Kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của DN đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan, Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện đối với hơn 3.123 DN hoạt động xuất nhập khẩu vừa được công bố mới đây cho thấy, DN đánh giá tương đối tích cực về sự chuyển biến của hải quan trên bốn lĩnh vực chính, gồm: tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính hải quan; thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; sự phục vụ của công chức hải quan và kết quả giải quyết công việc của cơ quan hải quan.
Tuy nhiên, cũng theo khảo sát, nhiều DN vẫn gặp khó khăn với một số khâu trong tiếp cận thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính, thông quan… Đặc biệt là vẫn tồn tại tình trạng phải trả phí ngoài để tránh bị phân biệt và thuận lợi khi thông quan.
Trung bình, có 53% DN cho biết từng bị xử lý vi phạm hành chính hải quan, trong đó DN có quy mô càng lớn thì khả năng từng bị xử lý vi phạm càng cao. Đáng chú ý, chỉ có 27% DN từng bị xử phạt có tiến hành khiếu nại về quyết định xử lý vi phạm của cơ quan hải quan, trong số đó, chỉ có 54% hài lòng/hoàn toàn hài lòng với kết quả giải quyết khiếu nại.
Trong số những DN không khiếu nại, có 34% lo ngại mất thời gian, 27% ngại gặp rủi ro sau này và khoảng 20% cho biết không tiến hành vì thấy tốn kém chi phí. Điều này cho thấy DN vẫn có tâm lý không muốn tiến hành khiếu nại khi bị xử phạt bởi lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới công việc.
Trong số 37% thuộc nhóm DN không chi thêm chi phí ngoài quy định, có tới 31% cho rằng họ bị phân biệt đối xử, với những hình thức thường gặp gồm bị kéo dài thời gian làm thủ tục (83%); bị yêu cầu, bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định của pháp luật (37%); và cán bộ công chức hải quan có thái độ không văn minh, lịch sự (31%).
Đối với kết quả đánh giá cảm nhận của DN về mức độ dễ dàng khi thực hiện 6 nhóm thủ tục hành chính hải quan, một số thủ tục mà DN đánh giá khó/rất khó thực hiện ở mức tương đối cao, đó là thủ tục hoàn thuế, không thu thuế (31%), tiếp theo là thủ tục xét miễn thuế (26%). Kết quả này thể hiện sự cải thiện các thủ tục trên còn chậm chạp, chưa đáp ứng được yêu cầu thuận lợi hóa cho DN.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát đánh giá của DN về khó khăn trong thực hiện thủ tục hải quan khá cao. Cụ thể, có 1.852/3.123 DN (chiếm 58%) cho biết đã từng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan. Trong đó, phần lớn các vướng mắc mà DN hay gặp phải là nhiều biểu mẫu khai báo và hay thay đổi (83%), sự phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác có liên quan (60%), bị yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định (48%) và cán bộ hải quan không hướng dẫn đầy đủ, tận tình (37%). Điều này cho thấy các thủ tục hải quan tuy đã được cải tiến nhiều song vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, có 1.502 DN, chiếm 48%, phản hồi về những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện thủ tục xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát, có 1.266 DN (chiếm 41%) cho biết có gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục kiểm tra sau thông quan, và 1.406 DN cho biết vẫn gặp rào cản trong thực hiện các thủ tục quản lý thuế, chiếm tỷ lệ 45% trong tổng số phản hồi.
Đặc biệt, theo kết quả khảo sát năm nay, vấn đề khá tế nhị là DN phải trả chi phí ngoài quy định cho việc làm thủ tục hải quan tuy có giảm so với năm 2012 và 2013, song vẫn tồn tại, với tỷ lệ ở mức cao. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, vẫn có tới 28% DN cho biết phải trả thêm chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan.
Trong số 37% thuộc nhóm DN không chi thêm chi phí ngoài quy định, có tới 31% cho rằng họ bị phân biệt đối xử, với những hình thức thường gặp gồm bị kéo dài thời gian làm thủ tục (83%); bị yêu cầu, bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định của pháp luật (37%); và cán bộ công chức hải quan có thái độ không văn minh, lịch sự (31%). Ngoài ra, có khoảng 35% DN từ chối trả lời vấn đề này. Điều này cho thấy tình trạng DN phải trả chi phí ngoài tuy có giảm song vẫn tồn tại và chưa được xử lý triệt để, gây khó khăn cho DN.
Đồng thời kết quả trên phản ánh vấn đề khá nhạy cảm tồn tại lâu nay trong quan hệ giữa DN với hải quan là DN vẫn e ngại những rủi ro và hệ lụy từ việc phản ánh tiêu cực có thể ảnh hưởng tới hoạt động của DN.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, mặc dù kết quả khảo sát cho thấy đã có chuyển đổi rất lớn từ tư duy ban ơn, ban phát sang tư duy phục vụ, đồng hành với DN, thể hiện trong các nỗ lực cải cách đáng ghi nhận của ngành hải quan thời gian qua, song phần lớn cộng đồng DN vẫn kỳ vọng và mong mỏi các cải cách này cần được triển khai mạnh mẽ và triệt để hơn nữa. Đây cũng là khuyến nghị mà bà Susan Sutton, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đưa ra cùng đề xuất cần đẩy mạnh hơn sự chuyển biến trong cách thức thực thi nhiệm vụ của cán bộ ngành hải quan.