Vào tuần cuối cùng của tháng 12, tổng thầu TCD dự án Amor Riverside Villas đã làm lễ cất nóc căn mẫu và dự kiến hoàn thành nhà mẫu vào 30/4/2022. Dự án tọa lạc tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, có giá trị hợp đồng xây dựng 240 tỷ đồng, với tổng diện tích xây dựng 1,58 ha bao gồm 33 căn villa và công viên cảnh quan.
Dự án hiện đang làm chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật nội khu đạt trên 80%. Các căn villas khác hiện đang triển khai đồng loạt san nền và ép cọc. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2022.
Như vậy, tiến độ thi công các dự án xây dựng đang được TCD đẩy nhanh trở lại sau đại dịch. Ở riêng mảng hoạt động này, TCD đã ký các dự án tới 2023 - 2024 với giá trị Backlog tính đến hết quý 3/2021 đạt xấp xỉ 8.500 tỷ đồng (gấp 03 lần doanh thu xây dựng 4 quý gần đây). Các hợp đồng này đủ để đảm bảo nguồn công việc cho TCD tới năm 2024 dù thị trường xây dựng dân dụng đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Dự án Hoian D'or đang thi công cấp tập |
Gắn với lĩnh vực xây dựng, mảng đá xây dựng của TCD cũng được đánh giá tích cực khi hưởng lợi từ chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến vốn ngân sách đầu tư trong 2021 - 2025 sẽ tăng 37% so với giai đoạn 2016 - 2020.
Mỏ đá Antraco đã đạt công suất tối đa (1,5 triệu m3) từ năm 2020 và TCD đã xin gia tăng công suất lên 2,5-3 triệu m³/năm và thêm 50 triệu m3 trữ lượng. Đá Antraco có cường độ kháng nén cao, đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của các công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Trong khi đó, chi phí khai thác tại mỏ đá thấp do đây là mỏ lộ thiên, tới nay mới khai thác tới trên mặt đất 10m.
Bên cạnh đó, đá Antraco có bến cảng vận chuyển riêng, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển và tăng diện tích thị trường tiêu thụ. Trong khi, nguồn cung đá xây dựng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thấp nhất cả nước. Đây là lợi thế quan trọng của TCD.
Khai thác đá tại Antraco |
Dưới kịch bản Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 và không phải áp dụng giãn cách xã hội trong 2021 – 2022, CTCK FPTS đánh giá triển vọng ngắn hạn lĩnh vực đối với lĩnh vực xây dựng và đá xây dựng của TCD. Về dài hạn, chiến lược phát triển của TCD gắn liền với chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng tại ĐBSCL của Chính phủ. Không chỉ hướng tới thi công và cung cấp đá cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực, TCD còn đặt mục tiêu trở thành nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông qua cơ chế Đầu tư đối tác công – tư (PPP – Public-Private Partnership).
FPTS đánh giá, đây là chiến lược khả thi khi nguồn vốn ngân sách đầu tư cho khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2021 – 2025 chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, dù đã tăng mạnh so với giai đoạn 2016 – 2020.
Thêm nữa, cơ chế PPP đang trở nên hấp dẫn hơn với các đầu tư tư nhân do khung pháp lý đang dần được hoàn thiện thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021). Trong đó, một số thay đổi quan trọng bao gồm: quy định cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, giúp tăng minh bạch và giảm rủi ro cho các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia vào PPP và Nhà nước có thể tham gia góp vốn vào dự án PPP lên tới 50% tổng mức đầu tư của dự án, giảm yêu cầu vốn cho nhà đầu tư.
Tới nay, TCD đã đáp ứng đủ yêu cầu tham gia thi công các dự án hạ tầng quy mô lớn (Chứng chỉ năng lực thi công và quản lý dự án hạng I) và đã tham gia một số dự án như nâng cấp, mở rộng ĐT 830 và ĐT 824 ( BOT); đường tỉnh 839 - Long An; hệ thống hạ tầng kỹ thuật Đại học Quốc gia TP.HCM; đường nội bộ & hệ thống thoát nước Công ty MD Việt Nam; Hương lộ 29 - Ô Môn, Cần Thơ; khu tái định cư Tam Quang 2 – Núi Thành, Quảng Nam; đường Trục chính Khu Đô thị mới Tam Phú - Quảng Nam; đường nối hầm Hải Vân – Túy Loan, Đà Nẵng; …
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập hôm 27/12/2021, Tập đoàn mẹ Bamboo Capital đã ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Sóc Trăng và UBND tỉnh Bến Tre. Bamboo Capital sẽ nghiên cứu, khảo sát và đề xuất các dự án phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre. Dự kiến, lộ trình từ năm 2021-2025, Bamboo Capital sẽ đầu tư khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng để phát triển các dự án trọng điểm tại hai tỉnh này. Trong đó TCD sẽ đề xuất với UBND tỉnh Sóc Trăng để khảo sát, nghiên cứu tiền khả thi dự án trục kết nối nam bắc song hành tuyến nam sông Hậu kết nối cầu Đại Ngãi trong tương lai cũng như quy hoạch một số tuyến giao thông khác đáp ứng hạ tầng giao thông cho cảng nước sâu Trần Đề trong tương lai.
FPTS đánh giá khả quan về các khoản đầu tư lớn của TCD. Cụ thể, các khoản đầu tư vào bất động sản đóng góp khoảng 270 tỷ lợi nhuận trong 04 quý gần đây (~77% lợi nhuận sau thuế). Bên cạnh đó, khoản đầu tư ngắn hạn 29 triệu cổ phiếu TPB đang có lợi nhuận chưa thực hiện 470 tỷ (tương ứng tỷ lệ sinh lời 49% sau 02 tháng).