Trách nhiệm của Trung ương rất lớn trong việc khoán tăng trưởng cho địa phương

0:00 / 0:00
0:00
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thời gian của năm 2025 không còn nhiều nếu nhìn ở góc độ thủ tục, vì vậy, trách nhiệm của Trung ương rất lớn trong việc thực hiện khoán tăng trưởng cho địa phương.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Thưa ông, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, các địa phương đều cam kết mức tăng trưởng cao, thậm chí cao hơn cả chỉ tiêu mà Chính phủ đã phân giao. Có thể hình dung, năm nay, tăng trưởng của các địa phương sẽ có sự bứt tốc?

Năm nay, nếu làm tốt cam kết tăng trưởng, bao gồm cả trách nhiệm của Trung ương và của địa phương, tăng trưởng GRDP của các địa phương sẽ bứt tốc. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là trong bài toán tăng trưởng của các địa phương, cả trách nhiệm rất lớn của Trung ương.

Có thể thấy rõ điều này trong các kế hoạch tăng trưởng của nhiều địa phương, với những đề xuất cụ thể gửi Chính phủ, từ việc hỗ trợ địa phương tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, đẩy mạnh thủ tục... đến việc thực hiện những cơ chế đặc thù.

Như vậy, dù đã khoán tăng trưởng, đã trao quyền cho địa phương, nhưng trách nhiệm của Trung ương không chỉ là phải tạo điều kiện cho địa phương thực hiện, mà còn là cam kết thực hiện phần việc thuộc thẩm quyền.

Vì vậy, tôi cho rằng, với những đề xuất của địa phương, các cơ quan Trung ương phải làm rõ có thể xử lý được gì, cam kết thực hiện ra sao, những gì cần thời gian...

Ví dụ, địa phương muốn thu hút thêm một vài dự án chưa có trong quy hoạch, chưa có trong kế hoạch đầu tư 5 năm có được không, nếu được thì theo quy trình nào, có thể có thêm nguồn vốn ngân sách bổ sung không... Việc thực hiện có lẽ cần dựa trên cam kết theo kiểu hợp đồng, đảm bảo trách nhiệm của các bên.

Trong đề xuất của một số địa phương, có thể thấy lo ngại về thủ tục vẫn còn...

Đây là thực tế, nhất là khi việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy ở Trung ương đang được thực hiện. Trong bối cảnh hiện tại, yêu cầu gỡ vướng thủ tục, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản cần được đặt lên hàng ưu tiên.

Thực tế cho thấy, ách tắc trong thị trường bất động sản tạo nên sự cản trở rất lớn, nếu gỡ được nhanh sẽ tạo nên sức trỗi dậy trong hoạt động đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã nói là “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, nghĩa là phải gỡ bằng được các vướng mắc này, giải quyết các vấn đề về thủ tục

Thủ tục giảm đi, các dự án sẽ tăng tốc. Thời gian cũng là áp lực trong tăng trưởng năm nay dù giờ mới là đầu năm. Chính vì vậy, tôi vẫn cho rằng vẫn phải ưu tiên tháo gỡ thủ tục, đẩy nhanh tốc độ các công việc, từ Trung ương đến địa phương...

Năm nay, nhiều địa phương xác định mức tăng trưởng cao hơn năm ngoái, có địa phương cao hơn 1-2%. Ông nghĩ thế nào về tính khả thi?

Tôi nghĩ là cũng có thể đạt được khi các địa phương đã xác định rõ lợi thế, nhận diện rõ cơ hội, các điều kiện và có cách làm. Nhưng vấn đề là họ cũng đã chỉ ra những lý do chưa làm được. Mấu chốt có lẽ là ở cái chỗ đấy. Giờ thì giải quyết các lý do này, thì sẽ tạo ra dư địa cho tăng trưởng.

Cách làm này cũng cần phải được xử lý trong việc gỡ vướng thủ tục, vướng mắc pháp lý, nhất là trong các dự án bất động sản để đẩy nhanh tốc độ. Ví dụ một dự án có 10 khâu, nhận diện chỉ tắc một khâu thôi, thì cần có giải pháp để 9 khâu kia vận hành bình thường, phần ách tắc có thể tạm thời tách riêng ra xử lý, thay vì dừng cả dự án để đợi giải quyết 1 khâu.

Tin bài liên quan