Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) cũng vừa có quý III thành công, với lợi nhuận đạt 167 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ, nhờ các tàu mới đưa vào khai thác cho hiệu quả ngay.
Theo PVT, Công ty đã mua tàu Hera từ quý II/2018 và tàu Sapphire từ quý IV/2018, cả hai đều khai thác với hiệu quả khá cao trong quý III/2019.
Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên cũng đầu tư và khai thác có hiệu quả các con tàu mua vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, gồm Gas Shipping đầu tư vận tải LPG (Thăng Long Gas và Đà Nẵng Gas), Nhật Việt đầu tư ba tàu vận chuyển LPG trọng tải 3.500 - 4.000 CBM (Lady Favia, Lady Linn và Gas Lotus), Phương Đông Việt đầu tư tàu chở dầu sản phẩm Synergy và Neptune, Pacific đầu tư một tàu dầu thô đầu quý III/2019 là Apollo.
Đồng thời, PVT tiếp tục có doanh thu về dịch vụ vận chuyển dầu thô từ đơn vị thành viên Pacific bằng tàu VLCC (tàu vận chuyển dầu thô cỡ lớn) cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm Dầu khí (PVC) cũng công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực hơn hẳn so với bức tranh quý lãi, quý lỗ trong năm 2018. Kỳ này, PVC ghi nhận doanh thu thuần hơn 617 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhờ kiểm soát tốt giá vốn nên lợi nhuận gộp của PVC tăng 30%, đạt gần 60 tỷ đồng. Công ty còn ghi nhận thêm 2,9 tỷ đồng lợi nhuận khác (cùng kỳ âm 1,5 tỷ đồng). Kết quả, Công ty ghi nhận lãi sau thuế 10,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 8 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, PVC đạt 1.605 tỷ đồng doanh thu thuần và 31,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nợ vay của Công ty đã giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm, còn 139,6 tỷ đồng, tương ứng giảm đến 76,8%, qua đó giúp chi phí lãi vay giảm từ 15,2 tỷ đồng còn 11,3 tỷ đồng. Công ty không có nợ vay dài hạn.
Với PVC, ngoài kết quả kinh doanh còn có một số thông tin đáng chú ý khác, đó là việc Hội đồng quản trị ban hành Nghị quyết về việc mua cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá cổ phiếu và làm cơ sở để huy động vốn cho đầu tư theo chiến lược phát triển của Công ty.
Cụ thể, PVC đã đăng ký mua tối đa 2,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương 5% số lượng cổ phiếu đang niêm yết. Nguồn vốn lấy từ thặng dư vốn cổ phần.
Đồng thời, PVC cũng dự định chuyển nhượng hơn 1,46 triệu cổ phần tại CTCP Bất động sản Dầu khí (Petrowaco).
Giá chuyển nhượng tối thiểu theo giá giao dịch trên sàn chứng khoán, nhưng không thấp hơn 14.523 đồng/cổ phiếu (theo chứng thư thẩm định giá). Dự kiến, việc thoái vốn sẽ hoàn thành trước ngày 27/3/2020.
Nếu chuyển nhượng thành công, PVC có thể thu về tối thiểu 21,3 tỷ đồng.
Trái ngược với sự “hồi sinh” của PVC, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) đang có một năm kinh doanh đáng buồn.
Doanh thu thuần 9 tháng vẫn tăng 26% so với cùng kỳ, đạt 4.648 tỷ đồng, nhưng giá vốn tăng gần 28% và các chi phí lãi vay và bán hàng tăng đã khiến Công ty chỉ lãi ròng 62 tỷ đồng, giảm gần 72% so với cùng kỳ 2018.
Tại thời điểm cuối quý III, PVS đang có số dư tiền gửi ngân hàng lên tới hơn 10.600 tỷ đồng và khoản phải thu 3.463 tỷ đồng, tăng khoảng 400 tỷ đồng chủ yếu do tăng phải thu từ Idemitsu Oil & Gas Co,Ltd (nhà điều hành dự án Sao Vàng Đại Nguyệt).
PVS cũng đang có khoản chi phí phải trả tăng hơn 1.300 tỷ đồng (ở mức 2.399 tỷ đồng) do tăng chi phí tại các dự án Sao Vàng Đại Nguyệt, Hải Sư Trắng Đen, Cá Rồng Đỏ.
Và khoản dự phòng phải trả tăng khoảng 400 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng do tăng dự phòng bảo hành công trình xây dựng tại Sao Vàng Đại Nguyệt.
Doanh nghiệp cùng ngành là Tổng công ty Xây dựng Dầu khí (PVX) đến thời điểm này vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý III, nhưng một kết quả tiêu cực được thị trường dự báo.
Trước đó, tại báo cáo soát xét báo cáo tài chính bán niên 2019 của PVX, Công ty Kiểm toán Deloitte đã đưa ra 9 vấn đề làm cơ sở cho việc không đưa ra kết luận đối với báo cáo.
Đồng thời, kiểm toán cũng nhấn mạnh đến khoản cho vay và bảo lãnh vay cho một số công ty khác với số tiền lần lượt 436,3 tỷ đồng và 237,9 tỷ đồng; PVX còn có một khoản nợ tiềm tàng.