Các khổ chủ xếp hàng nộp đơn tố cáo tới cơ quan công an TP.HCM.

Các khổ chủ xếp hàng nộp đơn tố cáo tới cơ quan công an TP.HCM.

Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử - Bài 3: Bất thường thương vụ “bắt tay” giữa TVSI và SCB

0:00 / 0:00
0:00
Có vai trò là đại lý tư vấn, phát hành, môi giới, nhưng TVSI “bắt tay” với SCB để rồi nhân viên SCB làm gần như từ “A tới Z” các khâu trung gian. Hợp đồng mua bán trái phiếu có chữ ký nhân viên giới thiệu lại không phải nhân viên TVSI, cũng không phải nhân viên SCB làm việc trực tiếp với trái chủ...

Bất thường hợp đồng hợp tác

Trước bức xúc của trái chủ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã gửi nhiều văn bản thanh minh rằng, SCB chỉ là đơn vị giới thiệu khách hàng cho TVSI (Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt) theo hợp đồng hợp tác giữa hai bên. Các khổ chủ vội quay ra chất vấn TVSI.

Mới đây, ngày 24/4/2023, tại các văn bản phản hồi trái chủ ở TP.HCM và Hà Nội, đại diện TVSI là Trưởng phòng Dịch vụ Chứng khoán, bà Đỗ Ngọc Hoàng Yến thừa nhận có hợp đồng hợp tác với SCB: “Theo hợp đồng hợp tác, TVSI gửi các thông tin liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp cho SCB. Theo đó, SCB có trách nhiệm giới thiệu chính xác đầy đủ thông tin trái phiếu doanh nghiệp do TVSI cung cấp cho nhà đầu tư có nhu cầu nhận chuyển nhượng để nhà đầu tư đưa ra quyết định của mình. Trong trường hợp đồng ý mua trái phiếu, khách hàng sẽ thực hiện các bước ký hợp đồng, chuyển tiền mua trái phiếu tại địa điểm giao dịch của SCB”.

Tuy nhiên, bà Yến cho hay, tại điều bảo mật quy định các thông tin về điều khoản hợp đồng, các bên đều cam kết bảo mật, nên chỉ được phép cung cấp theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Như vậy, bức xúc của trái chủ là có cơ sở, rằng: “Tại thời điểm mua, khách hàng không ký trực tiếp với TVSI, không gặp trực tiếp bất kỳ nhân viên của TVSI từ lúc chuyển tiền đến lúc nhận hợp đồng”.

Trong khi đó, tại các phương án phát hành 3 lô trái phiếu An Đông (năm 2018 và 2019 với tổng trị giá gần 25.000 tỷ đồng), Quang Thuận (năm 2018 và năm 2020 với tổng giá trị 7.500 tỷ đồng) Thiên Phúc (30 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng), TVSI có vai trò là tổ chức tư vấn kiêm luôn phát hành, thậm chí là môi giới. Điển hình, TVSI chi tiền mua lại từ nhà đầu tư sơ cấp/thứ cấp lô trái phiếu Quang Thuận, rồi bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp.

Trong các bộ hồ sơ mua bán trái phiếu với trái chủ, khi ký hợp đồng mua bán trái phiếu, TVSI cũng kèm luôn cả hợp đồng môi giới trái phiếu để ăn hoa hồng khi trái chủ muốn bán.

Với các “trọng trách” trên, đặc biệt là vai trò đại lý phát hành và môi giới, nhưng TVSI ký hợp tác với SCB để rồi gần như việc của TVSI do nhân viên SCB làm.

Minh chứng là, tại Biên bản làm việc ngày 11/5/2023 giữa các trái chủ mua trái phiếu qua SCB và TVSI, đại diện TVSI nêu: “Nhân viên SCB chịu trách nhiệm thực hiện giới thiệu, tư vấn, môi giới cho khách hàng. Khi khách hàng thực hiện các giao dịch mua thì thực hiện mở tài khoản giao dịch trên hệ thống của TVSI và lập các hợp đồng mua trái phiếu của khách hàng, in cho khách hàng đủ bộ hồ sơ giao dịch gồm hợp đồng mở tài khoản lưu ký trái phiếu, hợp đồng mua trái phiếu, đề nghị chuyển nhượng trái phiếu, hợp đồng môi giới trái phiếu, ủy nhiệm chi thanh toán số tiền mua trái phiếu để khách hàng ký xác nhận giao dịch và thực hiện chuyển tiền”.

