Bảo hiểm nhân thọ gặp sự cố
Năm 2023, sự cố của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) không chỉ ảnh hưởng đến việc ra đời của một công ty bảo hiểm nhân thọ mới, mà còn tạo ra cuộc khủng hoảng truyền thông cho ngành bảo hiểm với những kiện cáo về việc bán bảo hiểm qua ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ vốn bị chững lại vì dịch Covid-19 lại gặp thêm cuộc khủng hoảng truyền thông khiến doanh thu suy giảm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Khó có thể đưa ra dự báo thời điểm doanh thu phí mới của thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng trưởng trở lại, nhưng theo nhận định của các doanh nghiệp, sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu cho sự tăng trưởng của ngành. Bên cạnh đó, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ hiện tại ở mức thấp nên ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng.
“Dù có đến 19 công ty, nhưng ngành bảo hiểm nhân thọ không phải là mảnh đất đã quá chật chội. Việt Nam có đến 100 triệu dân mà mới có khoảng 12 triệu hợp đồng bảo hiểm, nên thị trường vẫn còn nhiều dư địa. Đó là chưa kể các doanh nghiệp bảo hiểm hiện tại tập trung khai thác các kênh truyền thống, các kênh khác chưa có gì đột phá, đặc biệt là Insutech (công nghệ bảo hiểm), nên ‘đất diễn’ cho các doanh nghiệp cũ và mới vẫn còn nhiều”, lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Trong 19 công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động, có 3 công ty là liên doanh, gồm BIDV MetLife, MB Ageas Life và MAP Life. Trên thị trường có đồn đoán về việc bên nước ngoài trong một liên doanh muốn mua lại toàn bộ vốn góp của bên trong nước, nhưng hiện tại vẫn chỉ là đồn đoán.
Trước đó, tháng 3/2022, Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (FWD Assurance Việt Nam) thông báo chuyển đổi quyền sở hữu 100% vốn điều lệ sang một nhóm nhà đầu tư có liên quan đến một ngân hàng thương mại cổ phần trong nước và báo cáo đến Bộ Tài chính việc hoàn tất giao dịch để tiến hành điều chỉnh giấy phép hoạt động theo các quy định hiện hành.
Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ vẫn hấp dẫn dòng vốn ngoại, dù chưa hồi phục về mức trước dịch Covid-19 và lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp suy giảm.
FWD Assurance Việt Nam là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn FWD, ra đời khi Tập đoàn mua lại Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif (liên doanh giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif).
Sau khi mua lại quyền sở hữu FWD Assurance Việt Nam, các nhà đầu tư mới đã nhanh chóng xây dựng bộ máy tuyển dụng nhân sự, cũng như hoàn tất các bước để trình cơ quan chức năng đổi tên công ty và đợi cơ quan chức năng phê duyệt việc chấp nhận đủ điều kiện kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, thương vụ trên đã không có một cái kết trọn vẹn khi sự cố xảy ra với nhóm nhà đầu tư mua lại FWD Assurance Việt Nam. Đến thời điểm này, toàn bộ nhân sự đã tuyển dụng của công ty bảo hiểm mới đã nghỉ hết và công ty hiện chỉ tồn tại trên giấy tờ.
Trong khi đó, sau khi bán FWD Assurance Việt Nam cho nhóm nhà đầu tư mới, Tập đoàn FWD hiện chỉ còn sở hữu Công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Việt Nam) tại thị trường Việt Nam. FWD Việt Nam tiền thân là Công ty Bảo hiểm Great Eastern Việt Nam, được Tập đoàn FWD mua lại và đổi tên như hiện nay vào năm 2016.
Cũng trong năm 2022, thị trường chứng kiến một cuộc sang tên đổi chủ khác khi The Manufacturers Life Insurance Company, một thành viên của Tập đoàn Tài chính Manulife hoàn tất việc mua lại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Aviva Việt Nam (Aviva Việt Nam) và đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI.
Bảo hiểm phi nhân thọ có những thương vụ lớn
Trái ngược với sự trầm lắng của hoạt động chuyển nhượng vốn trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vài năm trở lại đây liên tục có những thương vụ mới.
Cụ thể, tháng 9/2021, Hội đồng quản trị Bamboo Capital phê duyệt chủ trương mua lại 71% cổ phần Bảo hiểm AAA.
Tháng 12/2021, VNPost hoàn tất bán đấu giá thoái vốn toàn bộ số cổ phần sở hữu tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI). Hiện nay, PTI có 2 nhóm cổ đông lớn nhất là Công ty Chứng khoán VNDIRECT và các cổ đông theo ủy quyền (chiếm 42,33% vốn) và Công ty Bảo hiểm DB đến từ Hàn Quốc (chiếm 37,32% vốn).
Tại Công ty cổ phần PVI, HDI Global SE liên tục có động thái mua vào cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 38% và hiện tiếp tục đăng ký mua thêm.
Trong quý I/2023, có 2 công ty bảo hiểm thuộc Top 10 là Bảo hiểm Hàng không (VNI) và Bảo hiểm Quân đội (MIC) tiếp tục đón dòng vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài. PYN Elite Fund - quỹ đầu tư đến từ Phần Lan đã mua thêm 500.000 cổ phần MIC, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,99% lên 5,29%, trở thành cổ đông lớn thứ hai, sau MB với tỷ lệ sở hữu 68,4%. Còn DB Insurance trở thành cổ đông lớn nhất của VNI với tỷ lệ sở hữu 75%, sau khi ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phiếu của nhóm cổ đông, bao gồm 19 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức.
Trung tuần tháng 6/2023, DB Insuarance tiếp tục hâm nóng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam với thông tin ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng 75% cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH).
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ duy trì được sức hút đối với dòng vốn ngoại, bất chấp thị trường chưa hồi phục về mức trước dịch Covid-19 và lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp suy giảm.
Chia sẻ với các nhà đầu tư mới đây, ông Jens Holger Wohlthat, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI cho biết, đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, mức độ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam còn rất thấp, nên còn nhiều dư địa để phát triển. HDI Global SE, cổ đông lớn nhất của PVI (công ty mẹ của Bảo hiểm PVI) nhấn mạnh lại cam kết hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để Công ty đạt được mục tiêu phát triển lớn mạnh ra các thị trường khác ngoài Việt Nam.
Ngoài những chuyển động trên, thị trường đang chờ đợi động thái mới trong lộ trình thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tại Bảo hiểm Bảo Minh (BMI). Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room) của PJICO và PTI đã được chấp thuận tăng từ 49% lên 100%. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài không còn gặp hạn chế về room ngoại khi đầu tư mua cổ phần tại 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ này.