Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương phải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp

Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương phải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp

Trách nhiệm giải trình

Số lượng văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị nhiều bộ, ngành nợ đọng đang ngày một tăng. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa phải lên tiếng nhắc nhở và đưa ra những hạn định mới.

Tình trạng nợ đọng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các bộ, ngành, những người đứng đầu và các công chức có liên quan, thậm chí có thể bị nêu danh trong các cuộc họp Chính phủ hàng tháng. Nhưng với doanh nghiệp, 1 ngày chờ đợi là 1 ngày tiền và cơ hội kinh doanh bị vuột đi, chi phí kinh doanh tăng lên.

Quan trọng hơn, các kế hoạch kinh doanh mà doanh nghiệp xây dựng nương theo cam kết của Chính phủ trong lộ trình hoàn thiện hệ thống chính sách bị đặt ở thế rủi ro. Niềm tin kinh doanh cũng bởi thế, mà lung lay ít nhiều. Doanh nghiệp không thể an tâm làm ăn với những nền tảng chông chênh như vậy! 

Phải nhắc lại, ngay trong cuộc làm việc vào tuần trước với một số bộ, ngành, cơ quan liên quan để bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm “bứt phá” 2019, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, sự trì trệ của một số sở, ban, ngành, một số cục, vụ làm ảnh hưởng đến sự phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, các địa phương phải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, thuận lợi hơn nữa, loại bỏ các rào cản gây khó dễ, chậm trễ, vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Mọi nguồn lực cần được tập trung thu hút cho phát triển, tăng trưởng.

Rõ ràng, những kế hoạch hoàn thiện hệ thống, chính sách, yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, làm rõ quy trình kiểm tra chuyên ngành, yêu cầu cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp… của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ. Mặc dù đã có kết quả đáng kể về số lượng văn bản cắt giảm, nhưng tình trạng văn bản có quy định trái pháp luật, “cài cắm” bảo vệ lợi ích cục bộ hoặc tư duy “không quản được thì trói” vẫn váng vất. Đặc biệt, trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, địa phương với những yêu cầu, quy định mới, những văn bản sửa đổi, bổ sung chưa tốt, gây nên những khó hiểu, thậm chí bất bình trong cộng đồng kinh doanh. 

Có thể nhắc tới chuyện “mất bằng lái xe phải thi lại”, hay xử phạt đến 90 triệu đồng một người dân đi đổi 100 đô la Mỹ, nhưng lại chỉ phạt 200.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục. Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại bỏ bèo, cây chuối ra khỏi diện thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành… Đó còn là chuyện 6 lần trình, 6 lần trả về Dự thảo Nghị định về Kinh doanh vận tải bằng ô tô… nhưng Bộ Giao thông - Vận tải vẫn chưa quyết được quản lý nhà nước với các hình thức vận tải hành khách thế nào…

Phải nhắc lại phương châm hành động của Chính phủ trong năm 2019. Đó là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá".

Doanh nghiệp không thể bứt phá trên những nền tảng chông chênh, thiếu trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tin bài liên quan