Trong khi đó, theo Luật Chứng khoán 2019 và Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, thì đây là nhiệm vụ của TVSI, bởi tính đặc thù và nghiệp vụ.

Luật Chứng khoán 2019 còn quy định, công ty chứng khoán chỉ được phối hợp với tổ chức tín dụng để “cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán; cung dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán”.

Với SCB, theo Điều 103, Luật Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện các hoạt động kinh doanh như môi giới chứng khoán. Nói cách khác, SCB không được quyền tự nhân danh mình thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán, mà phải thông qua một công ty.

Trong khi đó, tại nhiều thông báo, TVSI khẳng định là công ty hoạt động độc lập. SCB không phải cổ đông của TVSI và hoàn toàn không có tác động đến việc điều hành TVSI.

Vậy quy định nào cho phép SCB trực tiếp làm trung gian trái phiếu doanh nghiệp do TVSI làm đại lý phát hành?

Bất thường hợp đồng mua bán trái phiếu

Theo điều tra của chúng tôi, các hợp đồng mua bán trái phiếu ký giữa TVSI và trái chủ cũng có điều bất thường. Hợp đồng này có 3 chữ ký gồm TVSI - trái chủ - nhân viên giới thiệu. Oái oăm là, nhân viên này lại không phải của TVSI, cũng không phải nhân viên SCB trực tiếp tư vấn giới thiệu “dụ” khách mua trái phiếu, mà là người khác… đứng hộ.

Việc này, trước chất vấn của trái chủ H.T.H.Hoa, TVSI có Văn bản số 76/20022/CV-TVSI ngày 28/11/2022 xác nhận: nhân viên giới thiệu ký tại trang 5 trên Hợp đồng mua bán trái phiếu An Đông số 032-001223/FLEX.ACD.2019.01/HĐMB ngày 6/10/2022 “không phải nhân viên TVSI”.

Không chỉ một trường hợp, ngày 25/5/2023, TVSI có Văn bản số 267/2023/CV-TVSI gửi trái chủ N.B.Ngọc xác nhận, trong hàng loạt hợp đồng mua bán trái phiếu An Đông phát hành năm 2018, 2019 như các hợp đồng số 208-000094/FLEX.ACD.2018.01/HĐMB ngày 28/10/2019, số 208-000774/FLEX.ACD-2018.09 ngày 31/8/2022 và Hợp đồng mua bán trái phiếu Vạn Trường Phát (doanh nghiệp phát hành lô trái phiếu ẵm 10.000 tỷ đồng rồi trụ sở biến mất) mã VTPCH2126002, các bà T.C.Tú, P.H.Trang ký tại phần nhân viên giới thiệu đều không phải nhân viên TVSI.

Vậy các nhân viên giới thiệu là ai? Trái chủ H.T.H.Hoa đã tức tốc lên chất vấn SCB Chi nhánh Tân Định (TP.HCM). Tại đây, trước mặt Giám đốc Phòng giao dịch Thanh Đa là ông Trần Trọng Nguyên, nhân viên trực tiếp làm mọi việc để bà Hoa mua trái phiếu tên là H.T.M.Linh đã thừa nhận nhờ người khác đứng tên ký trong hợp đồng mua bán: “Trong phần thông tin nhân viên giới thiệu, tôi đã gắn nhờ mã của nhân viên tư vấn N.T.Tuyết do chính sách ghi nhận KPLs không áp dụng gắn mã trực tiếp cho giao dịch viên”.

Và lời có cánh bất thường

Với thừa nhận của TVSI nêu trên, trách nhiệm được “đá” sang SCB. Vậy nhân viên SCB liệu có “giới thiệu chính xác đầy đủ thông tin trái phiếu doanh nghiệp do TVSI cung cấp”?

Các trái chủ cũng tố cáo rằng, nhân viên SCB chỉ cung cấp mẫu hợp đồng, bản tóm tắt các điều khoản và điều kiện trái phiếu và đặc biệt những tờ quảng cáo với những lời “có cánh” về lãi suất và những ưu việt của trái phiếu như “lãi suất cao hơn so với tiết kiệm thông thường, được rút cả gốc và lãi sau 31 ngày và cũng có thể được tất toán trước 31 ngày và là sản phẩm của SCB được chọn lọc kỹ càng, đảm bảo, là công ty của SCB…”.

