Vụ lừa đảo gửi vàng tại Tổng công ty Vàng Agribank qua nhiều           cấp xét xử vẫn chưa rõ ai có trách nhiệm bồi thường

Vụ lừa đảo gửi vàng tại Tổng công ty Vàng Agribank qua nhiều cấp xét xử vẫn chưa rõ ai có trách nhiệm bồi thường

Trách nhiệm bồi thường, pháp nhân hay cá nhân?

(ĐTCK) Nhiều vụ án xảy ra, khi người của pháp nhân trở thành bị cáo đứng trước vành móng ngựa thì việc tranh chấp ai là người chịu trách nhiệm bồi thường cho các bị hại, thường là các khách hàng của pháp nhân, luôn kéo dài dai dẳng.

Một vụ việc nổi cộm đã kéo dài từ năm 2011, qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử đến nay vẫn chưa thể kết thúc. Đó là vụ việc xảy ra tại Tổng công ty Vàng Agribank. Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Chi nhánh Hà Đông của Tổng công ty Vàng Agribank, bằng thủ đoạn đứng ra nhận gửi giữ vàng giúp khách hàng. Từ tháng 5 đến 10/2011 đã chiếm đoạt 1.471 chỉ vàng, tương ứng gần 6,4 tỷ đồng của 5 cá nhân.

Tại cấp sơ thẩm, bên cạnh hình phạt 20 năm tù giam, Tòa án xác định bị cáo Nguyễn Tuấn Anh còn phải bồi thường cho các bị hại số vàng đã chiếm đoạt. Không chấp nhận việc Tổng công ty Vàng Agribank đứng ngoài cuộc, các bị hại đã kháng cáo vì cho rằng, họ không giao dịch với tư cách cá nhân Nguyễn Tuấn Anh mà là giao kết hợp đồng và gửi vàng cho người đại diện Chi nhánh Vàng Hà Đông. Việc Tuấn Anh có đưa vàng vào sổ sách, kho giữ của cơ quan hay không, khách hàng không thể biết và cũng không có nghĩa vụ phải biết. Vì thế, các bị hại yêu cầu Tổng công ty Vàng Agribank phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại phần bồi thường dân sự.

Kết quả, tại cấp phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội đã chấp nhận kháng cáo của các bị hại, đồng thời tuyên buộc Tổng công ty Vàng Agribank phải bồi thường toàn bộ 1.471 chỉ vàng cho khách hàng. 

Nhưng vụ án vẫn chưa kết thúc khi vào tháng 3 vừa qua, Chánh án TADN Tối cao đã có quyết định Kháng nghị số 09/2014/KN-HS cho rằng, căn cứ hồ sơ, tài liệu, lời khai, có đủ cơ sở kết luận Nguyễn Tuấn Anh có mục đích chiếm đoạt tài sản của những người bị hại ngay từ đầu, nên đã dùng thủ đoạn gian dối để nhiều cá nhân tin là thật và gửi vàng.

Quá trình các bị hại đến giao dịch gửi vàng đều được Tuấn Anh tiếp đón tại phòng làm việc riêng và đối tượng đã cố ý đưa ra những thông tin không đúng sự thật là gửi vàng có lãi suất nội bộ. Khi được các bị hại đồng ý, cựu Phó giám đốc Chi nhánh Vàng Hà Đông lập tức chỉ đạo Trần Ngọc Minh (nhân viên không có thẩm quyền) lập hồ sơ gửi giữ vàng trái quy định.

Tại Bộ luật Hình sự, Điều 618 đã quy định rõ về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. Theo đó, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, về cơ bản, nếu một nhân viên, lãnh đạo của một công ty, pháp nhân nào đó gây ra thiệt hại cho khách hàng khi đang công tác, làm nhiệm vụ được giao thì pháp nhân phải có trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trường hợp khi các vụ án xảy ra, pháp nhân không chấp nhận bồi thường và cho rằng, người phải chịu trách nhiệm bồi thường chính là bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Tất nhiên, các bị hại, những người từng là khách hàng của pháp nhân, sẽ không chấp nhận điều này, bởi lẽ họ không giao kết với cá nhân bị cáo mà ký hợp đồng với pháp nhân, còn các bị cáo chỉ là người đại diện của pháp nhân, được pháp nhân giao nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền để thực hiện công việc.

Đơn cử như vụ việc mới đây khi giám đốc chi nhánh của một DN bất động sản đã đứng ra bán hàng loạt lô đất cho hơn một trăm người, thu gần 100 tỷ đồng. Khi vụ việc vỡ lở, DN bất động sản không chấp nhận bồi thường cho khách hàng bởi người đứng ra bán các lô đất không được phân cấp, phân quyền, chi nhánh cũng không có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Không chỉ thế, khách hàng khi giao dịch thì trao tay tiền mặt ngay trên xe ô tô hoặc là tại quán café mà không hề đến trụ sở công ty để ký kết hợp đồng…

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phụng, thành viên Ủy ban Tư pháp thuộc Quốc hội, ở đây phải xem xét từng trường hợp cụ thể, nếu nhân viên đại diện cho pháp nhân tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch và trong quá trình thương thảo, ký kết, thực hiện…, nhân viên có sai phạm dẫn đến thiệt hại tài sản của khách hàng (ở đây phải nhấn mạnh là giao dịch của khách hàng phải hợp pháp, không có “khuất tất” gì), thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm.

Nhân viên là do DN tuyển dụng, được phân công, bổ nhiệm để thay mặt pháp nhân thực hiện giao dịch, thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm đến cùng, không thể để khách hàng chịu thiệt. Sau đó, trong nội bộ của pháp nhân có thể xử lý cá nhân làm sai với nhiều hình thức như điều chuyển, cho thôi việc, yêu cầu bồi thường, thậm chí cả trách nhiệm hình sự.

Nhưng nếu nhân viên của pháp nhân tham gia giao dịch với tư cách cá nhân hoặc khách hàng móc ngoặc với nhân viên của pháp nhân để tham gia giao dịch ngoài luồng thì không thể ràng buộc trách nhiệm cho pháp nhân. Chẳng hạn, nhân viên ngân hàng huy động tín dụng trên thị trường “đen” với hứa hẹn trả lãi suất cao rồi vỡ nợ thì đó không thể coi là trách nhiệm pháp nhân.

Đại biểu Nguyễn Văn Phụng cũng nhấn mạnh, khi giao dịch, phải giao dịch tại trụ sở, nơi làm việc của pháp nhân, nhất là với ngân hàng, tránh tình trạng hợp đồng bị vô hiệu khi được ký ở những địa điểm bên ngoài khi giấy tờ, chữ ký và con dấu có nguy cơ bị làm giả.

Ngoài ra, khách hàng cũng không nên tùy tiện “nhờ” hoặc ủy quyền miệng cho nhân viên của pháp nhân thực hiện hộ một số giao dịch, tránh tình trạng bị lợi dụng tài khoản, dẫn đến nguy cơ rủi ro cao, mà khi có tranh chấp cũng chưa chắc khách hàng đã đúng hoàn toàn, bởi việc ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật mới được thừa nhận.

“Nói chung, bản thân khách hàng cần có ý thức bảo vệ tài sản của mình khi tham gia các giao dịch hợp pháp, không ‘móc ngoặc’ với nhân viên của các pháp nhân để lách luật hòng kiếm lợi”, ông Nguyễn Văn Phụng nói.              

Tin bài liên quan