Theo nội dung bài viết đã đăng tải, ông Ðỗ Hồng Sơn, Giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam, việc cách ly toàn xã hội đang tiếp diễn sẽ làm giảm rủi ro được bảo hiểm đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm phi nhân thọ. Theo luật định, người mua có quyền yêu cầu giảm phí bảo hiểm trong trường hợp này.
Cụ thể, các hoạt động phát sinh không thiết yếu như giao thông, vận tải, thậm chí một số công xưởng cũng vẫn sẽ phải đóng cửa.
Người dân hạn chế ra đường làm giảm rủi ro tai nạn giao thông cho chính họ và đồng thời làm giảm các rủi ro đối với bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tai nạn lái, phụ xe.
Nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, hàng hải, hàng không cũng giảm rủi ro khi Nhà nước cấm các chuyến bay quốc tế, hạn chế các chuyến bay nội địa, các đơn hàng đưa đi các quốc gia không thể xuất khẩu do ảnh hưởng lớn từ nhu cầu tiêu dùng của các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ Covid-19…
Sau khi bài viết được đăng tải, lãnh đạo một công ty bảo hiểm phi nhân thọ (đề nghị giấu tên) cho biết, đây chỉ là nhận định có tính suy luận, còn thực tế trong thời gian giãn cách xã hội, đối tượng được bảo hiểm vẫn có thể bị rủi ro.
Chưa kể, hoạt động bảo hiểm chịu sự quản lý bởi Bộ Tài chính nên không phải cứ muốn giảm phí hay điều chỉnh gì là làm được ngay!
Lãnh đạo một công ty khác cũng chung nhận định rằng, kể cả không hoạt động do cách ly thì rủi ro vẫn có thể bị xảy ra với khách mua bảo hiểm.
Chẳng hạn, rủi ro cháy nổ với nhà máy, nhà xưởng vẫn còn, nên không có cơ sở giảm phí.
Vị lãnh đạo này cho rằng, việc giảm phí (nếu có) cũng chỉ là sự thương lượng, chia sẻ, còn nhà bảo hiểm không buộc phải giảm phí hay gia hạn nộp phí.
Ở chiều ngược lại, không ít ý kiến tỏ ra đồng tình, không chỉ là việc “phải hay không phải” giảm phí, cho phép chậm nộp phí, mà còn là chuyện doanh nghiệp bảo hiểm nên chia sẻ với các doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm như một hình thức chung tay chống dịch.
Hình thức cụ thể có thể là tăng thêm thời gian bảo hiểm (không cần giảm phí) so với hợp đồng gốc, giảm phí tái tục năm tới, hoàn tiền lại một phần…
Vấn đề còn lại là xác định đúng đối tượng khách hàng và doanh nghiệp cần chủ động thông báo chính sách giống như ngành ngân hàng giảm lãi, cơ cấu lại nợ vay mà thôi.
Nếu doanh nghiệp chủ động thực hiện giảm phí, miễn phí… thì quá tốt, nhưng nếu chưa được tới mức đó thì chỉ cần doanh nghiệp bảo hiểm có chủ trương và thông báo công khai thì những khách hàng trong thời gian cách ly xã hội thấy không có rủi ro, có thể có đơn đề nghị miễn phí và miễn trách nhiệm bảo hiểm trong thời gian cách ly.
Khảo sát nhanh của Báo Ðầu tư Chứng khoán tại các doanh nghiệp phi nhân thọ cho thấy, hầu hết chưa có chương trình giảm, miễn phí bảo hiểm trong thời gian cách ly, thậm chí còn “chưa nghĩ tới điều này”.
Tuy nhiên, có những chương trình chung tay cũng rất đáng ghi nhận, chẳng hạn, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) giảm phí giảm 20% phí đối với bảo hiểm vật chất xe cơ giới và bảo hiểm hàng hóa cho các doanh nghiệp vay vốn từ các ngân hàng đối tác của PTI gồm VPBank, TPBank, ACB, LienVietpostBank… nằm trong diện được hưởng các gói ưu đãi tín dụng do tác động của dịch Covid-19 theo quy định của ngân hàng.
Hoặc một số chương trình đơn lẻ do chi nhánh các công ty bảo hiểm tại địa phương thực hiện, chẳng hạn như Bảo Việt Thừa Thiên Huế cho phép kéo dài thời hạn bảo hiểm đối với một số khách hàng có yêu cầu.
Tương tự, một đơn vị thành viên của Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) thì cho phép “tạm ngắt” hợp đồng bảo hiểm vật chất xe tối đa 3 tháng đối với các dòng xe du lịch, xe bus, xe khách liên tỉnh, taxi, xe kinh doanh vận tải.
Thời gian “tạm ngắt” sẽ được cộng nối sau khi khách hàng thực hiện khôi phục hiệu lực hợp đồng.