Về vấn đề này, tại buổi làm việc ngày 28/10/2022 giữa SCB với trái chủ H.T.H.Hoa, nhân viên SCB tên N.T.Tuyết báo cáo, có đưa cho bà Hoa một mẫu hợp đồng mua bán trái phiếu có bảng tóm tắt các điều khoản và điều kiện trái phiếu và “tư vấn rất kỹ về lãi suất cũng như kỳ hạn của trái phiếu”.

Đọc bảng tóm tắt các điều khoản và điều kiện trái phiếu theo hợp đồng mua bán mà khổ chủ cung cấp, xem các tin nhắn “dụ” mua trái phiếu của nhân viên SCB, ngay cả trái chủ chuyên nghiệp cũng thấy hấp dẫn, bởi chủ yếu là những thông tin về lãi suất cao, thời hạn, ngày trả lãi, quyền sở hữu, trái phiếu này như… tiết kiệm linh hoạt, chỉ khác cái tên mà lợi hơn về lãi...

Trong khi đó, nhiều yếu tố rủi ro rất cao của loại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thể hiện trong bản công bố thông tin của tổ chức phát hành thì… không thấy tư vấn.

Chính điều này, cùng với việc tin tưởng SCB và nhân viên tư vấn vốn đã hỗ trợ giao dịch tiết kiệm lâu nay với mình, đến cả người mẹ già gần 80 tuổi của bà H.Đ.V cũng chuyển hơn nửa tỷ đồng tiền tích cóp đang gửi tiết kiệm tại SCB sang mua trái phiếu An Đông.

“Mẹ tôi gần 80, không biết dùng điện thoại. Đến khi tôi hỏi và thông báo là trái phiếu An Đông, bà vẫn ngơ ngác và không tin, bảo làm gì có chuyện đó. Bố tôi thì bị tai biến rồi, chẳng còn biết tình hình tiền của mình ra sao nữa...”, bà H.Đ.V nghẹn ngào.

Trả lời mâu thuẫn giữa TVSI và SCB

SCB: Trong mối quan hệ mua/bán trái phiếu giữa khách hàng với TVSI, tổ chức phát hành, thì SCB chỉ đóng vai trò là bên giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua trái phiếu cho TVSI. SCB không thực hiện nghiệp vụ tư vấn trái phiếu cho khách hàng.

(Trả lời trái chủ N.T.U.Phương)

TVSI: TVSI và SCB có ký hợp đồng hợp tác về việc giới thiệu, tư vấn môi giới nhà đầu tư nhận chuyển nhượng và chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, SCB sẽ giới thiệu những sản phẩm trái phiếu đến những khách hàng. Nhân viên SCB chịu trách nhiệm thực hiện giới thiệu, tư vấn, môi giới cho khách hàng…

(Trích biên bản TVSI làm việc với trái chủ ngày 1/5/2023)

Tất cả tài khoản TVSI tại SCB bị đóng băng

Trả lời chất vấn trái chủ ngày 5/4/2023 về việc TVSI phải chứng minh có gần 1.700 tỷ đồng tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và hơn 1.600 tỷ đồng tiền gửi thanh toán tại SCB, TVSI cho hay, không thể đưa ra văn bản phong tỏa từ Ngân hàng Nhà nước, hay SCB, do TVSI không nhận được quyết định phong tỏa chính thức. Chỉ khi không sử dụng được tài khoản ngân hàng, TVSI liên hệ với SCB, mới được thông báo là tất cả các tài khoản của TVSI tại SCB đều bị đóng băng.

TVSI đang nắm giữ gần 1.700 tỷ đồng trái phiếu, trong đó có khoảng 1.189 tỷ đồng thuộc trái phiếu liên quan nhóm Vạn Thịnh Phát, Sunshine… và hầu hết thuộc diện mua lại bắt buộc do vi phạm thanh toán gốc/lãi hoặc vấn đề khác. Còn lại hơn 500 tỷ đồng thuộc các doanh nghiệp khác, nhưng nhiều trái phiếu đang chờ xử lý tài sản đảm bảo hoặc có vấn đề khác.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan