Chênh lệch lãi suất USD và VND là một trong những yếu tố khiến khối ngoại bán ròng

Chênh lệch lãi suất USD và VND là một trong những yếu tố khiến khối ngoại bán ròng

Trái chiều dòng vốn ngoại và cơ hội lớn phía trước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, thì vài quý gần đây dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) lại duy trì động thái bán ròng. Tuy nhiên, triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán có thể khiến dòng vốn gián tiếp sớm đảo ngược xu hướng.

Ấn tượng với FDI

Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thu hút FDI và có nhiều yếu tố hỗ trợ để phát triển thành trung tâm tài chính như tăng trưởng kinh tế cao, dân số đông và trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và dần trở thành trung tâm chế biến, chế tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Sau khi dẫn đoàn các định chế tài chính thăm và tìm hiểu thông tin về địa phương, doanh nghiệp vào cuối tháng 2/2024, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Kinh doanh Khối Khách hàng định chế, Công ty Chứng khoán Maybank Investment bank cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường nổi bật với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, có lợi thế về chi phí sản xuất, lực lượng lao động và Chính phủ thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ (năm 2023 đạt mức kỷ lục 579.800 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2022), dư địa phát triển dân số đô thị còn lớn (hiện mới chiếm 37,3% tổng dân số).

Nền kinh tế được thúc đẩy bởi các hoạt động bán lẻ và tiêu dùng; lĩnh vực bán lẻ năm 2023 tăng 9,6%; doanh số bán lẻ thực tế đạt hơn 6,2 triệu tỷ đồng). Trong khi đó, tầng lớp trung lưu có xu hướng gia tăng (từ 14% năm 2012 lên 36% năm 2020), tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân đầu người thời gian tới dự kiến đạt 6,9% (hiện tại là 4.110 USD/người).

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2023, giải ngân FDI lập kỷ lục 23,1 tỷ USD, tăng 3,5%; trong khi FDI đăng ký mới đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022 và là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Hiện Chính phủ đang nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm duy trì sự quan tâm của dòng vốn FDI sau khi áp thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) kể từ đầu năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong năm qua và đầu năm nay, Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Australia lên cấp độ đối tác chiến lược toàn diện. Điều này cho thấy cam kết của Chính phủ trong việc tận dụng xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy FDI và nâng cao khả năng xuất khẩu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bằng chứng rõ ràng cho xu hướng này là xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2023 tăng gấp ba lần so với năm 2018 và Việt Nam hiện đứng thứ ba trong số các quốc gia xuất siêu sang Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

FII sụt giảm

Dữ liệu giao dịch trên thị trường chứng khoán cho thấy, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng. Từ đầu năm 2024 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 10.000 tỷ đồng cổ phiếu; nếu tính từ tháng 3/2023, khối ngoại bán ròng hơn 38.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD).

Chênh lệch lãi suất đồng USD và đồng VND là một trong những yếu tố chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại. Việc lãi suất chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) neo cao (5,25 - 5,5%/năm) trong ngắn hạn giúp chỉ số USD duy trì ở mức cao (quanh 105 điểm), tạo ra áp lực tỷ giá cho các đồng tiền khác, trong đó có VND. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị như xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas có xu hướng lan rộng làm gia tăng tâm lý phòng thủ vào các tài sản an toàn.

Ngoài ra, cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự mất cân đối giữa các nhóm ngành. Nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, công ty tài chính và bảo hiểm) chiếm đến gần 50% tổng giá trị vốn hóa. Nếu tính cả bất động sản, con số này có thể lên đến gần 70%. Trong khi đó, các lĩnh vực thu hút sự chú ý của khối ngoại như công nghệ, y tế, bán lẻ, năng lượng lại chiếm tỷ trọng nhỏ, số lượng cổ phiếu không nhiều, khiến nhà đầu tư nước ngoài thiếu sự lựa chọn chất lượng để rót vốn dài hạn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, các áp lực này là ngắn hạn, áp lực tỷ giá sẽ dần ổn định, giúp đồng VND trở nên mạnh hơn trong trung dài hạn và thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại với thị trường Việt Nam. Đặc biệt, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital nhấn mạnh, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được MSCI nâng hạng, dòng vốn ngoại sẽ quay lại mạnh mẽ. Bên cạnh các quỹ ETF đầu tư theo các chỉ số của MSCI và FTSE, dòng tiền lớn từ các quỹ chủ động cũng sẽ tìm đến đầu tư vào chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024 sẽ dần tích cực hơn, nhờ triển vọng lợi nhuận phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi của thị trường chứng khoán và khả năng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu sang các thị trường mới nổi bao gồm Việt Nam sau khi Fed giảm lãi suất…

Hoá giải các thách thức

Năm 2023, giải ngân FDI lập kỷ lục 23,1 tỷ USD, FDI đăng ký mới đạt 36,6 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua.

Ý kiến từ lãnh đạo các công ty chứng khoán có thế mạnh về mảng ngân hàng đầu tư cho rằng, trên thị trường niêm yết đang cho thấy con số bán ròng của khối ngoại, nhưng nếu nhìn cả những dòng vốn không đổ vào thị trường niêm yết - quỹ đầu tư tư nhân, thì họ vẫn “sục sạo” tìm cơ hội đầu tư ở các doanh nghiệp tốt tại Việt Nam. Các quỹ đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước đang quản lý hàng trăm tỷ USD, họ cần cơ hội đủ lớn. Với doanh nghiệp, quỹ đầu tư tư nhân sẽ hỗ trợ về quản trị, kết nối thị trường. Đến thời hạn thoái vốn (thường là sau 5 năm), doanh nghiệp đó sẽ là nguồn hàng chất lượng, kỳ vọng xuất hiện trên sàn chứng khoán.

Vấn đề là thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang thiếu hàng hoá chất lượng quy mô lớn. Mặt khác, thị trường thường biến động mạnh, do tỷ lệ tham gia đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân quá lớn, chiếm gần 85% thanh khoản toàn thị trường. Ngoài ra, mức thanh khoản thấp so với các thị trường mới nổi trong khu vực và tính minh bạch thông tin chưa cao.

Tuy nhiên, những đặc điểm trên tương đối phổ biến trong các thị trường chứng khoán cận biên.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam nhận xét, về tổng thể thì các nhà đầu tư nước ngoài có đánh giá tích cực đối với Việt Nam về nhiều mặt, nhưng vẫn tồn tại thách thức khiến Việt Nam chưa thu hút được nhiều nguồn vốn. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, khi đáp ứng các điều kiện để được nâng hạng thì thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn ngoại cho tới năm 2030.

Hiện tại, ở góc độ của một công ty quản lý quỹ, Dragon Capital nhận thấy, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty niêm yết tại Việt Nam chưa thuận lợi, liên quan đến giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại), quy mô của các doanh nghiệp, khả năng thanh khoản cổ phiếu, nhà đầu tư phải chuyển tiền trước thì mới được giao dịch, doanh nghiệp không đăng tải thông tin bằng tiếng nước ngoài.

Ông Nguyễn Anh Đức cho biết, tiếp xúc hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, họ đánh giá những thông điệp và hành động của Chính phủ thể hiện sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Điều này đã góp phần giúp nhà đầu tư ngoại trở nên tin tưởng hơn vào triển vọng dài hạn của thị trường, từ đó giúp họ đưa ra quyết định đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, SSI nhận thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mong chờ một số thay đổi rõ ràng hơn trong các vấn đề sau.

Một là, cải thiện hơn nữa về mặt thông tin tới nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Thông tin công bố phải đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, minh bạch với mọi nhà đầu tư.

Hai là, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, từ đó giúp gia tăng lượng hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán. Không ít nhà đầu tư ngoại đang gặp vấn đề trong việc lựa chọn các công ty mục tiêu, vì họ không có quá nhiều lựa chọn tại Việt Nam nếu so sánh với một số thị trường trong khu vực.

Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể cân nhắc cho phép các doanh nghiệp FDI đáp ứng các điều kiện được huy động vốn và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ba là, giải quyết có hiệu quả vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết chất lượng đều đã đạt giới hạn về room ngoại, nên nhà đầu tư ngoại gặp khó khăn trong việc đầu tư (hoặc không mua được đủ số lượng cổ phiếu cần thiết, hoặc phải chấp nhận mua với giá cao từ các nhà đầu tư ngoại khác). Điều này hạn chế về hoạt động đầu tư đối với hầu hết các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tin bài liên quan