, rồi bị Malaysia áp dụng thuế chống bán phá giá và mới đây nhất, Thái Lan đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép không gỉ.
“Khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các nước trong cộng đồng với nhau thì sử dụng biện pháp phòng vệ kinh tế để làm gì?”, ông Vũ bức xúc và cho rằng, qua các vụ việc gần đây có thể thấy, đứng sau các vụ kiện, điều tra chống bán phá giá là một số tập đoàn đa quốc gia có lợi ích bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm của Hoa Sen nên họ đã “tác động” để Chính phủ can thiệp.
Do đó, ông Vũ đề nghị các bộ, ngành tham mưu để Chính phủ có ý kiến mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú lại bức xúc việc nhiều nước dựng hàng rào kỹ thuật quá cao với các mặt hàng thủy sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng tôm. Theo ông Quang, trong 9 tháng đầu năm nay, mặt hàng tôm xuất khẩu của Minh Phú chỉ đạt hơn 370 triệu USD, giảm hơn 29% so với cùng kỳ. Ngoài nguyên nhân do tỷ giá của đồng Việt Nam thấp hơn các nước, dẫn đến giá thành cao, khó bán được hàng, thì vấn đề hàng rào kỹ thuật là một trở ngại lớn.
“Họ dựng hàng rào kỹ thuật đối với mặt hàng tôm của Việt Nam cao hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước khác, khiến giá thành bị đội lên từ 10 đến 30% thì doanh nghiệp cạnh tranh sao nổi”, ông Quang phân tích và cho rằng, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại nhưng lợi thế đang mất dần đi.
Do đó, để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh song phẳng thì Chính phủ cần có những biện pháp quyết liệt hơn, bao gồm cả việc hỗ trợ doanh nghiệp kiện các nước dựng hàng rào kỹ thuật bất hợp lý, vi phạm các cam kết được nêu tại các hiệp định thương mại đã ký kết…
Theo các doanh nghiệp, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu và hướng tới sự bền vững cho hoạt động này, các ngành chức năng cần tham mưu cho Chính phủ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp ngành cao su và chè, đề nghị bỏ thuế giá trị gia tăng. Với các doanh nghiệp cà phê, cần có sự hợp tác, liên kết với các quốc gia có sản lượng lớn để ổn định giá, tránh bị các thị trường đầu cơ “làm giá”, gây khó cho doanh nghiệp. Ngoài ra, với các thị trường tiềm năng, nhưng khả năng thanh toán bằng USD khó khăn, thì Nhà nước cần có cơ chế trao đổi hàng hóa, chuyển đổi để không phải dùng ngoại tệ…