Cử tri nhiều địa phương không muốn nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng vì bị gánh nhiều khoản phí

Cử tri nhiều địa phương không muốn nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng vì bị gánh nhiều khoản phí

Trả lương hưu qua tài khoản: Người nhận lương rầu vì lương thấp còn bị ngân hàng thu phí

0:00 / 0:00
0:00
Cử tri nhiều tỉnh - đặc biệt là các cử tri cao tuổi - phản ánh việc nhận lương hưu và tiền hỗ trợ qua tài khoản gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa kể phải gánh nhiều khoản phí và mong muốn được nhận lương bằng tiền mặt.

Trong kiến nghị gửi tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện nay, việc chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng chính sách được thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng có nhiều bất cập, lại bị ngân hàng trừ phí.

Chính vì vậy, người cao tuổi, hưu trí không muốn tiền lương hưu, tiền hỗ trợ chi trả qua ngân hàng. Do đó, cử tri đề nghị cơ quan chức năng cho các đối tượng chính sách, người thụ hưởng nhận tiền mặt tại địa phương thay vì nhận qua tài khoản ngân hàng, hoặc chỉ đạo ngân hàng không thu phí với các đối tượng chính sách.

Trước đó, cử tri Thái Bình cũng kiến nghị, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân gây khó khăn cho người dân; đặc biệt đối với các đối tượng chính sách là những người cao tuổi không có hoặc chưa biết sử dụng điện thoại thông minh và tài khoản cá nhân. Do đó, cử tri đề nghị có giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Theo khảo sát của Báo Đầu tư, không chỉ Thái Bình mà người dân nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn đều có mong muốn nhận lương và trợ cấp bằng tiền mặt. Lý do là ở nhiều vùng nông thôn, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa hình thành, người dân nhận tiền qua tài khoản lại phải vất vả đi hàng km đến hàng chục km đến ngân hàng để rút tiền mặt.

Cũng liên quan tới nhận lương hưu và trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, cách đây không lâu, cử tri Quảng Ninh và Nam Định lại than phiền vì các đối tượng chính sách, xã hội nhận được trợ cấp không cao trong khi nhận lương qua tài khoản ngân hàng lại phải gánh thêm nhiều loại phí (phí duy trì tài khoản ngân hàng; phí thường niên thẻ thanh toán nội địa; phí quản lý tài khoản ngân hàng, phí chuyển tiền và rút tiền…).

“Các loại phí này ảnh hưởng đến tâm lý, ngại mở thẻ và thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Đề nghị rà soát các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội (cao tuổi, tàn tật, hộ nghèo…) không phải chi trả các khoản kinh phí quản lý tài khoản tại ngân hàng để thuận lợi cho việc triển khai nhiệm vụ chi trả KDTM cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng, thuận tiện”, cử tri Quảng Ninh đề xuất.

Tương tự, cử tri Nam Định cũng đề nghị NHNN Việt Nam có chính sách hỗ trợ về phí dịch vụ khi sử dụng tài khoản cá nhân để nhận trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng trên nhằm thể hiện đúng tinh thần và ý nghĩa nhân đạo trong thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trước kiến nghị của cử tri về trả lương và các khoản hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng, NHNN cho rằng, về việc cơ quan chức năng cho các đối tượng chính sách, người thụ hưởng nhận tiền mặt tại địa phương không thông qua các ngân hàng, tại Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25.11.2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng quy trình và hướng dẫn các địa phương thực hiện triển khai nhiệm vụ chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì để nghiên cứu các giải pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện việc chi trả lương hưu, tiền hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng một cách phù hợp đảm bảo sự thuận tiện cho các đối tượng thụ hưởng, cũng như bảo đảm thực hiện mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Đối với kiến nghị về việc không thu phí đối với đối tượng chính sách, vào năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

NHNN cho biết đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, phí dịch vụ trung gian thanh toán hợp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong đó ưu tiên áp dụng đối với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận trợ cấp an sinh xã hội.

Tin bài liên quan